Bí quyết học – thi
Môn Địa: Một số trọng tâm ôn thi (lí thuyết)
PGS.TS Đinh Văn Thanh (Giảng viên Khoa Địa lí – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) hướng dẫn về một số trọng tâm ôn thi môn Địa lí lớp 12 (phần lí thuyết) vào các trường đại học và cao đẳng năm 2013.
Trong đề thi môn địa lí vào các trường đại học và cao đẳng phần lí thuyết thường được 7 điểm, phần thực hành 3 điểm. Phần lí thuyết gồm 4 phần chính: Địa lí tự nhiên Việt Nam, Địa lí dân cư Việt Nam, Địa lí kinh tế các ngành và kinh tế biển và Địa lí các vùng kinh tế. Trong kì thi tuyển sinh ĐH và CĐ năm 2013 các thi sinh cần chú ý ôn tập môn Địa lí theo các nội dung chính sau đây:
Phần I. Địa lí tự nhiên Việt Nam
Phần này trong đề thi tương ứng khoảng từ 0,75 – 3 điểm, tập trung chủ yếu vào các nội dung sau đây:
1. Đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ nước ta và ý nghĩa của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ với hình thành lên các đặc điểm tự nhiên của đất nước, với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng (đặc biệt chú ý tới vấn đề cấu trúc phạm vi vùng biển nước ta theo luật biển quốc tế đã kí ngày 11 tháng 12 năm 1982).
2. Đặc điểm địa hình 4 khu vực trung du và miền núi, 2 đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long và các đồng bằng ven biển; ý nghĩa trong phát triển kinh tế của địa hình đồi núi và địa hình đồng bằng.
3. Khái quát biển Đông và ảnh hưởng của biển Đông với khí hậu, địa hình, hệ sinh thái và phát triển kinh tế xã hội ở nước ta.
4. Phân tích tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa thể hiện qua khí hậu, địa hình, đất đai, nước sông ngòi và sinh vật.
5. Nêu ý nghĩa của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa với phát triển kinh tế và đời sông con người.
6. Đặc điểm thiên nhiên phân hoá theo bắc- nam, đông- tây và theo độ cao (nêu rõ nguyên nhân và biểu hiện của sự phân hoá đó).
7. Phân tích đặc điểm của 3 miền địa lí tự nhiên Việt Nam (Miền Bắc và Đông Bắc bộ, Tây Bắc và Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ và Nam bộ). Mỗi miền trên cần nêu được phạm vi của miền, đặc điểm địa hình, khí hậu, sinh vật, khoáng sản và các thiên tai chính trong từng miền.
8. Vấn đề sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường và phòng chống thiên tai cần chú ý:
– Phân tích hiện trạng suy thoái tài nguyên rừng, đất, sự đa dạng sinh học, khoáng sản, nước, du lịch và nêu các biện pháp bảo vệ.
– Nêu rõ nguyên nhân, bản chất và biểu hiện của 2 vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta ngày nay là mất cân bằng sinh thái môi trường và ô nhiễm môi trường.
– Diễn biến một số thiên tai chính như bão, lụt, hạn hán và lũ quét và các biện pháp phòng chống thiên tai.
– Nội dung chính của chiến lược bảo vệ tài nguyên môi trường ở nước ta hiện nay.
Phần II. Địa lí dân cư Việt Nam
Phần này tương ứng khoảng từ 1-1,5 điểm, tập trung chủ yếu vào các nội dung sau đây:
– Phân tích các đặc điểm cơ bản của dân cư, dân tộc, lao động nước ta (dân số đông, tăng nhanh, dân số trẻ, phân bố không đều, mỗi đặc điểm cần chứng minh bằng các số liệu chính xác từ 2006-2012.
– Phân tích các đặc điểm nguồn lao động nước ta: về số lượng, chất lượng và chuyển biến cơ cấu sử dụng lao động giữa các ngành, các thành phần kinh tế và giữa thành thị với nông thôn.
– Nêu rõ vấn đề việc làm và các hướng giải quyết việc làm ở nước ta ngày nay.
– Diễn biến và ý nghĩa của quá trình độ thị hoá, chú ý đến 6 loại đô thị ở nước ta ngày nay.
Phần III. Địa lí kinh tế ngành và kinh tế biển
Phần này tương ứng với khoảng từ 1,5 – 2 điểm. Thí sinh cần chú ý các nội dung sau:
1. Khái niện về cơ cấu kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ.
2. Địa lí ngành nông nghiệp:
– Chứng minh nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi với phát triển nông nghiệp nhiệt đới. Sự khác nhau giữa nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp hiện đại. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá và chứng minh nước ta đang khai thác có hiệu quả nền nông nghiệp nhiệt đới.
– Nêu vai trò và hiện trạng sản xuất lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp và phân tích các điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội để sản xuất các ngành trên có thuận lợi và khó khăn gì?
– Phân tích các điều kiện phát triển, hiện trạng của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản và phát triển lâm nghiệp ở nước ta.
– Vấn đề tổ chức lãnh thổ nông nghiệp: Chú ý đặc điểm chính của 7 vùng nông nghiệp, so sánh sự khác nhau trong chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp giữa các vùng và sự thay đổi trong tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở mỗi vùng trong thời kì công nghiệp hoá.
3. Địa lí công nghiệp:
– Chứng minh cơ cấu ngành công nghiệp nước ta đa dạng và đang chuyển biến mạnh.Nêu rõ hiện trạng cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ và theo thành phầm kinh tế.
– Chứng minh cơ cấu các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến lương thực thực phẩm đa dạng. Các điều kiện phát triển và hiện trạng phát triển của 2 ngành này. Đặc biệt trong công nghiệp năng lượng phải nêu được tên, công suất, vị trí phân bố của các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí lớn (Thuỷ điện Sơn La, Hoà bình, Yaly, Nhiệt điện Phú Mĩ…).
– Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp: cần chú ý khái niệm về tổ chức lãnh thổ công nghiệp(TCLTCN), các nhân tố ảnh hưởng tới TCLTCN và các hình thức chủ yếu trong TCLTCN (điểm công nghiệp, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp và vùng công nghiệp).
4. Địa lí các ngành giao thông, thông tin liên lạc, thương mại và du lịch:
– Trong phần địa lí giao thông cần chú ý các vấn đề về hiện trạng mạng lưới các tuyến đường của 6 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường không và đường ống và phân tích khả năng về tự nhiên và kinh tế xã hội với phát triển giao thông.
– Phần địa lí thông tin liên lạc cần phân tích hiện trạng phát triển của ngành bưu chính, viễn thông.
– Trong địa lí thương mại chú ý tới hiện trạng phát triển ngành nội thương và ngoại thương
– Trong phần địa lí du lịch đặc biệt chú ý tới khái niện tài nguyên du lịch, chứng minh tài nguyên du lịch nước ta đa dạng và hiện trạng phát triển du lịch ở nước ta từ 1990 đến nay.
Phần IV. Những vấn đề cần quan tâm về địa lí 7 vùng kinh tế, 3 vùng kinh tế trọng điểm
Phần này tương ứng với 2-3 điểm:
A. Về 7 vùng kinh tế, mỗi vùng cần chú ý các nội dung chính sau:
1. Vùng Trung du miền núi phía Bắc:
– Khái quát chung về đặc điểm tự nhiên và kinh tế xã hội (nêu tên các tỉnh trong vùng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên chính, đặc điểm dân cư, dân tộc, truyền thống đấu tranh chống giặc, các di tích lịch sử, văn hoá..)
– Phân tích 5 thế mạnh chính của vùng: Phát triển thuỷ điện, công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản, phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt, ôn đới, chăn nuôi gia súc và phát triển kinh tế biển
2. Vùng Đồng bằng sông Hồng:
– Phân tích các thế mạnh và thế yếu về tự nhiên và kinh tế xã hội của vùng.
– Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và định hướng tiếp tục phát triển kinh tế ở vùng này.
3. Vùng Bắc Trung bộ:
– Nêu khái quát chung về vùng (nêu tên các tỉnh trong vùng, đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội của vùng
– Phân tích thế mạnh phát triển nông- lâm- ngư ở Bắc Trung Bộ.
– Phân tích thế mạnh hình thành cơ cấu công nghiệp và phát triển cơ sở vật chất hạ tầng trong vùng này
4. Vùng Duyên hải Nam Trung bộ:
– Nêu tên các tỉnh trong vùng, phân tích điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của vùng có thuận lợi và khó khăn gì.
– Phân tích điều kiện phát triển nghề cá, du lịch biển, dịch vụ hàng hải và khai thác khoáng sản biển.
– Phân tích các thế mạnh phát triển công nghiệp và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng (chú ý đến hình thành thành các trung tâm công nghiệp, các khu công nghiệp, các chuỗi đô thị, các nhà máy thuỷ điện, hệ thống giao thông thuỷ, bộ, các cảng biển,các sân bay…)
5. Vùng Tây Nguyên:
– Nêu tên các tỉnh và phân tích điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của Tây Nguyên có thuận lợi và khó khăn gì.
– Phân tích các thế mạnh trong phát triển kinh tế xã hội ở Tây nguyên: Thế mạnh phát triển cây công nghiệp lâu năm, khai thác chế biến gỗ lâm sản và phát triển thuỷ điện kết hợp thuỷ lợi.
6. Vùng Đông Nam bộ:
– Nêu khái quát chung về vùng này (tên tỉnh và các thành phố trong vùng, các đặc điểm nổi bật trong phát triển kinh tế của vùng
– Phân tích các thế mạnh và hạn chế về tự nhiên và kinh tế xã hội
– Các nội dung chính trong khai thác lãnh thổ theo chiều sâu (trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và phát triển tổng hợp kinh tế biển).
7. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
– Đặc điểm cấu trúc lãnh thổ hợp thành Đồng bằng sông Cửu Long.
– Các thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long.
– Vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.
– Chứng minh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước.
B. Ba vùng kinh tế trọng điểm là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Mỗi vùng này cần nhớ số tỉnh trong vùng hiện nay, các thế mạnh về tự nhiên và kinh tế xã hội trong phát triển kinh tế và các ngành kinh tế mũi nhọn của các vùng.
C. Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo và quần đảo:
– Nêu cấu trúc các bộ phận hợp thành biển Đông nước ta theo Luật biển quốc tế năm 1982 và vai trò của kinh tế biển.
– Chứng minh các nguồn lợi biển nước ta phong phú về sinh vật, khoáng sản, giao thông vận tải và du lịch.
– Nêu tên các đảo lớn, đông dân nhất, các quần đảo và 12 huyện đảo và ý nghĩa của các đảo và quần đảo với bảo vệ chủ quyền vùng biển nước ta.
– Giải thích tại sao phải phát triển tổng hợp kinh tế biển và nêu các nội dung chính trong phát triển tổng hợp kinh tế biển nước ta (khai thác tài nguyên sinh vật biển và hải đảo, khai thác khoáng sản biển, phát triển du lịch biển và giao thông vận tải biển).
– Tại sao phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển và thềm lục địa.
Trên đây là những trọng tâm của môn địa lí lớp 12 mà thí sinh cần phải nắm chắc để làm bài thi vào các trường cao đằng và đại học năm 2013. Tuy nhiên để làm tốt bài thi địa lí thí sinh phải chăm chỉ ôn luyện kiến thức, có phương pháp học khoa học sáng tạo, tư duy lôgic, khi học lí thuyết phải liên hệ với thực tế để hiểu sâu, nhớ lâu. Chúc các thí sinh thành công trong kì thi này.
Xem thêm: Kĩ năng làm bài thực hành môn Địa lí
- Thông báo tuyển sinh
- Bồi dưỡng kiến thức
- Thông tin tuyển sinh
- Ngành đào tạo
- Đào tạo ngành 2 (bằng kép)
- Thông tin cần biết
- Thông tin tuyển sinh
- Chương trình đào tạo
- Bổ túc kiến thức
- Thông tin cần biết
- Tuyển sinh VLVH
- Thông tin cần biết
- Chọn ngành, chọn nghề
- Bí quyết học – thi
- Sức khoẻ mùa thi
- Tra cứu kết quả
- Tại sao chọn USSH
- Môi trường học tập
- Học phí - Học bổng
- Ký túc xá