Bí quyết học – thi

Môn Sử: Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975

Sau một thời gian gián đoạn, phần ôn thi Lịch sử lại tiếp tục với sự hướng dẫn của PGS.TS Vũ Quang Hiển. Trong bài này, chúng ta sẽ ôn tập về Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975.

A. Mục tiêu

– Phân tích được đặc điểm tình hình nước Việt Nam sau khi Hiêp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được kí kết.

– Phân tích được nhiệm vụ chiến lược chung, nhiệm vụ chiến lược, vị trí của cách mạng mỗi miền Bắc, Nam và quan hệ của cách mạng hai miền trong thời kỳ 1954 – 1975, từ đó làm rõ đặc điểm lớn nhất, độc đáo nhất của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ 1954 – 1075.

– Tóm tắt nội dung và nhận xét được ý nghiã các kế hoạch kinh tế – xã hội được thực hiện ở miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1960.

– Trình bày và phân tích được ý nghĩa các phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mĩ và tay sai trong những năm 1954 – 1959.

– Phân tích được điều kiện bùng nổ và ý nghĩa của phong trào “Đồng Khởi”(1959 – 1960).

– Trình bày được nội dung chính và phân tích được ý nghĩa Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960).

– Nêu được những thành tựu nổi bật về chính trị, kinh tế, văn hóa của nhân dân miền Bắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm (1961 – 1965).

– Tóm tắt được âm mưu và hành động của Mĩ trong các giai đoạn 1954 – 1960, 1960 – 1965, 1965 – 1968, 1969 – 1973 và 1973 – 1975.

– So sánh được các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mĩ ở Việt Nam.

– Tóm tắt được những chặng đường đánh Mĩ và thắng Mĩ của nhân dân Việt Nam (1954 – 1975).

– Phân tích được âm mưu, hành động của Mĩ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Giải thích được nhiệm vụ của nhân dân miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1975.

– Trình bày được bối cảnh, diễn biến chính và ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

– Trình bày và nhận xét được những thắng lợi của cuộc đấu tranh trên ba mặt trận của nhân dân Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1973.

– Trình bày được hoàn cảnh kí kết, nội dung cơ bản và ý nghĩa của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. So sánh được hoàn cảnh, nội dung và ý nghĩa của Hiệp định Pari 1973 về Việt Nam và Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương.

– Nêu được bối cảnh lịch sử, chủ trương và kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong giai đoạn 1973 – 1975.

– Trình bày được diễn biến chính và phân tích được ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

– Phân tích được đặc điểm, tính chất, ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

B. Nội dung ôn tập

I. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống Mĩ và tay sai ở miền Nam (1954 – 1965)

1. Tình hình và nhiệm vụ cách mạng Việt Nam sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương được kí kết và nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong thời kì mới

a. Tình hình nước Việt Nam sau khi kí Hiệp định Giơnevơ năm 1954

– Với việc kí kết và thực hiện Hiệp định Giơnevơ, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, với hai chế độ chính trị khác nhau.

– Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Ngày 10 – 10 – 1954, bộ đội Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô. Ngày 16-5-1955, toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi đảo Cát Bà. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành, tạo điều kiện cho miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

– Ở miền Nam, tháng 5-1956, Pháp rút quân khỏi miền Nam khi chưa thực hiện cuộc hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam – Bắc. Mĩ vào thay chân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ.

b. Nhiệm vụ cách mạng

– Tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Đây là đặc điểm lớn nhất, độc đáo nhât của cách mạng Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975.

– Vai trò và mối quan hệ của cách mạng hai miền: Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với cách mạng cả nước, còn miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong cuộc đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mĩ và tay sai, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

– Cách mạng hai miền có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, phối hợp với nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển. Đó là quan hệ giữa hậu phương với tuyền tuyến.

2. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954 – 1965)

a. Sự nghiệp cách mạng ở Miền Bắc

– Hoàn thành cải cách ruộng đất (1954-1957)

+ Sau khi hoàn toàn được giải phóng, miền Bắc tiếp tục tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.

+ Cuộc cải cách ruộng đất: từ cuối 1953 đến năm 1956 đã thực hiện 5 đợt cải cách. Kết quả: thu 81 vạn ha ruộng đất, 10 vạn trâu bò, 1,8 triệu nông cụ từ tay địa chủ chủ cho 2 triệu nông hộ. Khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã hoàn thành.

+ Ý nghĩa: Mặc dù có những hạn chế, việc cải cách ruộng đất đã đưa đến xoá bỏ triệt để chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến. Sau cải cách, bộ mặt nông thôn miền Bắc có nhiều thay đổi, khối liên minh công nông được củng cố.

– Bước đầu xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội (1961 – 1965)

– Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960):

+ Xác định nhiệm vụ chiến lược chung của cách mạng cả nước: Tăng cường đoàn kết các dân tộc, quyết tâm đấu tranh giữ vững hoà bình; đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng, dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; tiến tới hoà bình thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ; xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hoà bình thế giới.

+ Xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng mỗi miền:

Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng miền Bắc vững mạnh là tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, lật đổ ách thống trị của đế quốc Mĩ và tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất đất nước.

+ Xác định vai trò của cách mạng mỗi miền và mối quan hệ giữa cách mạng hai miền.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của cách mạng cả nước.

Cách mạng dân tộc đân chủ nhân dân ở miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Cách mạng hai miền có quan hệ mật thiết, gắn bó và tác động lẫn nhau, và đều nhằm thực hiện một nhiệm vụ chiến lược chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.

+ Thông Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965); bầu Ban Chấp hành Trung ương mới.

+ Ý nghĩa

Nghị quyết của Đại hội đã soi sáng những vấn đề chủ yếu của cách mạng Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc, hướng dẫn và thúc đẩy nhân dân hai miền hăng hái phấn đấu giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; thực hiện hòa bình thống nhất đất nước.

– Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961 – 1965)

+ Mục tiêu: bước đầu xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.

+ Nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi dã diễn ra trên miền Bắc: Duyên hải, Đại phong, Thành công, Ba nhất, Hai tốt…, đặc biệt là phong trào Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt.

+ Công nghiệp: được ưu tiên xây dựng. Giá trị sản lượng ngành công nghiệp nặng năm 1965 tăng 3 lần so với năm 1960;

+ Nông nghiệp: thực hiện chủ trương xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao, nhiều hợp tác xã đã đạt năng suất 5 tấn thóc/ha…

+ Thương nghiệp quốc doanh được ưu tiên phát triển, góp phần củng cố quan hệ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.

+ Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không được củng cố. Việc đi lại trong nước và giao thông quốc tế thuận lợi hơn;

+ Hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học phát triển nhanh;

+ Hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe được phát triển;

+ Mặc dù kế hoạch này phải bỏ dở, vì từ ngày 5 – 8 – 1964, đế quốc Mĩ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhưng những kết quả đạt được là rất đáng tự hào, nhờ đó, miền Bắc đứng vững trong thử thách của chiến tranh và hoàn thành nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam.

b. Miền Nam đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn

– Phong trào “Đồng khởi” (1959 – 1960)

* Điều kiện lịch sử:

– Từ sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 được kí kết, nhân dân miền Nam chuyển từ đấu tranh vũ trang trong kháng chiến chống Pháp sang đấu tranh chính trị, đòi thi hành Hiệp định; rồi phát triển lên đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ, chống những chính sách khủng bố của kẻ thù. Qua thực tiễn đấu tranh, lực lượng chính trị được bảo tồn và phát triển, lực lượng vũ trang cà căn cứ địa cách mạng được xây dựng lại ở nhiều nơi. Đó là điều kiện để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên.

– Những năm 1957 – 1959, Mĩ và tay sai tăng cường dùng bạo lực khủng bố phong trào đấu tranh của quần chúng. Tháng 5/1959, chính quyền Sài Gòn ra Luật 10 – 59, đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, làm cho lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Sự đàn áp của kẻ thù làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam với đế quốc Mĩ và tay sai càng phát triển gay gắt. Cuộc đấu tranh ở miền Nam đòi hỏi phải có một biện pháp quyết liệt để đưa cách mạng tién lên.

– Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1/1959) khẳng định con đường cách mạng bạo lực, chuyển cách mạng miền Nam tiến lên đấu tranh vũ trang.

* Diễn biến

– Phong trào từ chỗ lẻ tẻ ở từng địa phương như cuộc nổi dậy ở Vĩnh Thạnh (Bình Định), Bác Ái (Ninh Thuận) tháng 2/1959, Trà Bồng (Quảng Ngãi) tháng 8/1959, lan rộng khắp miền Nam thành cao trào cách mạng.

– Tại Bến Tre, ngày 17/1/1960, “Đồng khởi” nổ ra ở huyện Mỏ Cày (Bến Tre), sau đó nhanh chóng lan nhanh toàn tỉnh Bến Tre, phá vỡ từng mảng lớn chính quyền của địch.

– Đồng khởi nhanh chóng lan ra khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

* Kết quả:

– Đến năm 1960, nhân dân miền Nam đã làm chủ nhiều thôn, xã ở Nam Bộ, ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên.

– Thắng lợi của “Đồng khởi” dẫn đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960), giương cao ngọn cờ đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân miền Nam, đấu tranh chống Mỹ và tay sai, nhằm thực hiện một miền Nam Việt Nam hoà bình, độc lập, dân chủ, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.

* Ý nghĩa

– “Đồng khởi” thắng lợi đánh dấu bước ngoặt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên làm chiến tranh cách mạng. .

– Chấm dứt thời kỳ ổn định tạm thời của chế độ thực dân mới của Mĩ ở miền Nam, mở ra thời kì khủng hoảng của chế độ Sài Gòn.

– Chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ (1961- 1965)

* Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”

– Từ cuối năm 1960, hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài Ngô Đình Diệm bị thất bại, đế quốc Mĩ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965).

– “Chiến tranh đặc biệt” là một loại hình chiến tranh thực đân mới, được tiến hành bằng quân đội tay sai, dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn Mĩ, dựa vào vũ khí, trang bị kĩ thuật, phương tiện chiến tranh của Mĩ, nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và yêu nước.

– Biện pháp:

+ Thực hiện liên tiếp hai kế hoạch: “kế hoạch Xtalây – Taylo” (bình định miền Nam trong vòng 18 tháng) và “kế hoạch Giôn xơn – Mắc Namara” (bình định miền Nam trong 24 tháng).

+ Tăng cường xây dựng quân đội Sài Gòn làm lực lượng chiến đấu chủ yếu trên chiến trường; tăng nhanh viện trợ quân sự cho quân đội Sài Gòn, với nhiều vũ khí và phương tiện chién tranh hiện đại, nhất là các chiến thuật mới như “trực thăng vận” và “thiết xa vận”; tăng cố vấn Mĩ để chỉ huy, thành lập Bộ chỉ huy quân sự Mĩ – MACV (năm 1962).

+ Ra sức dồn dân, lập “ấp chiến lược”, dự định dồn 10 triệu nông dân vào 16.000 ấp, nhằm kìm kẹp và bóc lột quần chúng, tách rời nhân dân với phong trào cách mạng, thực hiện “tát nước bắt cá”.

* Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ

– Trong những năm 1961 – 1962, Quân giải phóng đã đẩy lùi nhiều cuộc tiến công, tiêu diệt nhiều đồn bốt lẻ của địch. Tháng 1/1963, giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Ấp Bắc; chứng minh quân dân miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh thắng “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ, mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”.

– Trên mặt trận chống bình định, phong trào nổi dậy chống và phá “ấp chiến lược” diễn ra rất gay go quyết liệt, đến cuối năm 1962, cách mạng kiểm soát trên nửa tổng số ấp với gần 70% số dân.

– Phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng có bước phát triển, nhất là các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, tiểu thương, phật tử. Phong trào cũng phát triển mạnh ở các vùng nông thôn, nổi bật là cuộc đấu tranh của đội quân tóc dài.

– Do thất bại, nội bộ Mĩ và tay sai lục đục, dẫn tới cuộc đảo chính, giết chế Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu (tháng 11/1963). Từ cuối năm 1964, Mĩ thực hiện kế hoạch Giôn Xơn – Mắc Namara. Số quân Mĩ ở miền Nam lên tới 25 000, nhưng vẫn không cứu vãn được tình hình.

– Trong đông – xuân 1964 – 1965, kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận, các lực lượng vũ trang giải phóng đẩy mạnh tiến công địch, giành thắng lợi trong các chiến dịch Bình Giã (Bà Rịa), An Lão (Bình Định), Ba Gia ( Quảng Ngãi), Đồng Xoài (Biên Hoà), đẩy quân đội Sài Gòn đứng trước nguy cơ tan rã.

Phong trào đô thị và phong trào nổi dậy phá “ấp chiến lược” tiếp tục phát triển mạnh. Đến tháng 6/1965, địch chỉ còn kiểm soát được 2.200 trong tổng số 16.000 ấp. Xương sống của “Chiến tranh đặc biệt” bị bẻ gãy. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ bị thất bại.

– Ý nghĩa: đây là thắng lợi có ý nghiã chiến lược thứ hai của quân dân miền Nam, đồng thời là thất bại có ý nghĩa chiến lược lần thứ hai của Mĩ, buộc Mĩ phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân Mĩ vào tham chiến ở miền Nam.

II. Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược (1965 – 1973)

1. Nhân dân miền Nam chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược (1965 – 1973)

a. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ ở miền Nam (1965 – 1968)

* Âm mưu và thủ đoạn của Mĩ

– Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mĩ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam

– “Chiến tranh cục bộ” là một loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới, được tiến hành bằng quân Mĩ, quân một số nước đồng minh Mĩ và quân đội Sài Gòn; nhằm nhanh chóng tạo ra ưu thế về quân sự, giành lại thế chủ động trên chiến trường.

– Thủ đoạn:

+ Ồ ạt đổ quân viễn chinh Mỹ, quân các nước thân Mĩ và phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam. Đến năm 1968,. số quân viễn chinh Mĩ ở miền Nam lên tới hơn 50 vạn.

+ Tiến hành hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 – 1966 và 1966 – 1967) bằng hàng loạt cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” vào “Đất thánh Việt Cộng”.

+ Kết hợp với việc tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiêu huỷ tiềm lực kinh tế – quốc phòng miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ Bắc vào Nam, đồng thời làm lung lay quyết tâm chống Mĩ của nhân dân Việt Nam.

b. Chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ

* Thắng lợi trên mặt trận quân sự:

– Ngày 18/8/1965, quân Mĩ mở cuộc hành quân vào Vạn Tường (Quảng Ngãi). Sau một ngày chiến đấu, quân chủ lực và quân dân địa phương đã đẩy lùi được cuộc hành quân của 1 sư đoàn quân Mĩ có các phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại, loại khỏi vòng chiến đấu 900 tên, chứng tỏ khả năng đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, mở đầu cao trào “Tìm Mĩ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên khắp miền Nam.

– Đập tan cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ nhất (Đông – Xuân 1965 – 1966), bẻ gãy 450 cuộc hành quân, trong đó có 5 cuộc hành quân “tìm diệt” lớn của địch, nhằm vào hai hướng chiến lược chính ở Đông Nam Bộ và Liên khu V.

– Đập tan cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ hai (Đông – Xuân 1966 – 1967) với 895 cuộc hành quân, trong đó 3 cuộc hành quân lớn “tìm diệt” và “bình định”, lớn nhất là cuộc hành quân Gianxơn Xiti đánh vào căn cứ Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh), nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của cách mạng.

– Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, diễn ra đồng loạt trên toàn miền Nam, trọng tâm là các đô thị, mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược của quân chủ lực vào hầu khắp các đô thị trong đêm 30 rạng sáng 31/1/1968 (Tết Mậu Thân); làm lung lay ý chí xâm lược của Mĩ, buộc Mĩ phải tuyên bố “Phi Mĩ hóa chiến tranh”; ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán Pari để bàn về chấm dứt chiến tranh; mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước.

* Thắng lợi trên về chính trị, ngoại giao:

– Phong trào chống ách kìm kẹp của địch, phá từng mảng “ấp chiến lược” diễn ra mạnh mẽ ở nông thôn. Ở thành thị: công nhân, các tầng lớp nhân dân lao động, học sinh, sinh viên, Phật tử và một số sĩ quan quân đội Sài Gòn… đấu tranh đòi Mĩ rút về nước, đòi tự do dân chủ.

– Từ đầu năm 1967, đấu tranh ngoại giao được nâng lên thành một mặt trận, nhằm kết hợp với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước tiếp tục tiến lên.

– Uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đến cuối năm 1967, mặt trận đã có cơ quan thường trực ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước thuộc “thế giới thứ ba”. Cương lĩnh của mặt trận được 41 nước và 12 tổ chức quốc tế, 5 tổ chức khu vực lên tiếng ủng hộ.

– Sau đòn tấn công bất ngờ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), chính quyền Giôn-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và bắt đầu đàm phán với Việt Nam.

2. Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mĩ và làm nghĩa vụ hậu phương (1965 – 1968)

a. Miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mĩ (1965 – 1968)

* Mĩ tiến hành chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc

– Âm mưu:

+ Phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

+ Ngăn chặn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam.

+ Uy hiếp tinh thần, làm lung lay ý chí chống Mĩ của nhân dân Việt Nam.

– Thủ đoạn:

+ Mĩ dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” (tháng 8/1964), sau đó lấy cớ “trả đũa” quân giải phóng tiến công quân Mĩ ở Plâyku (tháng 2/1965), chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.

+ Huy động một lực lượng không quân và hải quân lớn, gồm hàng nghìn máy bay tối tân như F111, B52… và các vũ khí hiện đại, leo tháng đánh phá miền Bắc.

+ Nhằm vào tất cả các mục tiêu quân sự, giao thông, nhà máy, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, đền, chùa, nhà thờ…

* Miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại

– Trong hơn 4 năm (tháng 8/1964 đến tháng 11/1968), quân dân miền Bắc triển khai cuộc chiến tranh nhân dân, kết hợp ba thứ quân, kết hợp các quân chủng và binh chủng, bắn rơi 3.243 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mĩ; bắn cháy, bán chìm 143 tàu chiến. Mĩ phải tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc (tháng 11/1968).

b. Miền Bắc thực hiện nghĩa vụ hậu phương lớn

– Từ năm 1959, tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển bắt đầu được khai thông.

– Trong 4 năm(1965 – 1968), miền Bắc đã đưa hơn 30 vạn cán bộ, bộ đội, hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men,… vào chiến trường miền Nam.

III. Chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mĩ (1969 – 1973)

1. Chiến đấu chống “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh”

a. Âm mưu và thủ đoạn của Mĩ

– Âm mưu:

+ Sau thất bại của “Chiến tranh cục bộ”, Mĩ phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, thực hiện chiến lược “Đông Dương hóa chiến tranh”. “Việt Nam hóa chiến tranh” cũng là một hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mĩ, được tiến hành bằng quân đội tay sai là chủ yếu, có sự phối hợp về hỏa lực, không quân, hậu cần của Mĩ, do cố vấn Mĩ chỉ huy.

+ Âm mưu: chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt, thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ.

– Thủ đoạn:

+ Tăng cường xây dựng quân đội Sài Gòn làm lực lượng chiến đấu chủ yếu trên chiến trường, thay cho quân Mĩ rút dần về nước, thực hiện “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”.

+ Sử dụng quân đội Sài Gòn mở rộng chiến tranh xâm lược Campuchia (1970), tăng cường chiến tranh ở Lào (1971), thực hiện “Dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”.

+ Tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc, hòa hoãn với Liên Xô, nhằm hạn chế sự giúp đỡ của các nước này đối với nhân dân Việt Nam.

+ Sẵn sàng Mĩ hoá trở lại cuộc chiến tranh khi cần thiết.

b. Chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của Mĩ

* Thắng lợi quân sự:

– Từ tháng 4 đến tháng 6/1970, quân đội Việt Nam phối hợp với quân dân Campuchia, đập tan cuộc hành quân xâm lược Campuchia của 10 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.

– Từ tháng 2 đến tháng 3/1971, bộ đội Việt Nam phối hợp với quân dân Lào, đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn – 719”, loại khỏi vòng chiến đấu 22.000 quân địch, giữ vững đường hành lang chiến lược của cách mạng Đông Dương.

– Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972

+ Từ ngày 30/3/1972, quân ta mở cuộc tiến công chiến lược, lấy Quảng Trị làm hướng chủ yếu, cùng với các hướng tiến công ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên, rồi phát triển rộng khắp miền Nam.

+ Kết quả: chọc thủng 3 phòng tuyến mạnh nhất của địch là Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn và đông dân.

+ Ý nghĩa: giáng đòn nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ hóa” trở lại chiến tranh xâm lược (thừa nhận thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”).

– Ngày 16/4/1972, Tổng thống Nich-xơn phát động trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đặc biệt là mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng. Quân và dân miền Bắc đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Cùng với cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mĩ, miền Bắc làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Trong ba năm (1969 – 1971), hàng chục vạn thanh niên nhập ngũ vào chiến trường. Khối lượng vật chất đưa vào các chiến trường tăng lên 1,6 lần.

* Thắng lợi về chính trị, ngoại giao:

– Ngày 6/6/1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao.

– Hội nghị cấp cao 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia (tháng 4/1970), biểu thị quyết tâm của nhân dân 3 nước đoàn kết chiến đấu chống Mĩ.

– Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được kí kết, nội dung cơ bản như sau:

+ Hoa Kì và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

+ Hai bên ngừng bắn ở miền Nam, Hoa Kì cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống miền Bắc Việt Nam.

+ Hoa Kì rút hết quân đội của mình và quân các nước đồng minh, cam kết không dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

+ Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ, thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài.

+ Hai miền Nam – Bắc Việt Nam sẽ thương lượng về việc thống nhất đất nước không có sự can thiệp của nước ngoài.

+ Hai bên trao trả tù binh và dân thường bị bắt.

+ Các bên công nhận thực tế ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.

+ Hoa Kì cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.

+ Ý nghĩa:

Là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc.

Nhân dân Việt Nam căn bản hoàn thành nhiệm vụ đánh cho Mĩ cút, làm so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi cho cách mạng, tạo ra điều kiện thuận lợi để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

III. Miền Nam đấu tranh chống địch “bình định – lấn chiếm” tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 – 1975)

1. Miền Nam đấu tranh chống địch “bình định – lấn chiếm”

a. Âm mưu và hành động mới của Mĩ và chính quyền Sài Gòn

– Ngày 29/3/1973, toán lính của Mĩ cuối rút khỏi miền Nam, nhưng Mĩ vẫn theo đuổi mục tiêu Việt Nam hoá chiến tranh, duy trì một lực lượng hải quân và không quân ở Vịnh Bắc Bộ, Thái Lan và Guam, để lại ở miền Nam “những người lính không mặc quân phục” cùng các nhân viên dân sự; đổi tên cơ quan chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) thành cơ quan ngoại giao – tuỳ viên quốc phòng (DAO). Trước ngày ký Hiệp định Pari, Mỹ chuyển giao các căn cứ quân sự Mỹ cho chính quyền Sài Gòn cùng với viện trợ khẩn cấp một lượng vật chất khổng lồ(1)

– Mĩ dung túng và cùng với chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Paris, nhất là ba vấn đề: ngừng bắn, thả tù chính trị và thực hiện các quyền tự do dân chủ ở miền Nam. Chính quyền Sài Gòn tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, mở những cuộc hành quân “bình định – lấn chiếm” vùng giải phóng.

b. Cuộc chiến đấu chống địch phá hoại Hiệp định Paris

– Tháng 7/1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần 21, nhận định kẻ thù vẫn là đế quốc Mĩ và tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu; xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; khẳng định con đường cách mạng bạo lực, nắm vững chiến lược tiến công, đấu tranh trên ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao.

– Thực hiện nghị quyết 21, cuối năm 1973, quân và dân miền Nam đã chủ động mở các cuộc tiến công, trọng tâm là đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, giành thắng lợi vang dội ở Đường 14 – Phước Long (6/1/1975). Trận trinh sát chiến lược Phước Long cho thấy rõ sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng can thiệp của Mĩ là rất hạn chế.

2. Giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc

a. Chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam:

– Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng (mở rộng) cuối năm 1974 đầu năm 1975 đề ra chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 – 1976;

– Hội nghị nhấn mạnh, nếu thời cơ chiến lược đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975, cần phải tranh thủ thời cơ đánh nhanh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân.

b. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975

* Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến ngày 24/3/1975)

– Vì sao Bộ Chính trị chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975?

+ Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng nhất ở miền Nam.

+ Đây là nơi địch có sở hở trong chiến lược phòng ngự: do địch nhận định sai hướng tiến công của ta, địch ít chú ý phòng thủ Tây Nguyên, mà chú trọng vùng chung quanh Sài Gòn và khu vực Huế – Đà Nẵng. Lực lượng địch ở Tây Nguyên có Quân đoàn 2, nhưng phải chia ra chiếm giữ nhiều vị trí. Địch ở Tây Nguyên bố phòng sơ hở, chú trọng Kontum, không chú ý phòng thủ Buôn Ma Thuột.

+ Là nơi ta có nhiều lợi thế: địa hình thuận lợi cho việc mở chiến dịch tiến công lớn, có cơ sở hậu cần vững mạnh, đồng bào Tây Nguyên rât trung thành với cách mạng.

– Diễn biến:

+ 4/3/1975, quân ta đánh nghi binh ở Plâyku và Kon Tum nhằm thu hút quân địch vào hướng đó.

+ Ngày 10/3/1975, ta mở cuộc tấn công vào Buôn Ma Thuột và giành thắng lợi.

+ Ngày 12/3/1975, địch phản công chiếm lại Buôn Ma Thuột nhưng không thành.

+ Sau 2 đòn đau nói trên, hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển, quân địch mất tinh thần, hàng ngũ rối loạn.

+ Ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Tây Nguyên, về giữ vùng duyên hải miền Trung. Trên dường rút chạy, chúng bị quân ta truy kích tiêu diệt. Đến ngày 24/3/1975, Tây Nguyên rộng lớn với 60 vạn dân hoàn toàn được giải phóng.

– Ý nghĩa:

+ Mở ra quá trình sụp đổ hoàn toàn của quân đội và chính quyền Sài Gòn.

+ Chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

* Các chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng (từ ngày 21/3 đến ngày 29/3/1975)

– Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh và hết sức thuận lợi, ngay khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn, Bộ Chính trị có quyết định kịp thời kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, trước tiên là mở các chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng.

– Diễn biến:

+ Phát hiện địch co cụm ở Huế, ngày 21/3/1975, quân ta đánh chặn các đường rút chạy của chúng, hình thành thế bao vây thành phố Huế. Ngày 25/3, quân ta tiến vào cố đô Huế, đến hôm sau thì giải phóng thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên. Cùng thời gian này, ta tổ chức tiến công, tiêu diệt nhiều vị trí địch ở phía Nam Đà Nẵng như Tam Kì, Chu Lai, Quảng Ngãi, đẩy Đà Nẵng vào thế bị cô lập.

+ Đà Nẵng, thành phố lớn thứ 2 ở miền Nam, căn cứ quân sự liên hợp hải – lục – không quân lớn nhất của Mĩ và quân đội Sài Gòn. Ngày 29/3, quân ta từ 3 phía Bắc, nam và Tây tiến công giải phóng Đà Nẵng, đập tan 10 vạn quân địch.

+ Từ cuối tháng 3 đến tháng 4, nhân dân các tỉnh còn lại ở ven biển miền Trung, Nam Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Bộ nổi dậy đánh địch, giành quyền làm chủ. Các đảo biển miền Trung lần lượt được giải phóng.

– Ý nghĩa: Chiến thắng Huế – Đà Nẵng gây nên tâm lí tuyệt vọng trong chính quyền Sài Gòn, đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân ta tiến lên một bước mới với sức mạnh áp đảo.

* Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4 đến ngày 30/4/1975):

– Sau thắng lợi của các đòn tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Huế – Đà Nẵng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”; quyết định mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào Sài Gòn – Gia Định; nhấn mạnh: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kĩ thuật và vật chất, giải phóng miền Nam trước mùa mưa”. Ngày 14 – 4 – 1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

– Diễn biến:

+ Trước khi bắt đầu chiến dịch giải phóng Sài Gòn ta tiến công Xuân Lộc và Phan Rang.

+ Do các phòng tuyến phòng thủ bị chọc thủng và Phnôm Pênh được giải phóng, nội bộ Mĩ và chính quyền Sài Gòn càng thêm hoảng loạn. Ngày 18-4-1975, tổng thống Mĩ ra lệnh di tản hết người Mĩ khỏi Sài Gòn. Ngày 21/4, Nguyễn văn Thiệu từ chức tổng thống.

+ 17h ngày 26/4, năm cánh quân, với lực lượng 5 quân đoàn và tyương đương quân đoàn, nhanh chóng vượt qua các tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.

+ 10h 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập bắt toàn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

+ 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

– Cùng thời gian trên, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại tiến công và nổi dậy, theo phương thức xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh. Đến ngày 2/5/1975, Châu Đốc là tỉnh cuối cùng ở miền Nam được giải phóng.

IV. Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 – 1975)

1. Nguyên nhân thắng lợi

– Có sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo; với tư tưởng chiến lược tiến công, phương pháp đấu tranh linh hoạt, kết hợp đấu tranh quân sự – chính trị – ngoại giao.

– Nhân dân giàu lòng yêu nước, đoàn kết nhất trí, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất.

– Có hậu phương miền Bắc, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở hai miền.

– Có sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của ba dân tộc ở Đông Dương; sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới, kể cả nhân dân Mĩ.

2. Ý nghĩa lịch sử

– Kết thúc thắng lợi 21 năm chiến đấu chống Mĩ, cứu nước và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất Tổ quốc.

– Mở ra kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc – kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

– Tác động mạnh đến tình hình nước Mĩ và thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc thế giới.

– “Mãi mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

C. Câu hỏi ôn tập

Câu 1. Phân tích đặc điểm tình hình nước Việt Nam sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương được kí kết.

Câu 2. Phân tích nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ và vị trí của cách mạng mỗi miền Bắc, Nam thời kỳ 1954 – 1975.

Câu 3. Đường lối xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là gì? Nêu biểu hiện cụ thể của đường lối đó trong thời kỳ 1954 – 1975.

Câu 4. Đặc điểm lớn nhất, độc đáo nhất của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ 1954-1975 là gì? Những yếu tố nào quy định đặc điểm đó?

Câu 5. Phân tích điều kiện bùng nổ, diễn biến và ý nghĩa của phong trào “Đồng khởi” ở miền Nam (1959 – 1960).

Câu 6. Nêu âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mĩ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (1961 – 1965). Quân và dân ta ở miền Nam đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ như thế nào?

Câu 7. Trình bày hoàn cảnh lịch sử, nội dung cơ bản và ý nghiã Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (9/1960).

Câu 8. Tóm tắt thành tựu của nhân dân miền Bắc trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965). Phân tích ý nghĩa của những thành tựu đó.

Câu 9. Nêu âm mưu và thủ đoạn của Mĩ trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam (1965 – 1968). Trình bày những thắng lợi trên mặt trận quân sự của quân dân ta ở miền Nam trong cuộc chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ.

Câu 10. Trình bày âm mưu, thủ đoạn của Mĩ trong hai lần tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Quân và dân miền Bắc đã đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mĩ như thế nào?

Câu 11. Trình bày âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mĩ trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Nêu những thắng lợi quân sự của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong cuộc chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hoá chiến tranh” của Mĩ (từ năm 1969 đến năm 1972).

Câu 12. Trình bày những thắng lợi về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1973.

Câu 13. Nêu những thắng lợi quân sự của quân dân hai miền Nam, Bắc trực tiếp đưa đến việc triệu tập Hội nghị và kí kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Câu 14. Chiến thắng nào của quân dân ta ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ trực tiếp đã buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ hóa” trở lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam? Tóm tắt hoàn cảnh lịch sử và diễn biến của chiến thắng đó.

Câu 15. Sự kiện nào là mốc đánh dấu nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút”? Phân tích tác động của sự kiện đó đối với cách mạng miền Nam.

Câu 16. Trình bày hoàn cảnh kí kết và nội dung cơ bản của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam (1-1973).

Câu 17. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng xác định kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam như thế nào? Trình bày tóm tắt diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Câu 18. Vì sao Tây Nguyên được Bộ Chính trị chọn làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975?

Câu 19. Phân tích nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước(1954 – 1975).

Câu 20. Phân tích vai trò của miền Bắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

_________________

(1) Viện trợ Mỹ cho chính quyền Sài Gòn lúc đó trị giá khoảng 750 triệu đôla, bao gồm 700 máy bay, 400 xe tăng, 2 triệu tấn vật tư kỹ thuật. Từ sau ngày ký Hiệp định đến cuối năm 1973, Mỹ đưa vào miền Nam 90 máy bay, 100 khẩu pháo và nhiều phương tiện chiến tranh khác.


1
Bạn cần hỗ trợ tuyển sinh?