Thông tin tuyển sinh

Tư vấn tuyển sinh khối ngành Kinh doanh & Quản lí, BCTT

Ban Tư vấn tuyển sinh đại học chính quy năm 2014 chào mừng các bạn thí sinh tham dự chương trình tư vấn trực tuyến về hướng nghiệp của các khối ngành Báo chí và Thông tin (gồm các ngành Báo chí, ngành Quan hệ công chúng, ngành Thông tin học, ngành Lưu trữ học) và khối ngành Kinh doanh và Quản lý (ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, ngành Khoa học quản lý, ngành Quản trị văn phòng).

Kể từ ngày thông báo mở chương trình tư vấn trực tuyến cho thí sinh dự thi đại học năm 2014 của Trường Đại học KHXH&NV đến hôm nay, 2 khối ngành này đã nhận được 74 câu hỏi của các bạn thí sinh. Ban Tư vấn tuyển sinh Nhà trường chân thành cảm ơn sự quan tâm của các bạn thí sinh đến các ngành đào tạo của Trường.

Các thành viên Ban tư vấn của chương trình hôm nay gồm:

1. PGS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV
2. PGS.TS Trần Văn Hải –Chủ nhiệm khoa Khoa Khoa học quản lý
3. TS Bùi Chí Trung – Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông (khoa phụ trách đào tạo ngành Báo chí và ngành Quan hệ công chúng)
4. Th.S Tô Quang Long –Chủ nhiệm Khoa Du lịch học
5. Th.S Đỗ Văn Hùng – Phó Chủ nhiệm Khoa Thông tin – Thư viện
6. Th.S Lê Tuấn Hùng – Phó Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (khoa phụ trách đào tạo ngành Lưu trữ học và ngành Quản trị văn phòng)
7. Th.S Đinh Việt Hải – Phó Trưởng phòng Đào tạo
8. Thầy Nguyễn Văn Hồng – chuyên viên tuyển sinh phòng Đào tạo

Từ phải sang: ThS Lê Tuấn Hùng, PGS.TS Nguyễn Văn Kim, ThS Đỗ Văn Hùng, ThS Đinh Việt Hải.

Từ phải sang: ThS Lê Tuấn Hùng, PGS.TS Nguyễn Văn Kim, ThS Đỗ Văn Hùng, ThS Đinh Việt Hải.

Hỏi: Hiện nay em sắp tốt nghiệp hệ cao đẳng trường DH ngân hàng. Em muốn liên thông lên DH ngành quản trị nhà hàng khách sạn thì có được không, thủ tục như thế nào và học trường nào thì tốt ạ?Em xin cảm ơn! (Phạm Anh Thư)

ThS Đinh Việt Hải:

Trường Đại học KHXH&NV không có các chương trình liên thông từ cao đẳng lên đại học vì thế em nên đặt câu hỏi này tới trường có đào tạo liên thông cao đẳng lên đại học của ngành này. Thầy chỉ chia sẻ với em về suy nghĩ: Thế nào là một trường tốt? Để trả lời câu hỏi này em cần xem kỹ thông tin của nhà trường về đội ngũ giảng viên, lịch sử đào tạo của ngành em muốn học và nhất là các hoạt động thực tập của ngành học bởi ngành này muốn đào tạo tốt thì các hoạt động này phải được đầu tư chu đáo.

Hỏi: Em xin chào các thầy cô của trường, Trường cho em hỏi là e thi ngành Khoa học quản lí (Chuyên ngành quản trị nhân lực) – Khối A. Vậy chương trình học chúng em có giống với chương trình học của các bạn thi khối  C, D1,2,3,4,5,6 hay không ạ? Chúng em có phải học tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga,.. Giống như khung chương trình của trường đã viết hay không? (Nguyễn Thị Phượng)

PGS. TS Trần Văn Hải:

Cảm ơn em đã quan tâm đến ngành Khoa học quản lý. Trước hết, Thầy lưu ý em là tên của chuyên ngành là Quản trị nguồn nhân lực chứ không phải là Quản trị nhân lực em nhé.

Dù em thi khối A hay bất cứ khối nào, khi  trở thành sinh viên của Khoa thì em cùng học một chương trình với các bạn thi các khối khác, không có sự khác biệt nào.

Về ngoại ngữ, trong khung chương trình đào tạo nêu 4 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung. Việc học thứ tiếng nào là do em lựa chọn. Tuy nhiên, nếu em muốn học tiếng Nga, tiếng Pháp nhưng trong trường hợp không đủ sinh viên để mở lớp thì nhà trường sẽ chuyển em sang học tiếng Anh.

Hẹn gặp em trên giảng đường của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

PGS.TS Trần Văn Hải - Chủ nhiệm khoa Khoa Khoa học quản lý.

PGS.TS Trần Văn Hải – Chủ nhiệm khoa Khoa Khoa học quản lý.

Hỏi: Thầy cho em hỏi ngành khoa học quản lí sau khi ra trường thì làm những công việc gì? Thầy có thể mô tả công việc ấy kĩ hơn được không ạ? Em xin trân thành cảm ơn. (Trần Văn Ngụy và Bùi Lệ Phương)

PGS.TS Trần Văn Hải:

Cảm ơn em đã quan tâm đến ngành Khoa học quản lý.

Cử nhân Khoa học quản lý có đủ phẩm chất và năng lực để đảm nhiệm các công việc liên quan đến trước hết ở vị trí tư vấn quản lý và tiến tới quản lý trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thuộc các loại hình sở hữu khác nhau, tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội… Để biết chi tiết hơn, em có thể đọc trực tiếp tại địa chỉ sau đây:http://tuyensinh.ussh.edu.vn/program/khoa-hoc-quan-li
và nếu em muốn đọc được nhiều hơn thông tin về công tác tuyển sinh năm nay của trường, mời em vào địa chỉ sau để tải về cuốn Cẩm nang tuyển sinh đại học 2014 của Trườnghttp://tuyensinh.ussh.edu.vn/cam-nang-tuyen-sinh-dai-hoc-2014/992

Hẹn gặp em trên giảng đường của Khoa Khoa học Quản lý.

Hỏi: Thầy cô có thể cho em thêm thông tin cụ thể, cơ hội việc làm của ngành PR không ạ? Có phải học các ngành về kinh tế, marketing sau này cũng làm đc nghề này không ạ? (Nguyễn Hương Liên)

TS Bùi Chí Trung:

Câu hỏi của em rất thú vị. Có thể tìm được Người được đào tạo PR có thể làm việc tại nhiều nơi thuộc nhiều khối ngành khác nhau như khối ngành nhân văn, khối kinh tế, kỹ thuật, chính trị… 
Làm một phép tính đơn giản như sau hiện nay số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động ở Việt Nam là khoảng 375,000 và giả sử chỉ 30% trong số doanh nghiệp này cần nhân viên PR thì xã hội Việt Nam cần tới 112,000 người làm công việc này. Việt Nam chúng ta hiện đang rất thiếu các nhân viên PR được đào tạo bài bản và làm việc chuyên nghiệp.

Một số đơn vị, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp nhân viên PR có thể xin việc tại:

  • Các báo, đài trên cả nước
  • Các viện nghiên cứu, tham gia giảng dạy tại các trung tâm, các trường CĐ, ĐH.
  • Các tập đoàn lớn, nhỏ không phân biệt lĩnh vực hoạt động trong cả nước, bằng các hoạt động như tổ chức sự kiện, thong tin nội bộ, tham vấn chiến lược quảng cáo, marketing,…
  • Các tổ chức chính phủ
  • Các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước
  • Các tổ chức dân sự xã hội như hiệp hội, liên đoàn…

Trên thực tế nếu học các ngành khác như kinh tế, marketing… đều có thể tham gia vào hoạt động PR, cũng tương tự như người học PR đều có thể tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên để có một nền tảng lý thuyết cơ bản về chuyên ngành, có cơ hội thực tập về từng vấn đề nghiệp vụ, được các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông trực tiếp đào tạo hướng dẫn một cách bài bản… bạn nên đăng ký theo học chuyên ngành này tại một cơ sở đào tạo chuyên sâu như Khoa Báo chí và Truyền thông.

TS Bùi Chí Trung - Khoa BC&TT.

TS Bùi Chí Trung – Khoa BC&TT.

Hỏi: Cho em hỏi ngành Thông tin học là học về những gì và sau này phát triển việc làm như thế nào? Chào em. Cám ơn em đã quan tâm đến ngành Thông tin học (TTH), được đào tạo bởi Khoa Thông tin – Thư viện (TTTV), Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội. (Trịnh Thu Dung, Bùi Minh Đức)

Th.S Đỗ Văn Hùng:

Ngành TTH đào tạo ra những Chuyên gia thông tin. Là người có bản lĩnh vững vàng, năng động, sáng tạo, thành thạo nghiệp vụ thông tin và giao tiếp với cộng đồng. Nhanh nhạy trong việc phát hiện, xác định nhu cầu tin của người dùng tin khác nhau; Phát hiện nguồn tin; Luôn đạt hiệu quả cao trong việc khai thác, thu thập, tổ chức xử lý tạo dựng các sản phẩm thông tin; Tổ chức bảo mật và bảo quản thông tin; Tổ chức các dịch vụ cung cấp thông tin truyền thống và hiện đại, phù hợp với các đối tượng người dùng  tin khác nhau trong xã hội tùy thuộc vào mục đích, nhiệm vụ của người dùng tin/người được cung cấp thông tin.

Vậy nghề thông tin là gì? Là nghề phát hiện, xác định nhu cầu tin của người dùng tin trong xã hội; Phát hiện nguồn tin; Biết cách khai thác, thu thập, tổ chức xử lý tạo dựng hệ thống các sản phẩm thông tin; Tổ chức bảo mật và bảo quản thông tin; Tổ chức các dịch vụ cung cấp thông tin phù hợp với các đối tượng người dùng  tin là các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học, nhà giáo, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, học sinh và đại chúng.

Cơ hội nghề nghiệp thì sao? Cơ hội nghề nghiệp mở rộng với bạn. Theo khảo sát mới nhất của Nhà trường thì 90% sinh viên của khoa TTTV đã tìm được việc làm ngay sau khi ra trường. Cac cơ quan mà sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc đó là:

– Các trung tâm thông tin và thư viện của tất cả các Bộ, Ban, Ngành của Đảng, Chính phủ; Quốc hội; Tổ chức nghề nghiệp ở Trung ương và địa phương thuộc các tỉnh/thành phố;
– Các trung tâm thông tin và thư viện của các Viện/Trung tâm nghiên cứu khoa học, các Hiệp hội/tổ chức phi chính phủ, các sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước.
– Các Trung tâm thông tin và thư viện của các trường học/học viện thuộc hệ thống Giáo dục đại học và phổ thông.
– Các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng, Trung cấp ngành thông tin học khoa học thư viện (để làm giảng viên);
–  Các cơ quan thuộc ngành nghề khác như trong các cơ quan văn hóa, lưu trữ, bảo tàng, xuất bản, phát hành, báo chí, du lịch…

Cám ơn em đã quan tâm và chúc em thành công trong kỳ thì đại học sắp tới. Hẹn sớm gặp lại em!

ThS Đỗ Văn Hùng - Khoa Thông tin Thư viện.

ThS Đỗ Văn Hùng – Khoa Thông tin Thư viện.

HỏiThưa các thầy, năm nay em có định hướng thi vào khoa quản trị văn phòng. Sau khi ra trường em có thể làm việc ở những vị trí nào của một doanh nghiệp ạ? Điểm trúng tuyển khoa Quản trị văn phòng các năm qua có chênh lệch nhau nhiều không ạ? (Nguyễn Thu Hiền)

ThS. Lê Tuấn Hùng:

Chào em. Trước hết, Thầy giới thiệu với em là khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng hiện đang đào tạo 2 ngành cử nhân là ngành Lưu trữ học và ngành Quản trị văn phòng.

Thầy hiểu câu hỏi của em là em quan tâm đến ngành Quản trị văn phòng nên Thầy sẽ giới thiệu với em về ngành này như sau:

Quản trị văn phòng hiện nay nằm trong top 100 các vị trí việc làm tốt nhất theo xếp hạng của tổ chức U.S News Rankings (Hoa Kỳ, số liệu năm 2014). Đó là minh chứng cho nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực văn phòng trên thế giới và ở Việt Nam. Đây là ngành học có sức hấp dẫn đối với các sinh viên vì văn phòng là môi trường làm việc thích hợp với những người ham hiểu biết, có tri thức; có năng lực tổ chức, quản lý, điều hành; có phong cách tự tin, quảng giao, lịch thiệp; có tính năng động và sáng tạo.

Nếu đăng kí dự thi và tốt nghiệp ngành Quản trị văn phòng, bạn sẽ là:

– Những người làm việc ở khu vực hoặc bộ phận văn phòng của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp;
– Người tổ chức, điều hành các nhân viên trong khu vực hoặc bộ phận văn phòng (Chánh văn phòng, Phó chánh văn phòng; Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Hành chính);
– Thư ký văn phòng, Trợ lý hành chính cho các cấp lãnh đạo và quản lý;
– Giảng viên, nghiên cứu viên về lĩnh vực hành chính, văn phòng, văn thư và lưu trữ tại các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan nghiên cứu.

Ngoài ra, những người làm việc ở các vị trí kể trên có cơ hội học lên ở các bậc cao hơn (Thạc sỹ, Tiến sỹ) để trở thành các nhà khoa học, các nhà quản lý góp phần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển trong lĩnh vực quản trị văn phòng ở Việt Nam.

Về điểm chuẩn, năm nay ngành Quản trị văn phòng chính thức tuyển sinh khóa 1 với tư cách là một ngành độc lập. Nếu tham khảo gần nhất thì em xem điểm chuẩn các năm qua của ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng tại mục Tra cứu tại website: http://tuyensinh.ussh.edu.vn

Chúc em sớm trở thành sinh viên của ngành Quản trị văn phòng!

ThS Lê Tuấn Hùng - Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.

ThS Lê Tuấn Hùng – Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.

Hỏi: Em muốn làm việc ở đài truyền hình vậy phải thi vào ngành nào ở trương ĐH Khoa học Xã hội và NV có cơ hội việc làm cao và có thể đưa nền văn hóa của Việt Nam tiến xa hơn tới cộng đồng quốc tế? Và muốn làm được như vậy ngay từ bây giờ em phải cố gắng học những môn nào? Em mong có thể đươc các thầy cô tư vấn tận tình để em có thể đặt muc tiêu và định hướng chạm đến ước mơ trong tương lai! Em xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Hoàng Hạ Anh)

TS Bùi Chí Trung:

Người ta thường nói rằng trong một Đài truyền hình có tới hàng nghìn công việc, hàng trăm chức danh và vô vàn công việc khác nhau. Không phải chỉ có thi vào trường Đh Khoa học Xã hội và Nhân văn mới có cơ hội làm việc tại đài truyền hình, hoặc có cơ hội tìm việc làm cao.  Tuy nhiên đây là một trong những nơi đào tạo một trong những công việc cơ bản nhất của ngành truyền hình là Báo chí truyền thông. Rất nhiều nhà báo của VTV, HTV và các đài Phát thanh Truyền hình địa phương đã tốt nghiệp Khoa Báo chí và Truyền thông. Cũng rất nhiều nhà báo đã đạt các giải Báo chí Quốc gia là cựu sinh viên của Khoa.

Nếu ước mơ trở thành một nhà báo giỏi trong tương lai, hãy nhớ rằng mình cần trang bị một hệ thống kiến thức rất tổng hợp, rất sâu rộng, đồng thời phải hết sức thành thạo những kiến thức báo chí chuyên ngành. Và vì bạn nói về “ước mơ trong tương lai”, xin được nhắc thêm rằng người làm báo luôn là người không bao giờ được “từ bỏ ước mơ” của mình.

Còn lúc này, môn học em cần cố gắng  tập trung vào chính là những  môn học em sẽ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học. Khi là sinh viên Trường Đại học KHXH&NV, ngay từ những ngày đầu tiên, em sẽ được tham gia các hoạt động định hướng đào tạo dành cho tân sinh viên để chuẩn bị tốt nhất cho 4 năm học đại học của mình.

Chúc em thành công!

Hỏi: Cho em hỏi ngành Lưu trữ học của Trường có liên quan đến ngành Quản trị văn phòng không ạ? Và chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2014 là như thế nào? (Tran Thi Tinh)

ThS. Lê Tuấn Hùng:

Chào bạn.

Trước hết, chúng tôi xin nói thêm để em hiểu, hiện nay Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) đang quản lý hai ngành đào tạo: ngành Lưu trữ học và ngành Quản trị văn phòng. Có lẽ vì vậy mà em cho rằng hai ngành này có sự liên quan chăng?

Nhưng, dưới góc độ công việc của hai lĩnh vực này thì có sự liên quan mật thiết. Lưu trữ là một lĩnh vực hoạt động của Nhà nước nói chung, của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp nói riêng. Công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp là một nội dung của công tác văn phòng.

Một sự liên quan nữa mà em cũng cần quan tâm, đó là công tác lưu trữ, công tác quản trị văn phòng là hai công tác không thể thiếu ở tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp. Vì vậy, cơ hội có việc làm của sinh viên tốt nghiệp hai ngành này luôn rất cao.

Chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2014:
– Ngành Quản trị văn phòng: 50.
– Ngành Lưu trữ học: 50.

Chúc em sớm trở thành sinh viên của Khoa.

Hỏi: Thầy (Cô) cho em hỏi, em có nguyện vọng muốn thi vào Ngành Khoa Học Quản Lí của trường bằng tiếng Nga, vậy khi vào trường em sẽ học ngôn ngữ gì ạ? (Phạm Thị Lê)

Th.S Đinh Việt Hải:

Em hoàn toàn có thể dự thi môn ngoại ngữ là tiếng Nga bởi đây là một trong 6 thứ tiếng của kỳ thi tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, khi là sinh viên của Trường, nếu cả trường không có đủ ít nhất 20 sinh viên học tiếng Nga thì ngoại ngữ em sẽ học là do em chọn 1 trong 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung.

ThS Đinh Việt Hải - Phòng Đào tạo.

ThS Đinh Việt Hải (trái) – Phòng Đào tạo.

Hỏi: Cho em hỏi ngành khoa học thư viện trường có đào tạo không ạ? nếu có đại học đào tạo mấy năm và ra trường sẽ làm ở đâu? (Bùi Thị Thùy Dương)

Th.S Đỗ Văn Hùng:

Chào em, cám ơn em đã quan tâm đến ngành Khoa học thư viện. Cùng với Thông tin học, Khoa học thư viện trước đây là một trong hai hướng ngành của ngành Thông tin – Thư viện. Đến năm 2012, theo quy hoạch ngành và chuyên ngành của ĐHQGHN, Nhà trường tuyển sinh ngành Thông tin học và dự kiến trong năm tới sẽ tiếp tục tuyển sinh ngành Khoa học thư viện với tư cách là một ngành độc lập. Năm 2014, Trường Đại học KHXH&NV chưa tuyển sinh ngành Khoa học thư viện em nhé.

Về cơ hội nghề nghiệp, từ kinh nghiệm đào tạo 30 năm qua đối với ngành Thông tin – Thư viện (trong đó có hướng ngành Khoa học thư viện như Thầy nêu trên), sinh viên ra trường đã và đang làm việc tại các cơ sở sau:

– Các trung tâm thông tin và thư viện của tất cả các Bộ, Ban, Ngành của Đảng, Chính phủ; Quốc hội; Tổ chức nghề nghiệp ở Trung ương và địa phương thuộc các tỉnh/thành phố;
– Các trung tâm thông tin và thư viện của các Viện/Trung tâm nghiên cứu khoa học, các Hiệp hội/tổ chức phi chính phủ, các sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước.
– Các Trung tâm thông tin và thư viện của các trường học/học viện thuộc hệ thống Giáo dục đại học và phổ thông.
– Các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng, Trung cấp ngành thông tin học khoa học thư viện (để làm giảng viên);
– Các cơ quan thuộc ngành nghề khác như trong các cơ quan văn hóa, lưu trữ, bảo tàng, xuất bản, phát hành, báo chí, du lịch…

Cám ơn em đã quan tâm đến ngành, chúc em thành công trong kỳ thi đại học sắp tới. Nếu em có quan tâm hơn nữa về ngành học, em liên hệ theo địa chỉ sau. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc: Khoa Thông tin – Thư viện, tầng 4, Nhà A. Trường ĐHKHXH&NV, 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. ĐT: 04.38583903 – Fax: 04.38583903 – Email: thongtinthuvien@gmail.com

Hỏi: Cho em hỏi Khoa Báo chí trường mình đào tạo có tốt không ạ. Bằng ra trường có bằng báo chí bên Học viện báo chí không ạ? (Kim Ngân)

TS Bùi Chí Trung:

Cảm ơn em đã hỏi. Khoa Báo chí và Truyền thông vừa bước qua tuổi 20 – tuổi của sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ. Có thể nói đây là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực ngành báo chí truyền thông hàng đầu tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào về đội ngũ giảng viên gồm nhiều nhà giáo có tên tuổi, đã đạt được nhiều giải thưởng lớn của Nhà nước, đồng thời, sát cánh cùng họ là những giảng viên rất trẻ trung, năng động, giỏi giang cả về lý thuyết và thực hành báo chí truyền thông. Hiện nay, 15 giảng viên cơ hữu và hàng chục nhà báo nổi tiếng cùng tham gia đào tạo đã dẫn dắt hơn 1000 sinh viên các hệ đào tạo khác nhau khắp từ Bắc tới Nam. Khoa hiện đào tạo hai ngành Báo chí học và Quan hệ công chúng. Theo đó, chương trình đào tạo hướng sinh viên tới tất cả các lĩnh vực của truyền thông như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo ảnh, báo trực tuyến, quan hệ công chúng, quảng cáo… Trên cơ sở đó, tuỳ theo sở thích và đam mê của mình mà sinh viên có thể chọn hướng nghề nghiệp chuyên môn sâu cho mình.

Sinh viên của Khoa ngay từ những năm đầu tiên đã được học làm nghề, thực hành nhiều, và rất nhiều bạn đã trở thành cộng tác viên “ruột” hưởng lương hàng tháng của các toà soạn nhiều năm trước khi ra trường. Hàng ngàn sinh viên của Khoa đã tốt nghiệp hiện đang công tác tốt tại nhiều cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương, trong đó, có rất nhiều biên tập viên, phóng viên nổi tiếng.

Có một điểm rất thú vị, có thể nói là một thế mạnh rất đặc biệt đối với các sinh viên Báo chí Truyền thông, đó là ngoài các môn học cơ bản và chuyên ngành các bạn sẽ tiếp tục được đào tạo thêm ở rất nhiều lĩnh vực khoa học chuyên sâu mà thực tiễn hoạt động báo chí đặt ra. Nói một cách dễ hiểu thế này, nếu bạn muốn làm phóng viên chính trị, bạn sẽ có thể được học thêm kiến thức ngành Chính trị học, nếu làm phóng viên quốc tế thì kiến thức quốc tế học cũng rất thú vị. Ngoài ra ở Trường Đại học KHXH và Nhân văn còn có một hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đa phương tiện vào loại hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, thậm chí là tương đương với các đài Truyền hình với quy mô đầu tư hàng chục tỷ đồng. Trong thời gian tới, hệ thống thiết bị này còn được tiếp tục nâng cấp giai đoạn hai với kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Mọi sinh viên đều được thực tập trên đó và sẽ không bị bỡ ngỡ khi ra ngoài làm việc

Hỏi:
+ Chào quý thầy cô, như em được biết năm nay trường có tuyển sinh thêm 1 ngành mới là ngành Quản trị văn phòng, thầy cô có thể cho em biết thêm về ngành này được không ạ? Cụ thể là về chương trình đào tạo và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Em xin chân thành cám ơn! (Trần Thu Thủy)
+ Quản trị văn phòng là 1 ngành mới , cho e hỏi là ngành sẽ có mức điểm cao k ạ, chỉ tiêu của ngành là gì? và hiện tại e vẫn chưa biết tìm hiểu về ngành ở đâu như là mã ngành. (Đỗ Ánh)
+ Thưa thầy cô và cà các anh chị. Em đang học khối A ạ. Em được biết năm nay nhà trường có mở 1 ngành mới là quản trị văn phòng ạ. Vậy thì cho em hỏi là chỉ tiêu là bao nhiêu ạ. Tỉ lệ chọi có cao không ạ. Sau này nếu học hết năm thứ nhất thì em có thể đăng kí thêm các khoa khác không ạ. Và ra trường thì sẽ làm ở đâu ạ. Em xin chân thành cảm ơn. (JinJin Kyu)

ThS Lê Tuấn Hùng:

Chào các bạn.

Đúng như các bạn được biết, năm 2014, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) bắt đầu tuyển sinh ngành Quản trị văn phòng. Đây là ngành học mới được tách ra từ ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng trước đây.

Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của ngành Quản trị văn phòng là: 50

Cơ hội việc làm sau khi ra trường, bạn có thể công tác trong lĩnh vực văn phòng, tại các vị trí như thư ký văn phòng; thư ký giám đốc; trợ lý hành chính; trưởng/phó phòng hành chính; Chánh/phó chánh văn phòng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp.

Sau khi học xong năm thứ nhất, các bạn có thể đăng ký học bằng kép của 4 ngành sau: ngành Khoa học quản lý; ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; ngành Báo chí; ngành Quốc tế học.
Về ngành Quản trị văn phòng, các bạn có thể tham khảo thêm thông tin ở đường link dưới đây (trang 51): http://ussh.vnu.edu.vn/USSH%20-%20Cam%20nang%20tuyen%20sinh%202014.pdf

Về chương trình đào tạo (gồm cả mã ngành), các bạn có thể tham khảo ở đường link dưới đây:
http://tuyensinh.ussh.edu.vn/program/quan-tri-van-phong

Chúc tất cả các bạn thành công.

Hỏi: Nếu em học khá và là học sinh khối C thì em có thể thi vào nganh quản trị du lịch và lữ hành dược không ạ? và nếu em vào dược thì sau khi ra trường có thể kiếm việc dễ dàng không ạ? (Trinh Tran)

ThS Tô Quang Long:

Chào bạn, hiện Khoa Du lịch học đang tuyển sinh cả 3 khối A, C và D. Theo kinh nghiệm của những năm trước, số lượng thí sinh thi và được tuyển vào khoa ở khối C là chiếm khá đông. Với học lực của bạn, bạn nên mạnh dạn thi vào Khoa nhé.

Cũng theo thống kế gần đây của Khoa, sinh viên sau khi ra Trường có thể có nhiều lựa chọn trong công tác sau này như điều hành du lịch, hướng dẫn viên du lịch, các nghề thuộc lĩnh vực nhà hàng khách sạn như lễ tân, buồng bàn,…. quản lý doanh nghiệp lữ hành, quản lý trong các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, giảng viên các trường đào tạo về du lịch, các viện nghiên cứu, bảo tàng…

ThS Tô Quang Long (trái) - Khoa Du lịch học.

ThS Tô Quang Long (trái) và ThS Trương Kim Chi – Khoa Du lịch học.

Hỏi: Em xin hỏi ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành có được học tiếng Trung không ạ? Và em điều kiện để năm thứ 2 học văn bằng 2 của trường là gì ạ? (Thanh Hằng)

ThS Trương Kim Chi:

Khối thi của Khoa có khối D1,2,3,4,5,6 nên khi đầu vào bạn có thể thì bằng ngoại ngữ mình đang học, trong đó có tiếng Trung mà bạn đang theo học. Sau khi vào Trường, nếu số lượng sinh viên đăng kí học tiếng Trung ( cả cơ bản và chuyên ngành) đủ số lượng trên 15 sinh viên học thì Khoa và Trường sẽ mở lớp và tiến hành đào tạo như các ngoại ngữ khác. Nếu ít hơn bạn sẽ được đề nghị chuyển sang học tiếng Anh.

Theo chương trình của Đại học Quốc gia ban hành, ngoài chương trình đào tạo hệ chính qui, Khoa Du lịch còn có thể liên kết với các khoa khác như Đại học Ngoại ngữ, khoa Khoa học quản lý ….để các bạn có thể đăng học thêm một ngành kép nữa. Sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp 2 bằng đại học. Cố gắng lên bạn nhé!

Hỏi: Em có câu hỏi này ạ!
– Ngành thông tin học của trường đào tạo về lĩnh vực gì?
– Những môn học chuyên ngành của ngành này là gì ạ?
– Sau khi tốt nghiệp ra trường, em có thể làm công việc gì, lĩnh vực nào, cơ hội làm việc ra sao?
Em cám ơn ạ! (Nguyễn Văn Mạnh)

Th.S Đỗ Văn Hùng:

Chào em, cám ơn đã quan tâm và đặt câu hỏi. Ngành Thông tin học đào tạo ra những Chuyên gia thông tin – người có khả năng đánh giá, thu thập, xử lý và phân phối thông tin. Có khả năng đánh giá nhu cầu tin, cũng như cung cấp những sản phẩm – dịch vụ thông tin có giá trị gia tăng cao cho các đối tượng người dùng tin cụ thể. Như chúng ta đã biết “Trong xã hội hiện đại với nền kinh tế tri thức, Thông tin là cơ sở và nguồn lực, động lực quan trọng để mỗi cá nhân, tổ chức tồn tại và phát triển. Ai nắm bắt được thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ thì người đó sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh” – Pr.Claudia. “Những người có khả năng kiểm soát được thông tin là những người mạnh mẽ nhất hành tinh” – Matthew Lesko.

Về môn học, em có thể tham khảo chương trình đào tạo tại đây: http://dt.ussh.edu.vn/he-chuan/chuong-trinh-dao-tao-chuan-ap-dung-tu-khoa-2012

Như thầy đã trả lời ở trên, cơ hội nghề nghiệp là rất tốt đối với sinh viên học ngành này. Em có thể làm việc tại các các trung tâm thông tin và thư viện của tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường phổ thông, các Bộ, Ban, Ngành của Đảng, Chính phủ; Quốc hội; Tổ chức nghề nghiệp ở Trung ương và địa phương thuộc các tỉnh/thành phố; các tổ chức phi chính phủ; Ngoài ra sinh viên có khả năng làm giảng viên tại các cơ sở đào tạo ngành Thông tin – Thư viện.

Cám ơn em đã quan tâm. Chúc em thi đỗ đại học trong kỳ thi sắp tới. Hẹn sớm gặp em ở giảng đường đại học!

Hỏi: Thưa Thầy (cô) có thể cho em hỏi: ngành báo chí sau khi ra trường thì có thể làm những công việc gì và có dễ xin việc hay không ạ? (Tống Minh Quyên)

TS Bùi Chí Trung:

Có thể ai đó vẫn thường nghĩ rằng học ngành báo chí ra thì chỉ làm được nghề báo, nhưng theo tôi thì không hẳn như vậy.

Trước tiên, Khoa Báo chí và Truyền thông đào tạo ra những phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình… làm việc tại các cơ quan báo in hoặc phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến. Ngoài ra, cử nhân ngành Báo chí còn có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, tại bộ phận truyền thông, quan hệ công chúng (PR) của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… từ trung ương đến địa phương. Các công ty cung cấp dịch vụ quan hệ công chúng, quảng cáo, tổ chức sự kiện… cũng là những địa chỉ thu hút rất mạnh các cử nhân ngành báo chí. Nếu học tốt và có đam mê, sau khi tốt nghiệp, em có thể học lên cao học, tiến sĩ… và trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy báo chí truyền thông trong tương lai nữa.

Xin bật mí với em rằng có rất nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều nhà quản lý giỏi của nhiều tổ chức kinh tế lại là cựu sinh viên ngành Báo chí. Tuy nhiên để xin việc, bạn không chỉ cần có “bảng điểm tốt”, hãy rèn luyện những kỹ năng cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm và các mối quan hệ xã hội. Và trước tiên hãy rèn luyện cho mình “bản lĩnh” của người làm báo khi sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn.

HỏiThầy cô có thể tư vấn cho em về ngành học liên quan đến các công việc như tổ chức sự kiện, hay những công việc ở ngành giải trí, PR được không ạ? Hiện em đang rất rối không biết chọn ngành học nào, bản thân em thấy mình rất phù hợp với các công việc liên quan đến nghệ thuật? Mong thầy cô trả lời cho em sớm nhất có thể. Em xin cảm ơn! (Nguyễn Thị Thanh Trúc)

TS Bùi Chí Trung:

Nếu em quan tâm đến công việc tổ chức sự kiện hoặc ngành giải trí thì cũng có thể theo học ngành PR. Hãy hình dung thế này nhé, nếu em muốn  trở thành một “Người quản lý” cho một diễn viên hoặc một nhân vật nổi tiếng, trực tiếp quản lý hình ảnh của diễn viên đó trên báo chí, tổ chức họp báo, tổ chức các sự kiện ra mắt công chúng hoặc thậm chí là điều phối hoạt động của nhật vật với công chúng… Tất cả các kỹ năng nghiệp vụ đó đều được trang bị bởi ngành đào tạo PR. Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ và có nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Chúc em sớm thành công.

Hỏi: Thưa thầy/cô em đọc bài hỏi đáp về thủ tục tuyển sinh thấy có ghi về việc nếu đang học tại trường mà muốn thi lại vẫn vào trường nhưng khoa khác thì phải xin đơn xin thi lại đại học. Vậy thầy cho em hỏi cách làm thủ tục và xin đơn ở đâu ạ? Và tiếp đó là hạn phải nộp là trước hay sau khi làm hồ sơ đăng kí dự tuyển đại học ạ? (Phạm Phương Mai)

Thầy Nguyễn Văn Hồng:

Theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nếu em đang học ở 1 trường đại học, cao đẳng thì em sẽ phải được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường đó để có thể dự thi lại đại học, cao đẳng năm nay. Em liên hệ với Khoa/Phòng Đào tạo của trường em đang học để biết thủ tục xin thi lại đại học em nhé.

Thầy  Nguyễn Văn Hồng - Phòng Đào tạo.

Thầy Nguyễn Văn Hồng – Phòng Đào tạo.

Hỏi: Thưa quý thầy cô , em là học sinh lớp 12 của trường THPT Lê Quý Đôn Hà Đông – Hà Nội. Em có nguyện vọng theo học ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường. Em muốn biết ngành tuyển sinh khối nào và cơ hội học bổng cũng như liên kết đào tạo bằng kép của ngành được không ạ ? Em xin chân thành cảm ơn thầy cô. (Tạ Phương Thanh)

ThS Tô Quang Long:

Hiện ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành thuộc Khoa Du lịch học tuyển sinh cả 3
khối A, C và D. Trường có rất nhiều học bổng dành cho sinh viên, cả học bổng ngân sách và học bổng nước ngoài, các học bổng đều được xét dựa trên kết quả học tập của sinh viên. Với sinh viên năm thứ nhất thì học bổng được cấp từ học kỳ 2 dựa trên kết quả học tập học kỳ 1.

Khi là sinh viên của ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành ở Trường Đại học KHXH&NV em có cơ hội học bằng kép các ngành Khoa học quản lý, Báo chí, Quốc tế học của Trường Đại học KHXH&NV hoặc ngành Tiếng Anh, ngành Tiếng Trung của Trường Đại học Ngoại ngữ.

Chúc bạn may mắn!

Hỏi: Chieu cao cua em kha khiem ton vay em hoc qtkd khach san va dich vu sau nay xin viec co can doi hoi gi khong a. (Lethilinhnhi)

ThS Trương Kim Chi:

Chương trình đào tạo ngành QTDVDL&LH có những hướng đào tạo chuyên ngành về quản trị lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị sự kiện. Sau khi học xong sinh viên ra trường được trang bị các khối kiến thức khá đa dạng để có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều lĩnh vực công tác khác nhau như doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, tổ chức sự kiện, cán bộ nghiên cứu, cơ quan lý nhà nước về du lịch.

Cho đến nay, rất ít trường hợp thông báo tuyển dụng của lĩnh vực du lịch có yêu cầu về chiều cao tối thiểu. Vì thế chiều cao của bạn không phải là yếu tố quyết định đến khả năng làm việc sau này của bạn mà quan trọng nhất chính là tri thức mà bạn tích lũy được khi là sinh viên của Khoa. Nếu được vậy, người ta sẽ phải nói “có thể bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn”

Tự tin lên bạn nhé!

Hỏi: Em muốn hỏi về điều kiện tuyển sinh ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành và điểm đủ điều kiện là bao nhiêu ạ? (Nguyễn Đức Minh)

ThS Tô Quang Long:

Ngoài những quy định chung của kỳ thi tuyển sinh đại học như phải tốt nghiệp trung học phổ thông, đăng ký dự thi đúng quy định … thì ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành không có điều kiện riêng nào khác.

Điểm đủ điều kiện năm nay chúng tôi chưa thể trả lời bạn được vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như số lượng, chất lượng thí sinh dự thi năm nay….nhưng kinh nghiệm qua các kì thi những năm gần đây bạn cần phải đạt được khoảng trên 19 điểm cho 3 môn thi.

Mời em vào mục Tra cứu để tham khảo chi tiết hơn nhé.

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi Khoa Báo chí và Truyền thông trường mình học mấy năm và quy trình đào tạo như thế nào ? Em cảm ơn ạ. (Nấm Hương)

TS Bùi Chí Trung:

Trong vòng 1 – 2 năm tới, với việc nâng cấp giai đoạn 2 hệ thống Studio đa phương tiện, đây dự kiến sẽ là mô hình Tổ hợp Tòa soạn đa phương tiện tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, mỗi sinh viên sẽ được hoạt động trên một hệ thống phần mềm sản xuất và đăng phát chương trình hoàn toàn tự động. Chúng tôi còn dự kiến sẽ xây dựng một kênh truyền hình Khoa học công nghệ trên Internet với sự tham gia sản xuất của chính sinh viên Báo chí và Truyền thông.

Từ năm 2007, Nhà trường đã áp dụng quy chế đào tạo theo tín chỉ. Với hình thức đào tạo này những sinh viên xuất sắc có thể tốt nghiệp sau 3 năm học, thay vì phải học hết thời gian 4 năm như trước đây và cũng có cơ hội kéo dài thời gian tối đa của khóa học thành 6 năm.

Ngoài kiến thức chung, lĩnh vực và khối ngành, sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành và bổ trợ đảm bảo tối đa trình độ chuyên môn cho các cử nhân báo chí trong tương lai như Lý luận báo chí truyền thông, Pháp luật và đạo đức báo chí truyền thông, Phương pháp cơ bản trong nghiên cứu truyền thông, các môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành hẹp như Báo in – Báo điện tử, Phát thanh – truyền hình, Quan hệ công chúng – Quảng cáo.

Trong toàn khóa học, sinh viên luôn có cơ hội được thực tập, kiến tập và cộng tác với các cơ quan báo chí – truyền thông dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, phóng viên, biên tập viên có trình độ và kinh nghiệm. Có một điểm rất đặc biệt trong công tác đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông là Học phải đi đôi với Hành, cùng với việc học các môn lý thuyết  là chương trình thực hành rất đa dạng. Hiện nay hệ thống Studio đa phương tiện của trường được đánh giá là cơ sở đào tạo báo chí hiện đại nhất Việt Nam, thậm chí nhiều chương trình truyền hình phát sóng trên VTV, VTC  và nhiều đài truyền hình địa phương đã được sản xuất trực tiếp trên hệ thống này.

Hỏi: Kính thưa thầy Đỗ Văn Hùng. Em được biết nhiều sinh viên ngành Thông tin học đã nhận được rất nhiều học bổng nước ngoài để du học. Vây năm nay có chỉ tiêu nào không ạ. (Mai Trang)

Th.S Đỗ Văn Hùng:

Cám ơn em đã đặt câu hỏi. Đúng như em nói, đã có rất nhiều sinh viên của Khoa được học bổng du học nước ngoài. Các nguồn học bổng có thể kể tới học bổng của chính phủ New Zealand, Úc, Mỹ, Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Hiện nay các học bổng này vẫn đang triển khai hàng năm. Và ở Khoa đã có 7 thầy, cô được nhận học bổng du học ngành Thông tin – Thư viện.

Cơ hội là rất tốt đối với sinh viên Khoa Thông tin – Thư viện. Em cần chuẩn bị ngoại ngữ tốt để có cơ hội giành được học bổng trong tương lai nhé.

Chúc em thành công!

PGS.TS Trần Thị Quý (phải, Chủ nhiệm Khoa Thông tin - Thư viện) và ThS Đỗ Văn Hùng.

PGS.TS Trần Thị Quý (phải, Chủ nhiệm Khoa Thông tin – Thư viện) và ThS Đỗ Văn Hùng.

Ban Tư vấn tuyển sinh chân thành cảm ơn các bạn thí sinh đã quan tâm và tham gia nhiệt tình chương trình hôm nay. Do thời gian có hạn nên các câu hỏi còn lại sẽ được trả lời vào ngày mai. Chúc các em sức khỏe, học tốt và tiếp tục tham gia chương trình đặc biệt tư vấn về phương pháp làm bài thi vào ngày 22/03/2014.


1
Bạn cần hỗ trợ tuyển sinh?