1. Về kiến thức và năng lực chuyên môn
1.1. Về kiến thức
1.1.1. Kiến thức chung
- Học viên hiểu và vận dụng được kiến thức và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có nhân sinh quan, thế giới quan duy vật biện chứng, có giác ngộ chính trị và lập trường giai cấp vững vàng;
- Học viên hiểu và sử dụng được các phương pháp nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn áp dụng trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, đồng thời được trang bị những kiến thức về quản lý trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ;
- Có khả năng sử dụng ngoại ngữ cơ bản với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tối thiểu tương đương bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
1.1.2. Kiến thức cơ sở và chuyên ngành
- Làm chủ kiến thức chuyên ngành, có thể đảm nhiệm công việc của chuyên gia trong lĩnh vực được đào tạo; có tư duy phản biện; có kiến thức lý thuyết chuyên sâu để có thể phát triển kiến thức mới và tiếp tục nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ; có kiến thức tổng hợp về pháp luật, quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo;
- Học viên nắm vững các cách tiếp cận lý thuyết và thực tiễn của ngành báo chí truyền thông, để giúp họ, cũng như đơn vị, tổ chức mà họ đã, đang và sẽ làm việc, đáp ứng được đòi hỏi ngày một cao của xã hội tri thức bằng cách sáng tạo và truyền tải các sản phẩm truyền thông có chất lượng cao cả về nội dung và hình thức thể hiện;
- Hiểu biết sâu sắc về vai trò của truyền thông và báo chí trong xã hội. Học viên có nhận thức và biết đánh giá đúng những vấn đề về luật pháp và đạo đức nghề nghiệp trong tác nghiệp báo chí truyền thông:
+ Hiểu được quá trình lịch sử và phát triển của tự do ngôn luận, tự do báo chí nói chung và đặc biệt là các bộ luật liên quan đến hoạt động Báo chí ở Việt Nam;
+ Nắm vững và phân tích được các vấn đề đạo đức báo chí liên quan khi phân tích các trường hợp vi phạm, chỉ ra được triết lí và những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp cần phải lưu tâm đối với những trường hợp này;
+ Học viên sẽ phát triển khả năng hiểu biết về lịch sử, về sự phát triển của công nghệ truyền thông, quá trình và cách thức mà lịch sử để lại dấu ấn của mình cho xã hội hiện đại;
+ Học viên có thể nhớ được một số dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp truyền thông;
+ Học viên thể hiện được sự hiểu biết của mình về cách mà sự phát triển của các phương tiện truyền thông tác động đến từng cá nhân và xã hội;
+ Nắm vững các phương pháp nghiên cứu truyền thông đại chúng, học viên có khả năng thấu hiểu và thể hiện nhận thức của mình về báo chí hiện nay cũng như xu thế phát triển của báo chí truyền thông trong tương lai.
- Có khả năng thực hiện và đánh giá được hoạt động tác nghiệp báo chí, cũng như xây dựng các phương thức chuyển tải thông tin báo chí hiệu quả;
- Hiểu biết sâu sắc về các khái niệm nền tảng cho quá trình truyền thông, hiệu quả truyền thông, và những vấn đề nội tại của ngành công nghiệp truyền thông;
- Nắm vững các kỹ năng chuyên sâu của người làm truyền thông. Thể hiện được khả năng viết rõ ràng, trung thực, chính xác trên tất cả các loại hình, và thể loại, cho các đối tượng khác nhau: cho công chúng đại trà, cho các tổ chức, hay cho giới nghiên cứu hàn lâm:
+ Thể hiện khả năng viết súc tích, rõ ràng, có tính thuyết phục;
+ Thể hiện khả năng viết trên các loại hình báo chí, lựa chọn hình thức thể hiện phù hợp với chủ đề, phù hợp với đối tượng công chúng tiếp nhận và yêu cầu về sản phẩm đầu ra;
+ Có khả năng đánh giá công việc của bản thân và những người khác một cách khách quan, công bằng, chính xác;
+ Thể hiện trình độ ngoại ngữ lưu loát.
- Học viên phát triển khả năng nhận thức và đánh giá được sự khác biệt giữa các nhóm công chúng trong cộng đồng đa dạng của xã hội, và xử lí vấn đề này trong hoạt động truyền thông:
+ Học viên biết cách viết và nói về những vấn đề đa dạng của xã hội (như đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa…) thông qua các phương tiện truyền thông;
+ Học viên sẽ biết cách thể hiện các vấn đề đa dạng của xã hội thông qua các hình thức chuyển tải thông tin phù hợp.
- Hiểu về quản lý và lãnh đạo báo chí truyền thông trong kỷ nguyên kỹ thuật số, và thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa;
- Có khả năng đọc hiểu có tính phản biện, nghiên cứu độc lập, có khả năng xét đoán, tìm tư liệu, xử lý thông tin, khái quát, tổng hợp vấn đề;
+ Các sản phẩm báo chí của học viên sẽ thể hiện được bằng chứng về những phân tích sâu sắc, phản biện, và khả năng sáng tạo;
+ Có khả năng trả lời được các câu hỏi để chứng tỏ rằng họ đã nắm vững, hiểu và suy nghĩ một cách duy lí, có tính phản biện khi đưa tin về các tin tức địa phương, trong nước và quốc tế;
+ Thể hiện khả năng hiểu biết về giá trị của tin tức báo chí và biết vận dụng điều này khi thực hiện các sản phẩm truyền thông;
+ Thể hiện được khả năng triển khai công việc độc lập.
- Học viên sẽ thể hiện sự hiểu biết về các phương tiện truyền thông hiện đại và khả năng hạn chế, cũng như tác động của chúng tối với người sản xuất thông điệp, cũng như công chúng tiếp nhận:
+ Học viên biết cách chọn lựa các phương tiện phù hợp để chuyển tải thông điệp đến công chúng, và biết cách đánh giá sự khác biệt về tác động, ảnh hưởng và hiệu quả của mỗi loại lựa chọn;
+ Học viên thể hiện khả năng sử dụng các phương tiện và công nghệ phù hợp đối với lĩnh vực chuyên môn mà họ lựa chọn.
1.2. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
- Có năng lực phát hiện và giải quyết các vấn đề thuộc chuyên môn đào tạo và đề xuất những sáng kiến có giá trị; có khả năng tự định hướng phát triển năng lực cá nhân, thích nghi với môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao và năng lực dẫn dắt chuyên môn; đưa ra được những kết luận mang tính chuyên gia về các vấn đề phức tạp của chuyên môn, nghiệp vụ; bảo vệ và chịu trách nhiệm về những kết luận chuyên môn; có khả năng xây dựng, thẩm định kế hoạch; có năng lực phát huy trí tuệ tập thể trong quản lý và hoạt động chuyên môn; có khả năng nhận định đánh giá và quyết định phương hướng phát triển nhiệm vụ công việc được giao; có khả năng dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề lớn.
2. Về kỹ năng
2.1. Kỹ năng chuyên môn
- Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp, không thường xuyên xảy ra, không có tính quy luật, khó dự báo; có kỹ năng nghiên cứu độc lập để phát triển và thử nghiệm những giải pháp mới, phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực được đào tạo;
- Kết thúc khóa học, học viên nắm vững các phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung, phương pháp nghiên cứu chuyên ngành báo chí truyền thông, cùng những kĩ năng nghiệp vụ chuyên môn để có thể độc lập, sáng tạo trong thực tiễn hoạt động tác nghiệp truyền thông, trong nghiên cứu và giảng dạy về Báo chí học;
- Nắm vững các phương pháp điều tra, thu thập thông tin, thẩm định, xử lý thông tin, quy trình sáng tạo tác phẩm truyền thông hiện đại:
+ Học viên thể hiện được khả năng thu thập và đánh giá thông tin từ các nguồn tin đa dạng như sách vở, tài liệu, internet, nhân chứng,…;
+ Học viên thể hiện được khả năng xác định nguồn tin phù hợp, khách quan, phỏng vấn, thu thập thông tin từ nguồn tin, và thể hiện chính xác, trung thực thông tin đó;
+ Học viên thể hiện được khả năng áp dụng những cách thức xử lí, phân tích và diễn giải số liệu.
- Học viên thể hiện được khả năng và kỹ năng thực hiện tin, bài, các tài liệu khác hoặc các phân tích tích đánh giá về truyền thông một cách rõ ràng, chính xác, dể hiểu, cân bằng và có sức thuyết phục:
+ Học viên sẽ phát triển khả năng thể hiện các sản phẩm báo chí có chất lượng cao trên các loại hình báo chí
+ Học viên thể hiện khả năng hiểu về các khái niệm và áp dụng các lí thuyết trong việc thể hiện thông tin và hình ảnh.
+ Học viên thực hiện được các tài liệu về quan hệ công chúng, và có thể đại diện cho khách hàng hướng tới đối tượng công chúng đích.
+ Học viên có thể bước đầu viết các bài viết luận, hay bài báo khoa học, có tình hàn lâm phân tích về vai trò của truyền thông truyền thống và hiện đại đối với xã hội.
- Có kỹ năng lập kế hoạch và triển khai việc xây dựng, duy trì và phát triển quan hệ giữa các thành viên trong nhóm làm việc sản xuất tác phẩm báo chí truyền thông;
- Có khả năng so sánh sự khác nhau trong xu hướng làm báo trước kia và hiện nay, từ đó, đề xuất xu hướng phát triển của báo chí trong tương lai;
- Áp dụng các cách hành xử có đạo đức trong hoạt động tác nghiệp báo chí, QHCC và nghiên cứu truyền thông;
- Có kỹ năng thuần thục trong việc sử dụng trang thiết bị của ngành công nghiệp truyền thông.
2.2. Kỹ năng bổ trợ
2.2.1. Kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề
- Kỹ năng phát hiện và giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí truyền thông. Có khả năng phản biện, bày tỏ chính kiến về vấn đề đang diễn ra và đề xuất, tiến hành triển khai các hoạt động giải quyết vấn đề liên quan đến chuyên môn. Kỹ năng xử lý tình huống trong hoạt động tác nghiệp báo chí truyền thông;
- Kỹ năng lập và quản trị kế hoạch truyền thông (trên chuyên trang, chuyên đề của báo in, hay chương trình phát thanh – truyền hình…);
- Kỹ năng liên kết nhiều nguồn lực khác nhau trong xu hướng liên ngành để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
2.2.2. Khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức
- Tìm kiếm, sưu tập tài liệu, phân tích nội dung văn bản;
- Biết cách hình thành các giả thuyết khoa học;
- Biết cách thực hiện các phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng;
- Biết cách sử dụng các phần mềm để phân tích số liệu thống kê;
- Biết cách kiểm định giả thuyết;
- Ứng dụng nghiên cứu trong thực tiễn.
2.2.3. Kỹ năng tư duy một cách hệ thống
- Hệ thống hóa được các lý thuyết cơ bản liên quan đến chuyên ngành, tư duy chỉnh thể/ logic, tư duy phân tích đa chiều. Kết hợp các kiến thức liên ngành để phát hiện vấn đề, mối tương quan giữa các vấn đề và tìm ra xu hướng phát triển của lĩnh vực nghiên cứu. Xác được định vấn đề ưu tiên và tìm ra cách giải quyết;
- Đánh giá được bối cảnh xã hội và ngoại cảnh liên quan đến chuyên ngành, xác định được vai trò của báo chí truyền thông đối với đời sống xã hội, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hiểu được yêu cầu của xã hội đối với ngành công nghiệp truyền thông; bối cảnh lịch sử văn hóa và những tác động của xu thế toàn cầu hóa đối với hoạt động thông tin và truyền thông;
- Nhận thức vai trò, thế mạnh của từng loại hình truyền thông trong đời sống xã hội. Nhận thức về bối cảnh của tổ chức và thích ứng với yêu cầu công việc trong bối cảnh cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông đại chúng. Kết nối bằng truyền thông trong nội bộ tổ chức, góp phần hình thành văn hóa tổ chức, làm việc trong dây chuyền sản xuất sản phẩm truyền thông để đạt thành công trong tổ chức;
- Vận dụng linh hoạt và phù hợp các khối kiến thức đa dạng và kỹ năng được trang bị trong quá trình học tập và thực tập nghề nghiệp, khả năng làm chủ kiến thức và kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật của nghề báo. Tổng kết được các bài học về nghề nghiệp cho bản thân rút ra trong thực tiễn trên cơ sở đối chiếu với kiến thức đã được trang bị;
- Có khả năng nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí truyền thông; Cập nhật và dự đoán xu thế phát triển ngành nghề và khả năng làm chủ thiết bị công nghệ trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Có khả năng chuẩn bị để tiếp tục tự đào tạo, hoặc tham gia các khóa đào tạo nâng cao sau đại học, hoặc các khóa đào tạo ngành gần trong lĩnh vực báo chí truyền thông.
2.2.4. Kỹ năng tự chủ
- Thích ứng nhanh với sự thay đổi môi trường sống và làm việc. Có kỹ năng hội nhập và học tập suốt đời. Sắp xếp kế hoạch và tổ chức công việc khoa học và hợp lý. Kỹ năng làm việc dưới áp lực thời gian và hạn chót của công việc. Phân tích được phẩm chất của đồng nghiệp để trao đổi, học hỏi.
2.2.5. Kỹ năng làm việc nhóm
- Liên kết được các nhóm; Xây dựng, điều hành nhóm làm việc hiệu quả.
2.2.6. Kỹ năng quản lý lãnh đạo
- Tổ chức, phân công công việc trong đơn vị; Đánh giá hoạt động của cá nhân và tập thể; Liên kết được với nguồn tin và đối tác chủ yếu.
2.2.7. Kỹ năng giao tiếp
- Sắp xếp được ý tưởng, nội dung giao tiếp; Giao tiếp được bằng văn bản, qua thư điện tử/các phương tiện truyền thông; Có khả năng thuyết trình lưu loát; Có kỹ năng giao tiếp tốt với đồng nghiệp, với các cá nhân và tổ chức.
2.2.8. Kĩ năng ngoại ngữ chuyên ngành
- Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được một báo cáo hay bài phát biểu về hầu hết các chủ đề trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể diễn đạt bằng ngoại ngữ trong hầu hết các tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết báo cáo liên quan đến công việc chuyên môn; có thể trình bày rõ ràng các ý kiến và phản biện một vấn đề kỹ thuật bằng ngoại ngữ.
2.2.9. Kỹ năng tin học và công nghệ
- Tin học và công nghệ thông tin: sử dụng thành thạo các phần mềm thông dụng (WORD, EXCEL, POWER POINT, Adobe Audition, Audobe Premiers, Cool Edit…).
3. Chuẩn về phẩm chất đạo đức
3.1. Trách nhiệm công dân
- Sẵn sàng đương đầu với khó khăn;
- Kiên trì, chăm chỉ, nhiệt tình, say mê sáng tạo;
- Cảm thông, chia sẻ với đồng nghiệp;
- Chính trực, tự tin, linh hoạt, phản biện, sáng tạo;
- Tuân thủ pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;
- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;
- Đấu tranh cho công bằng, dân chủ, văn minh của xã hội.
3.2. Đạo đức, ý thức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ
- Công bằng, trung thực và trách nhiệm;
- Tác phong làm việc chuyên nghiệp, chủ động, độc lập.
3.3. Thái độ tích cực, yêu nghề
- Có Văn hóa ứng xử của phóng viên báo chí/ người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông;
- Giữ gìn và quảng bá hình ảnh của người phóng viên/ người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông;
- Có thái độ tích cực, yêu nghề.
4. Vị trí việc làm mà học viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
- Chương trình giáo dục sau đại học ngành Báo chí đào tạo thạc sĩ có kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để tác nghiệp có chất lượng cao tại các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử trực tuyến, các công ty quảng cáo, truyền thông, hoặc các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu...;
- Các thạc sĩ ngành Báo chí có khả năng thực hiện các chức trách phóng viên, biên tập viên chính tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình, làm cán bộ nghiên cứu-giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông đại chúng, làm cán bộ chức năng trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý thông tin báo chí hoặc thực hiện các chức trách công tác đòi hỏi sự hiểu biết có hệ thống, cơ bản về lý luận và kỹ năng nghiệp vụ báo chí, làm chuyên viên chính tại các công ty truyền thông,… Người tốt nghiệp bậc thạc sĩ Báo chí học cũng có thể đảm nhận công việc biên tập, phóng viên cấp cao, phóng viên thường trú tại nước ngoài, bình luận chính trị - kinh tế trong các cơ quan thông tin, báo chí, xuất bản;
- Các thạc sĩ Báo chí còn có khả năng thích ứng rộng để có thể thực hiện các chức trách công tác tại các cơ quan đơn vị có liên quan đến báo chí và truyền thông đại chúng như các cơ quan văn hoá - tư tưởng, các cơ quan, tổ chức truyền thông vận động xã hội, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, các công ty, tổ hợp, tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế, thương mại, dịch vụ, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước...;
- Đồng thời, thạc sĩ ngành Báo chí học có thể tiếp tục học lên Tiến sĩ ngành Báo chí học.
5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp:
- Thạc sĩ Báo chí học có năng lực tổ chức và thực hiện tốt các hoạt động trong lĩnh vực công tác của mình, cụ thể có thể trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu, giảng dạy hoặc các hoạt động thực tiễn khác hoặc có thể tiếp tục học tập ở bậc tiến sĩ chuyên ngành Báo chí học.
6. Các chương trình, tài liệu chuẩn quốc tế mà đơn vị đào tạo tham khảo
- Chương trình Thạc sĩ Báo chí học của ĐH Stanford, ĐH California (Mỹ);
- Chương trình Thạc sĩ Báo chí học của ĐH Bournemouth, City London University và ĐH Stirling (Vương quốc Anh).