Bí quyết học – thi
Môn Ngữ văn: Cấu trúc và giới hạn nội dung đề thi
Thầy Trần Hinh (Khoa Văn học) phân tích về cấu trúc và giới hạn nội dung đề thi đại học môn Ngữ văn (theo văn bản mới được ban hành của Bộ GD&ĐT).
I. Cấu trúc đề thi
Một đề thi đại học môn Văn hiện nay, theo quy chế của Cục khảo thí, Bộ GD&ĐT, luôn có hai phần chung và riêng với 3 câu hỏi. Phần chung bắt buộc gồm 2 câu:
Câu 1 (2 điểm): Tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm Văn học Việt Nam.
Câu 2 (3 điểm): Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn (không quá 600 từ)
– Nghị luận về một tư tưởng đạo lí
– Nghị luận về một hiện tượng đời sống
Phần riêng tự chọn (5 điểm) có 1 câu và học sinh chỉ được phép chọn một trong hai câu hỏi này: vận dụng khả năng đọc hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học. Nếu học sinh nào làm cả hai câu, thì phần bài làm này sẽ không được chấm điểm, bài thi coi như vi phạm quy chế. Các em học sinh cần phải hết sức chú ý.
Câu III.a: Theo chương trình chuẩn (5 điểm)
Câu III.b: Theo chương trình nâng cao (5 điểm)
II. Giới hạn nội dung đề thi
Về giới hạn nội dung chương trình thi, thứ nhất cần xác định rõ, đề thi đại học và cao đẳng từ năm 2002 đến nay, theo giới hạn của Bộ bao gồm cả phần kiến thức lớp 11 và 12, dung lượng bài học gần như tương đương nhau, mặc dù, những người có trách nhiệm khi trả lời báo chí thường khẳng định, đề thi sẽ nghiêng về chương trình 12. Tuy nhiên, một cách chính xác, theo thống kê của chúng tôi dưới đây, phần văn học lớp 11 và 12 có tương quan số bài không quá chênh lệch nhau (lớp 11 có 16 bài, 12 là 18 bài). Tỉ lệ đó phản ánh chính xác tương quan câu hỏi đề thi trong suốt nhiều năm qua. Thông thường, trong ba câu hỏi của một đề thi, có hai câu thuộc chương trình lớp 12. Đó là vấn đề thứ nhất học sinh cần phải chú ý.
Điểm thứ hai cần chú ý là so với những năm trước, bài học trong chương trình 4 năm gần đây đã có rất nhiều thay đổi. Ngoài 5 bài liên quan đến dạng đề 2 điểm, tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp sáng tác (Hồ Chí MInh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Tuân) vẫn được giữ nguyên, có tới 16 bài học mới được đưa vào chương trình, so với 18 bài học cũ được giữ lại, chiếm tỉ lệ khoảng 47%.
Thứ ba, bắt đầu từ kì thi 2009, trong cấu trúc đề thi có một câu nghị luận xã hội, thuộc dạng bắt buộc (3 điểm). Để giải quyết tốt các bài văn nghị luận xã hội thuộc dạng này, ngoài kiến thức được học trong nhà trường, học sinh còn phải tăng cường kiến thức bên ngoài, trên sách báo, trong cuộc sống, đặc biệt những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Do đây là câu hỏi khá tự do, không có bài học sẵn trong sách, đòi hỏi tính chủ động rất cao ở học sinh, nên tiếp xúc với câu hỏi thuộc dạng này, học sinh phải rất linh hoạt và chủ động, phải thể hiện được những chính kiến của mình trước một vấn đề (chẳng hạn: niềm tin, sự trung thực, vẻ đẹp tâm hồn, thái độ sống…) câu hỏi nêu ra, phải có sự sáng tạo.
Để các bạn nắm được chi tiết đề thi năm nay, chúng tôi thống kê dưới đây nội dung hạn chế chính thức của Bộ GD&ĐT. Chú ý, cột có đánh dấu cộng là lưu ý nội dung các bài học có thể được sử dụng cho loại câu nào.
STT | KIẾN THỨC | Câu I | Câu III.a | Câu III.b |
1 | Tác gia Hồ Chí Minh | + | ||
2 | Tác gia Tố Hữu | + | ||
3 | Tác gia Nam Cao | + | ||
4 | Tác gia Nguyễn Tuân | + | ||
5 | Tác gia Xuân Diệu | + | ||
6 | Hai đứa trẻ | + | + | + |
7 | Chữ người tử tù | + | + | + |
8 | Vội vàng | + | + | + |
9 | Đây thôn Vĩ Dạ | + | + | + |
10 | Tràng giang | + | + | + |
11 | Tương tư | + | ||
12 | Hạnh phúc của một tang gia | + | + | + |
13 | Chí Phèo | + | + | + |
14 | Đời thừa | + | ||
15 | Nhật kí trong tù | + | + | + |
16 | Chiều tối | + | + | + |
17 | Lai Tân | + | + | |
18 | Từ ấy | + | + | + |
19 | Về luân lí xã hội ở nước ta | + | ||
20 | Một thời đại trong thi ca | + | ||
21 | Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài | + | + | + |
22 | Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tâm 1945 đến hết thế kỉ XX | + | ||
23 | Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc | + | + | + |
24 | Tuyên ngôn Độc lập | + | + | + |
25 | Tây Tiến | + | + | + |
26 | Việt Bắc | + | + | + |
27 | Tiếng hát con tàu | + | ||
28 | Đất Nước | + | + | + |
29 | Sóng | + | + | + |
30 | Đàn ghi ta của Lorca | + | + | + |
31 | Người lái đò sông Đà | + | + | + |
32 | Ai đã đặt tên cho dòng sông? | + | + | + |
33 | Vợ nhặt | + | + | + |
34 | Vợ chồng A Phủ | + | + | + |
35 | Rừng xà nu | + | + | + |
36 | Những đứa con trong gia đình | + | + | + |
37 | Chiếc thuyền ngoài xa | + | + | + |
38 | Một người Hà Nội | + | ||
39 | Hồn Trương Ba, da hàng thịt | + | + | + |
Xem tiếp bài 2: Những chủ đề cơ bản cần phải chú ý
- Thông báo tuyển sinh
- Bồi dưỡng kiến thức
- Thông tin tuyển sinh
- Ngành đào tạo
- Đào tạo ngành 2 (bằng kép)
- Thông tin cần biết
- Thông tin tuyển sinh
- Chương trình đào tạo
- Bổ túc kiến thức
- Thông tin cần biết
- Tuyển sinh VLVH
- Thông tin cần biết
- Chọn ngành, chọn nghề
- Bí quyết học – thi
- Sức khoẻ mùa thi
- Tra cứu kết quả
- Tại sao chọn USSH
- Môi trường học tập
- Học phí - Học bổng
- Ký túc xá