Bí quyết học – thi

5 giai đoạn cần lưu ý khi làm bài thi

Quá trình làm bài thi phải luôn tuân theo một số quy định và những kĩ năng nhất định. Sau đây là năm giai đoạn cần lưu ý để làm tốt một bài thi.

1. Làm thủ tục ban đầu

Sau khi nhận giấy thi, bộ đề thi (thi trắc nghiệm), giấy nháp, bạn cần điền đầy đủ thông tin theo quy định như: ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, môn thi, số báo danh, mã đề… Phần này thường được giám khảo coi thi hướng dẫn kĩ lưỡng, tuy vậy vẫn không ít bạn mắc phải thiếu sót. Các bạn phải viết đúng chỗ quy định, không nên bỏ sót bất cứ yêu cầu nào, phòng khi bài thi bị thất lạc còn có cơ sở tìm lại được. Bên cạnh đó, bạn đừng quên kiểm tra xem đề thi có mắc lỗi in ấn, bị thiếu số trang, rách gì hay không. Nếu có thì xin giám thị đổi ngay đề khác để tránh mọi rắc rối sau này.

Phần thủ tục ban đầu này khá đơn giản, chỉ làm theo những quy định có sẵn, nhưng vẫn có không ít bạn phải làm đi làm lại đến mấy lần. Có lẽ do tâm lí lo lắng, hồi hộp khi bước vào phòng thi nên mới xảy ra hiện tượng như vậy. Các bạn cứ bình tĩnh vì lúc này vẫn chưa thi mà, chỉ mới làm thủ tục thôi, và các bạn hoàn toàn có quỹ thời gian để làm việc này.

Đi muộn sẽ làm mất thời gian quý giá, ảnh hưởng xấu tới tâm lí làm bài, và nếu muộn quá 15 phút sau khi bóc đề thì bạn sẽ không được dự thi. (Ảnh: Thành Long/USSH)

Đi muộn sẽ làm mất thời gian quý giá, ảnh hưởng xấu tới tâm lí làm bài, và nếu muộn quá 15 phút sau khi bóc đề thì bạn sẽ không được dự thi. (Ảnh: Thành Long/USSH)

2. Đọc đề

Đọc kĩ đề là một nguyên tắc không thể bỏ qua khi làm bài thi. Nếu không đọc kĩ đề, chúng ta sẽ không thể tận dụng được những dữ kiện đã cho (cái đã biết), những dữ kiện nào cần tìm (cái chưa biết) để giải quyết vấn đề. Các bạn nên dành từ 5-10 phút để đọc qua đề thi. Nếu đề có phần tự chọn một trong hai câu thì các bạn cố gắng chọn lấy một câu mà mình cảm thấy phù hợp nhất, không nên quá đắn đo, phân vân làm mất thời gian. Khi đọc đề chú ý phân loại các câu khó, dễ để dự trù thời gian trước cho mỗi phần khi làm bài. Những ý tưởng vụt đến trong đầu thì nên ghi ra ngay. Đối với đề trắc nghiệm, thời gian dành cho từng câu rất ít, vậy phải phân bổ thời gian sao cho thật hợp lí; không cần phải đọc kĩ nội dung từng câu hỏi trước khi đánh dấu câu trả lời, chỉ lướt qua, nắm tình hình chung là được; khi làm thì phải đọc kĩ từng câu chữ, không bỏ sót bất kì chi tiết nào nhằm hạn chế tối đa sai sót.

3. Giải đề

Bất kể là môn nào, đề tự luận hay trắc nghiệm, chúng ta nên làm câu dễ trước, câu khó sau. Nếu gặp câu khó quá, cần thêm thời gian suy nghĩ thì tạm gác lại, đánh dấu hỏi (?) để đó, đừng mãi cố xoay xở mất thời gian, trong khi còn nhiều câu cần phải làm. Sau khi giải xong các câu dễ lấy điểm, chúng ta sẽ tập trung tinh thần vào giải quyết những câu khó “nuốt” này.

Cần lập dàn bài (sơ lược) cho các câu trả lời, nhất là đối với các môn thi khối C, dạng đề tự luận. Việc làm này tuy mất thời gian nhưng bù lại nội dung – các ý cần trả lời sẽ đầy đủ, logic, hiệu quả bài làm sẽ cao hơn.

Các bạn cần nhớ là khi làm bài thi tuyệt đối không dùng hai màu mực và gạch xoá quá nhiều trong bài làm, rất mất thẩm mĩ, gây khó khăn cho công tác chấm bài sau này. Nếu muốn bỏ, nên cẩn thận dùng thước gạch ngay ngắn và nếu cần thiết, nên giải lại cho rõ ràng hơn. Chú ý chữ viết phải dễ đọc, không nên cẩu thả, viết tắt tuỳ tiện…

Đối với các môn văn sử, địa… thì mỗi câu trả lời nên có ba phần: mở bài – nội dung chính – kết luận; cần đi thẳng vào vấn đề cốt lõi, tránh mở bài lan man, tập trung vào các ý chính, dữ kiện quan trọng; bài làm cần có luận điểm chắc chắn, lập luận chặt chẽ, kết luận ngắn gọn, súc tích; hình thức, bố cục bài làm nhìn chung phải sáng rõ. Riêng môn địa cần trình bày rõ ràng, rành mạch dưới dạng gạch đầu hàng các ý chính, nội dung cơ bản cần trả lời. Cẩn thận đối với phần vẽ sơ đồ, biểu đồ và nhận xét.

Đối với các môn toán, lí, hoá… cũng vẫn áp dụng các nguyên tắc cơ bản như: đọc kĩ đề, chọn câu dễ giải trước, câu khó làm sau; khi đọc đề chú ý gạch dưới những từ khoá, xác định các dữ kiện đã cho, dữ kiện cần tìm, ghi chú trực tiếp lên đề thi hay giấy nháp bất cứ thông tin, ý tưởng gì vừa nảy sinh trong đầu mà có lợi cho việc giải đề. Khi làm bài, các bạn không những phải cẩn thận đối với từng con số, kết quả tính toán mà còn phải biết trình bày lời giải cho thật gãy gọn, khúc chiết. Tránh ghi lời giải cộc lốc (tuy là các môn tự nhiên) sẽ làm giảm hứng thú của người chấm.

Trong trường hợp thi trắc nghiệm:

– Tránh trả lời toàn bộ các câu hỏi trên giấy nháp rồi sau đó mới tô đáp án lên phiếu trả lời, việc làm này sẽ mất nhiều thời gian, rất ít thí sinh chọn cách làm này.

– Đối với câu hỏi có nhiều lựa chọn (3-4 đáp án trở lên), cho dù bạn đã biết chắc đáp án đúng nhưng vẫn nên xem xét các đáp án còn lại, cẩn thận vẫn tốt hơn.

– Dùng phương pháp loại trừ: nhanh chóng xem toàn bộ các đáp án, loại trừ hết đáp án sai, còn lại đáp án đúng.

– Trong trường hợp “thà đánh nhầm còn hơn bỏ sót” thì các bạn nên căn cứ vào tần số xuất hiện của các đáp án đúng để chọn các đáp án tiếp theo. Ví dụ như các bạn còn khoảng 20 câu mà không biết chọn A hay B… nếu thấy trường hợp A hay B xuất hiện trong phiếu trả lời của các bạn còn ít (với điều kiện là các đáp án đã chọn kia phải chính xác) thì dựa trên xác suất khoảng 25% (của đề 100 câu) để bạn chọn toàn bộ A hoặc B… Làm như thế xác suất đúng sẽ cao hơn so với việc bạn dựa vào cảm giác để chọn.

Trên đây chỉ là vài gợi ý về cách làm bài trắc nghiệm nói chung. Tuỳ vào tình hình thực tế và môn thi, kiến thức, kinh nghiệm làm bài của mỗi người mà các bạn cố gắng chọn những đáp án chính xác nhất.

Vi phạm quy chế thi là cách nhanh nhất để phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực chuẩn bị cho kì thi và bài làm của bạn. (Ảnh: NA/USSH)

Vi phạm quy chế thi là cách nhanh nhất để phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực chuẩn bị cho kì thi và bài làm của bạn. (Ảnh: NA/USSH)

4. Kiểm tra lại

Kiểm tra lại là một khâu không thể thiếu trong quá trình làm bài thi. Nhờ kiểm tra lại mà ta có dịp phát hiện những thiếu sót để kịp thời khắc phục, sửa chữa, nhằm nâng cao tính chính xác của bài làm. Khi kiểm tra cần xem: có phần nào trong đề chưa làm không? Đối chiếu với đề xem các câu trả lời đã phù hợp với yêu cầu đề ra chưa?… Tóm lại, cần rà soát từng câu chữ, đơn vị kiến thức, con số, các bước giải, đáp án… xem mọi thứ đã ổn chưa?

Ngoài ra, bạn cần kiểm tra lại một lần nữa ở phần thủ tục ban đầu, xem còn thiếu sót thông tin gì chưa điền vào đầy đủ không? Trên bài thi, phiếu trả lời trắc nghiệm đã có đủ chữ kí của hai giám thị coi thi chưa?

5. Nộp bài

Khi tiếng chuông báo hiệu đã hết giờ làm bài, các bạn cần giữ trật tự và nộp bài theo lệnh gọi của giám khảo coi thi. Khi nộp bài nhớ ghi chính xác số tờ lên biên bản (danh sách) thu bài và kí tên đúng chỗ.

Trước khi rời phòng thi cần kiểm tra xem có bỏ quên giấy tờ tuỳ thân hay thẻ dự thi gì không. Có không ít bạn sau khi nộp bài xong vội vã lo về, bỏ quên nhiều thứ giấy tờ quan trọng mà không hề hay biết.

Tóm lại, khi vào phòng thi bạn cần giữ tinh thần thoải mái, bình tĩnh, tự tin để “khai quật tiềm năng” vốn có của mình, nhằm làm bài thi đạt kết quả cao nhất. Làm thủ tục ban đầu – Đọc kĩ đề – Giải đề cẩn thận – Kiểm tra lại – Nộp bài đúng quy định, đó là năm giai đoạn không thể xem nhẹ trong quá trình làm bài thi. Chúc các bạn luôn thành công!


1
Bạn cần hỗ trợ tuyển sinh?