Bí quyết học – thi
Môn Ngữ văn: Viết bài nghị luận xã hội
Trong nội dung hạn chế đề thi tuyển sinh cao đẳng và đại học 4 năm gần đây (từ 2009), đây là phần được coi là mới nhất. Đúng ra, dạng đề thi thuộc loại này trước đây đã từng rất quen thuộc với học sinh. Có một thời kì, trong đề thi làm văn của học sinh bậc phổ thông trung học, người ta không còn ra loại đề này. Chính thức từ kì thi năm 2009, dạng đề thi này mới quay trở lại, nên học sinh, nhất là khối thí sinh tự do cảm thấy bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với những học sinh đã học chương trình mới từ đầu, nếu được thầy cô giảng dạy chu đáo và bản thân thường xuyên rèn luyện, đây cũng chỉ là bài làm văn thông thường, không khó.
Để làm tốt câu hỏi dạng này, học sinh trước hết phải nắm được những vấn đề lí thuyết về văn nghị luận. Những kiến thức này đã có đầy đủ trong các bài học của sách giáo khoa, học sinh chỉ cần bỏ một chút thời gian để ôn luyện lại. Dưới đây là một số kiến thức chính cần phải nhớ:
Khái lược về văn nghị luận
“Nghị luận là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó (chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức). Vấn đề được nêu ra như một câu hỏi cần giải đáp, làm sáng tỏ. Luận là bàn về đúng, sai, phải, trái, khẳng định điều này, bác bỏ điều kia, để người ta nhận ra chân lí, đồng tình với mình, chia sẻ quan điểm và niềm tin của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm, tính mạch lạc, chặt chẽ của suy nghĩ và trình bày, sự thuyết phục của lập luận. Vận dụng các thao tác như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh…” (Sách giáo khoa Ngữ Văn 11, tập 2).
Nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống. Đề tài của dạng bài nghị luận xã hội cũng hết sức rộng mở. Nó gồm tất cả những vấn đề về tư tưởng, đạo lí, một lối sống đẹp, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày, vấn đề thiên nhiên môi trường, vấn đề hội nhập, toàn cầu hoá…Nghĩa là, ngoài những tác phẩm nghị luận văn học (lấy tác phẩm văn học, nhà văn làm đối tượng), tất cả các dạng văn bản viết khác đều có khả năng được xếp vào dạng nghị luận xã hội, chính trị.
Các dạng câu hỏi
Do đây là loại câu hỏi bắt buộc trong chương trình thi, nhưng lại không có những bài học sẵn như nghị luận văn học, để làm tốt câu hỏi này, thí sinh cần phải nắm vững các vấn đề sau:
+ Phải biết phát huy mọi loại kiến thức, trong nhà trường cũng như trong cuộc sống để so sánh, phát triển, vận dụng vào bài viết sao cho phong phú, sâu sắc, đầy đủ, cô đúc nhất.
+ Phải chủ động, mạnh dạn trong khi viết bài, vì không giống với nghị luận văn học, nói chung người viết có thể dựa vào bài học có sẵn, hoặc được thầy cô giáo hướng dẫn, bài nghị luận xã hội hoàn toàn buộc người viết phải chủ động đề xuất chính kiến của mình, có thể đúng hay chưa đúng, được số đông chấp nhận hay không chấp nhận, miễn là nó thuyết phục được người đọc bằng những lí lẽ xác đáng.
+ Dạng câu hỏi nghị luận xã hội chỉ được cho tối đa 3 điểm, nên dung lượng bài viết cũng không nên quá dài. Trong yêu cầu cụ thể, đề thi có thể ghi rõ bài viết không vượt quá 600 từ, nghĩa là với khổ giấy thi được sử dụng chính thức như hiện nay, chỉ cần không quá 2 trang, viết ngắn quả là khó hơn viết dài, thí sinh cần phải chú ý thời gian để không bị phân tán tư tưởng, tránh ảnh hưởng đến phần bài làm khác. Để giúp học sinh làm quen với dạng đề thi này, chúng tôi xin dẫn dưới đây một số câu hỏi tiêu biểu (mặc dù với dạng đề thi này, ở trường, học sinh đã được dành thời gian và luyện tập nhiều).
Trước tiên, chúng ta phải làm quen với các dạng câu hỏi. Đây là một số ví dụ tiêu biểu:
- “Như một thứ a xít vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội”. Từ ý kiến trên, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay (đề thi ĐH khối C, năm 2010)
- “Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng”. Từ ý kiến trên, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về sự nguy hại của đạo đức giả đối với cuộc sống con người (đề thi ĐH, khối D, năm 2010)
- Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về ý kiến sau: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa (đề thi ĐH, khối D, năm 2009)
- Phải chăng “cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống” (Norman Kusin). Hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.
- Anh/ Chị hãy bình luận ca từ sau đây trong một bản nhạc của Trịnh Công Sơn: “Sống trên đời cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?”.
- Trong một lần trả lời con gái thế nào là hạnh phúc, Mác nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Anh/chị hiểu câu nói trên như thế nào?
- “Mọi lí thuyết đều màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Gớt). Anh/chị hiểu câu nói trên như thế nào”?
- Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
- Viết bài tham gia cuộc vận động tìm giải pháp bảo đảm an toàn giao thông hiện nay.
- Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về bệnh thành tích – một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay. Có thể so sánh liên hệ với trường và lớp anh/ chị đang theo học.
- “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới” (M. Gorki). Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.
- Nhà văn Nga Lev Tolstoi nói “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Hãy nêu ý kiến của anh/chị về vấn đề trên.
- “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Dựa vào câu thơ trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ riêng của anh/ chị..
Những câu hỏi nghị luận xã hội như đã nêu ở trên, khá rộng mở. Chúng ta không thể có cách học nào tốt hơn là rèn luyện thật nhiều kĩ năng đọc hiểu văn bản, phải nắm vững và làm chủ được nhiều loại kiến thức, và phải biết phát huy tính chủ động trong suy nghĩ của mình.
Trong hạn chế chương trình với dạng đề này, học sinh lại phải nắm được hai dạng chính đã được hạn chế:
+ Một là loại bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí (chẳng hạn câu ca từ của Trịnh Công Sơn, câu trả lời của Mác với con gái, câu nói của Gớt về vai trò quan trọng của thực tiễn so với lí thuyết…)
+ Hai là loại bài nghị luận về một hiện tượng đời sống (về căn bệnh vô cảm, bệnh thành tích, về thói quen sinh hoạt hàng ngày, về thái độ thi cử thiếu trung thực…).
Cấu trúc của bài nghị luận
Một bài nghị luận xã hội dù dung lượng không dài cũng vẫn phải đảm bảo cấu trúc của một bài làm văn, nghĩa là vẫn phải có mở đầu, thân bài và kết luận. Phần mở bài cần phải nêu được vấn đề trọng tâm mà đề ra yêu cầu. Phần thân bài, phải triển khai tiếp các luận điểm đã được nêu ra ở phần một, và cuối cùng, phần kết luận, người viết phải đưa ra tổng kết của cá nhân mình về vấn đề đã nêu, đúng hay sai? Bài học nào được rút ra cho cá nhân người viết? Tóm lại, với một bài nghị luận xã hội, bố cục chung của bài làm nên lần lượt triển khai theo các bước sau đây:
- Ý 1: Nêu và giải thích ý kiến câu hỏi đề thi.
- Ý 2: Bàn luận mở rộng về ý kiến câu hỏi đề thi.
- Ý 3: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân và cho mọi người.
Một số ví dụ
Để giúp các bạn có thể dễ dàng giải quyết các bài làm cụ thể của mình, chúng tôi xin dẫn ra dưới đây 3 ví dụ cụ thể: một đáp án sơ lược, một đáp án chi tiết và một bài viết hoàn chỉnh.
Ví dụ 1. Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu (đề thi ĐH, khối C, 2012)
Đáp án sơ lược
1. Giải thích ý kiến
– Kẻ cơ hội là người lợi dụng thời cơ để mưu cầu lợi ích trước mắt, bất kể việc làm đúng hay sai; người chân chính là người luôn biết sống đúng với thực chất và phù hợp với những giá trị xã hội; thành tích là những kết quả được đánh giá tốt; thành tựu là những thành quả có ý nghĩa lớn, thường chỉ đạt được sau một thời kì phấn đấu lâu dài.
– Về nội dung, đây là ý kiến chỉ ra sự đối lập về lối sống và cách hành xử trong công việc giữa loại người cơ hội và chân chính.
2. Bàn luận về ý kiến
* Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích
– Do thói vụ lợi, bất chấp đúng sai nên trong công việc, kẻ cơ hội không cầu kết quả tốt, mà chỉ cầu được đánh giá tốt. Kẻ nào càng vụ lợi thì lại càng nôn nóng có được thành tích. Bởi thế, loại người này thường chỉ tạo ra những thành tích giả.
– Về thực chất, cách hành xử ấy là lối sống giả dối khiến cho thật giả bất phân, làm băng hoại các giá trị về đạo đức; lối sống cơ hội này đã khiến bệnh thành tích lan tràn như hiện nay.
* Người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu
– Coi trọng chất lượng thật, kết quả thật là đức tính của người chân chính. Bởi thế loại người này thường kiên nhẫn trong mọi công việc để tạo nên những kết quả thực sự, những thành quả có ý nghĩa lớn. Đối với họ chỉ có những thành quả thực sự mới tạo nên giá trị thực của con người, dù có khi phải trả giá đắt.
– Về thực chất, cách hành xử ấy thuộc về lối sống chân thực, biểu hiện của những phẩm chất cao quý; giúp tạo nên những thành quả thực, những giá trị đích thực cho mình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên.
3. Bài học về nhận thức và hành động
– Cần nhận thức rõ đây là hai kiểu người đối lập nhau về nhân cách: một loại người tiêu cực thấp hèn cần phê phán, một mẫu người tích cực cao cả cần trân trọng.
– Cần noi theo lối sống của những người chân chính, luôn coi trọng những kết quả thật và kiên nhẫn phấn đấu để lập nên những thành tựu; đồng thời lên án lối sống cơ hội, nôn nóng chạy theo thành tích giả.
Ví dụ 2: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống” (Norman Kusin). Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày những suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.
Đáp án chi tiết
1. Đặt vấn đề
– Cuộc sống với mỗi con người là điều quan trọng nhất. Ai trên đời này lại không yêu cuộc sống. Đó là điều không thể phủ nhận. Vì thế, cũng không thể phủ nhận, cái chết là nỗi bất hạnh lớn nhất với mỗi con người. Từ xưa tới nay, con người luôn tìm hiểu và tìm mọi cách chế ngự cái chết để giành sự sống.
– Nói “cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống” như Norman Kusin cũng không hề sai. Cuộc sống và cái chết là hai thái cực đối lập nhau dữ dội. Bởi thế càng yêu cuộc sống, con người lại càng sợ hãi trước cái chết. Nhưng, có một nỗi sợ lớn lao hơn cái chết, đó là khi còn sống, người ta để cho “tâm hồn mình tàn lụi”.
2. Giải thích câu nói của Kusin
– “Cái chết không phải là mất mát lớn nhất”: Để làm sâu sắc chân lí này, trước tiên cần phải khẳng định giá trị cuộc sống của con người, khẳng định cái chết với mỗi con người quả nhiên là sự mất mát lớn nhất. Chết là chấm dứt sự sống, chấm dứt sự tồn tại hữu hình của con người. Khi chết, người ta sẽ phải rời xa vĩnh viễn tất cả những gì yêu thương, gắn bó, không còn được tận hưởng niềm hạnh phúc, những thú vui, lao động, cống hiến và sáng tạo. “Mỗi con người chỉ được sống một lần…”, một nhà văn Nga đã từng nói như thế. Và như thế, cũng có nghĩa, một con người bình thường, không thể không coi cái chết là sự mất mát lớn nhất. Vậy nhưng, theo Norma Kusin, có một nỗi mất mát còn lớn hơn, đó là khi người ta “để cho tâm hồn tàn lụi khi còn sống”. Tại sao lại thế?
– “Điều đáng sợ nhất là để tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống”: Cuộc sống của con người tồn tại ở hai dạng thể chất và tinh thần. Một cuộc sống có ý nghĩa phải là sự hài hoà giữa hai trạng thái trên. Một cuộc sống tinh thần đầy đủ đúng nghĩa là phải được thoả mãn đầy đủ về mặt tâm hồn. Nghĩa là phải có khát vọng lao động và sáng tạo; phải biết rung động trước cuộc đời, biết yêu và biết ghét, yêu cái đẹp và ghét những cái xấu xa; không để tâm hồn chai sạn, vô cảm trước mọi nỗi buồn vui của cuộc đời.
3. Bàn luận mở rộng về câu nói của Kusin
– Tại sao cái chết không phải là mất mát lớn nhất? – Cuộc sống với con người thật là quý giá. Nhưng không ai có thể vĩnh viễn trong cuộc đời này. Đó là quy luật. Tuy nhiên, cái chết với mỗi con người không có nghĩa là kết thúc, là dấu chấm hết. Bởi lẽ, có những cái chết vẫn để lại “muôn vàn tình thân yêu”; chết nhưng lại “gieo mầm sự sống”, để lại cho muôn đời sau sự ngưỡng mộ, kính yêu. Chị Võ Thị Sáu ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng tên tuổi, tâm hồn, vẻ đẹp của chị vẫn mãi sống trong lòng nhân dân. Một cái chết như thế đâu phải là mất mát lớn nhất?
– Sự tàn lụi trong tâm hồn khi còn sống mới là đáng sợ: Sự sống không đơn giản chỉ là ăn uống, hít thở, hưởng thụ, tận hưởng về mặt vật chất. Có những người sống trong cuộc đời chỉ coi trọng điều này. Rõ ràng, họ không chết về mặt thể chất. Thế nhưng, tâm hồn của họ trống rỗng; họ vô cảm, dửng dưng trước mọi nỗi buồn vui của cuộc đời; chỉ biết “yêu” bản thân mình, không ước mơ và khát vọng…Một cuộc sống như thế chính là “cái chết” về mặt tâm hồn. Cái chết này thậm chí còn đáng sợ hơn, khủng khiếp hơn “cái chết thể chất”. Đó là lí do khiến Trương Ba xin được “chết” khi Đế Thích vẫn cho ông sống, nhưng là sống trong vỏ bọc thể xác của một người khác, không phải là mình.
4. Liên hệ với bản thân trong cuộc sống hiện nay
Trong cuộc sống hiện nay, khi mà nhu cầu vật chất không còn là điều quá khó khăn, mỗi con người đều có thể dễ dàng thoả mãn nhu cầu vật chất của mình. Xã hội càng hiện đại, tiện nghi, con người lại càng dễ có nguy cơ sa vào lối sống hưởng thụ, vô cảm, lạnh lùng, mất phương hướng. Sống tích cực, lạc quan, chan hoà, yêu thương và chia sẻ chính là cách tốt nhất để con người không rơi vào tình trạng “tâm hồn tàn lụi”
Ví dụ 3: “Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A.Lin Côn viết: “xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi cử”. Từ ý kiến trên, hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống. (đề thi ĐH, khối C, năm 2009)
Bài làm hoàn chỉnh của một học sinh trong kì thi ĐH năm 2009 (bài đạt điểm cao)
1. Mở bài: Một trong những nét đẹp trong phẩm chất của con người từ xưa đến nay vẫn luôn được đề cao, đó là đức tính trung thực. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, trong khi thi cũng như trong cuộc sống, sự trung thực, không gian dối luôn là một trong những yếu tố tiên quyết để làm nên phẩm chất của một con người, cũng như để đánh giá chính xác con người đó. Trong văn học dân gian từ ngàn xưa, không mấy ai còn xa lạ với những câu ngạn ngữ đề cao sự trung thực như: “Cây ngay không sợ chết đứng”, “khôn ngoan chẳng lọ thật thà” …Vậy nên sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi một người bố, Tổng thống A. Lin-côn, trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, đã viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi…”
2. Thân bài: Xem ra câu nói trên đây của vị Tổng thống thật quá rõ ràng. Tuy nhiên để hiểu một cách chính xác và không sai lệch về vấn đề này, không phải lúc nào cũng dễ. Sự trung thực trong thi cử thật đã quá rõ ràng, nhưng sự trung thực trong cuộc sống liệu có phải lúc nào cũng phải tuân thủ tuyệt đối. Hay nói khác, trong cuộc sống sự trung thực liệu có phải lúc nào cũng tốt? Chúng ta hãy đi sâu tìm hiểu vấn đề này.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu sự trung thực nghĩa là gì? Hẳn trong chúng ta không ai lại không biết rằng, trung thực là không gian dối, là ngay thẳng, là lời nói đi đôi với việc làm…Xét từ góc độ ngữ nghĩa, trung thực là một từ gốc Hán được cấu thành bởi hai thành tố: trung và thực (trung là ngay thẳng, thực là thật thà). Cũng có thể giải thích “trung” là một dạ một lòng, dù hoàn cảnh nào cũng không thay đổi (kiên trung) và “thực” là lẽ phải, là cái tồn tại thật, chân lí. Nói tóm lại cả hai yếu tố này đều khẳng định đề cao cái đẹp, cái thiên lương của con người trong cuộc sống. Một con người trung thực là một người luôn nói thật với lòng mình, không dối trá, không thay hình đổi dạng dù cuộc sống có khó khăn đến bao nhiêu…
Sự trung thực của con người cũng giống như những thực thể tồn tại của thiên nhiên, như gió mưa và mặt trời, dù êm ả hay dữ dằn, nó vẫn muôn đời diễn ra như thế. Tương tự như vậy, sự gian lận trong thi cử và rộng hơn là trong cuộc sống con người vẫn thường diễn ra ở đó hoặc đây khiến con người không thể không lưu tâm. Cùng một xuất phát điểm như nhau, nhưng có những người kiên trì đi từng bước chậm rãi, khó nhọc vượt qua những chông gai, thử thách để đạt tới thành công, vậy nhưng trong cuộc chạy đua với một kẻ gian dối, họ vẫn là người thua cuộc. Tại sao sự gian lận là điều xấu xa ai ai cũng biết mà nó vẫn có cơ tồn tại trong mọi xã hội và ngay trong cả xã hội ta hiện nay? Có lẽ bởi, trong xã hội của bất cứ thời kì nào, đất nước nào cũng vẫn tồn tại những kẻ lười nhác, ngu dốt…nhưng lại luôn đòi hỏi một cuộc sống hơn người. Câu chuyện Lí Thông cướp công Thạch Sanh trong kho tàng truyện dân gian nước ta phải chăng vẫn luôn là một bài học nóng hổi. Nó là một tấm gương để tất cả mọi người phải biết tự răn mình và phải luôn nêu cao cảnh giác. Bởi lẽ, dù có gian dối, xảo trá bao nhiêu, Lí Thông cuối cùng rồi cũng bị trừng phạt. Người có công Thạch Sanh, cuối cùng vẫn cứ được tri ân. Đó là lí do khiến tôi luôn có niềm tin rằng, dù trong cuộc sống vẫn còn sự gian dối, nhưng “thành công” của việc làm gian dối như thế, sẽ không có cơ sở tồn tại lâu dài. Bởi như danh ngôn có câu “Những gì không phải của mình thì rồi nó cũng sẽ nhanh chóng ra đi”, ánh hào quang có được nhờ vào những việc làm gian dối, sớm muộn rồi cũng sẽ tắt. Bởi ánh hào quang ấy không được đốt lên bằng chính nội lực trái tim của mình…
Trở lại lời “cầu xin” của Tổng thống Mĩ A. Lin-côn với thầy hiệu trưởng cho đứa con trai của mình, bản thân tôi là một học sinh đang đi thi, tôi thấy vô cùng thấm thía. Là người đứng đầu một đất nước, hẳn Lin-côn không khó khăn gì để trải “tấm thảm hoa” cho đứa con trai của mình, không phải chỉ những năm còn học trong trường, mà cả khi đã trưởng thành trong cuộc sống. Thậm chí ngay cả khi ông không trực tiếp yêu cầu điều đó, ở một nơi, sự trung thực không được đặt ở tiêu chí hàng đầu, những kẻ thiếu trung thực dưới quyền ông cũng có thể sẵn sàng làm điều đó. Chẳng phải vì họ quan tâm đến ông, mà đó là quan tâm đến chính họ. Một người biết nhìn xa trông rộng, biết vì cái đại thể mà quên đi lợi ích của riêng mình, tôi nghĩ rằng không ai lại không đồng cảm với vị Tổng thống Lin-côn. Thêm nữa, biết đâu, vị Tổng thống đáng kính ấy còn suy nghĩ sâu xa hơn, sự vấp ngã trong một kì thi nhỏ, sẽ ngáng chân con trai ông trong trong suốt cả cuộc đời. Trong cuộc đời con người còn có biết bao kì thi, mà không chỉ có những kì thi công khai, có ban giám khảo, phải cạnh tranh với nhiều người, mà còn có cả những kì thi của chỉ riêng một người, kì thi với chính bản thân mình, kì thi của lòng trung thực. Theo tôi hiểu, sự trung thực luôn nên là bài học đầu tiên cho tất cả mọi người ngay cả khi chưa bước chân đến trường. Bởi lẽ, suy cho cùng, so với cả một cuộc đời dài, thì con người ta trải qua thi cử với đúng nghĩa của nó chỉ trong một thời gian ngắn. Vì thế, bài học về sự trung thực vẫn cứ phải luôn được “nằm lòng” trong suốt cả cuộc đời. Trung thực trong cuộc sống là trung thực trong công việc, trong quan hệ với tất cả mọi người xung quanh và với cả chính bản thân mình. Tôi cũng nghĩ, đôi khi ta cũng nên hiểu, sự trung thực trong cuộc sống, giữ được nó thật khó lắm thay. Vì thế, không nên vận dụng nó một cách máy móc. Nhà văn Anh O. Henri trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng kể câu chuỵện một hoạ sĩ vì muốn cứu mạng sống một đứa bé tội nghiệp lâm bệnh nặng đã buộc phải vẽ chiếc lá xanh trên tường, để đánh lừa chiếc lá vẫn còn tươi. Người nghệ sĩ kia đã nói dối đứa bé, nhưng lại “trung thực” với lương tâm của mình, thì rõ ràng hành động cao đẹp của ông là đáng được ca ngợi. Cũng như thế, một người bác sĩ hay người thân của một bệnh nhân đang mang trong mình căn bệnh nan y, trung thực với bệnh nhân hay nói dối anh ta, nên lựa chọn giải pháp nào. Tôi nghĩ rằng, chắc ai cũng sẽ tự tìm cho mình câu trả lời đó. Và đó chính là điều khó khăn trong việc vận dụng sự trung thực của mọi xã hội, chứ không phải riêng ở nước Mĩ, hay ở nước ta.
3. Kết luận: Nói tóm lại, trung thực trong thi cử cũng như trong cuộc sống là một đức tính cần được đề cao và ý thức rõ trong mỗi người chúng ta trong xã hội hiện nay. Một xã hội muốn tốt đẹp thì bản thân mỗi người phải là một cá thể đẹp. Để xoá bỏ hoàn toàn “bệnh thành tích”, những gian dối trong thi cử, trong công việc hàng ngày, trong cuộc sống, rất cần sự đấu tranh của số đông người, của tập thể cũng như ý thức tự giác của mỗi cá nhân. Sự thật sẽ luôn là sự thật cho dù nó vẫn luôn là một liều thuốc đắng với tất cả mọi người, kể cả vị Tổng thống Mĩ A. Lin-côn.
Xem bài 4: Vận dụng khả năng đọc hiểu để viết bài nghị luận văn học
- Thông báo tuyển sinh
- Bồi dưỡng kiến thức
- Thông tin tuyển sinh
- Ngành đào tạo
- Đào tạo ngành 2 (bằng kép)
- Thông tin cần biết
- Thông tin tuyển sinh
- Chương trình đào tạo
- Bổ túc kiến thức
- Thông tin cần biết
- Tuyển sinh VLVH
- Thông tin cần biết
- Chọn ngành, chọn nghề
- Bí quyết học – thi
- Sức khoẻ mùa thi
- Tra cứu kết quả
- Tại sao chọn USSH
- Môi trường học tập
- Học phí - Học bổng
- Ký túc xá