Thông tin tuyển sinh

Tư vấn tuyển sinh các chương trình đào tạo bằng kép

Chào mừng quý vị và các bạn đến với chương trình tư vấn trực tuyến tuyển sinh đại học hệ chính quy khoá 2014 các chương trình đào tạo bằng kép của Trường ĐHKHXH&NV.

Chương trình bắt đầu từ 17h ngày 08/9/2014.

Hỏi: Em là sinh viên k58 sư phạm ngữ văn , em dự định học bằng kép văn học , em xin hỏi là cách tính điểm trung bình chung tính từ đầu khóa học là cộng điểm 2 học kì 131 và học kì 132 vào hay như thế nào ạ ? em xin cảm ơn! (Đoàn Văn Hợi, SV Sư phạm ngữ văn)

ThS Đinh Việt Hải: Điểm trung bình chung học tập để xét đăng ký vào CTĐT bằng kép là điểm trung bình của tất cả các môn đã học với trọng số (số tín chỉ) tương ứng kể từ đầu khóa học cho đến thời điểm xét hồ sơ. Em lưu ý điểm này không phải là trung bình cộng của 2 học kỳ trong năm học 2013 – 2014.

Hỏi: Nếu như em học bằng kép thì những môn học thuộc khối kiến thức chung thì em có phải học lại không ạ, hay chỉ chú tâm tới khối kiến thức chính của ngành thứ hai ạ? (Vũ Thu Lê, SV Tâm lý học)

Em muốn hỏi là khi nhập học xong thì e sẽ theo học ngành thứ nhất, thì ngành thứ hai em chọn sẽ học song song cùng luôn, hay là khi hết học kì một của ngành thứ nhất và nhà trường xét đủ điều kiện thì em mới được học thêm ngành thứ 2 ạ ?

ThS Đinh Việt Hải: Đối với những môn học chung giữa hai chương trình đào tạo thì em không cần phải học lại với những môn em đã tích lũy tín chỉ (đạt từ điểm D trở lên) tại ngành thứ nhất. Kết quả môn học sẽ được tích lũy cho cả 2 CTĐT. Em phải học tất cả những môn của CTĐT ngành thứ hai nếu em chưa tích lũy ở ngành thứ nhất.

Nếu đang học từ học kỳ ba đến học kỳ bẩy của ngành thứ nhất thì em được phép đăng ký học ngành thứ hai. Sau khi trúng tuyển ngành thứ hai, em sẽ được hướng dẫn để đăng ký học song song cùng lúc hai ngành đào tạo. Cần lưu ý hơn cả là khi học song song cả hai ngành, nếu có 1 học kỳ mà 1 trong 2 ngành đạt trung bình chung dưới 2.00 thì sẽ phải ngừng học ngành thứ hai em nhé.

Hỏi: Nếu như em được học lớp tâm lý học chất lượng cao, hoặc lớp Pháp ngữ chuyên ngành tâm lý học lâm sàng thì em có được học bằng kép bình thường không ạ? (Vũ Thu Lê, SV Tâm lý học)

ThS Đinh Việt Hải: Theo quy định hiện hành của ĐHQGHN, sinh viên học các CTĐT chất lượng cao chỉ được học duy nhất 1 ngành thứ hai là ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ em nhé. Còn nếu em học lớp Pháp ngữ chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng nhưng không phải là sinh viên CTĐT chất lượng cao ngành Tâm lý học thì em được chọn học ngành thứ hai của Trường Đại học KXHH&NV (Báo chí, Khoa học quản lý, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quốc tế học) và của Trường Đại học Ngoại ngữ (Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc).

Hỏi: Em đang rất quan tâm đến việc học bằng kép tại trường ta. Em đang học Công tác xã hội, em chỉ có 2 câu hỏi đã rất thắc mắc từ trước, hôm nay muốn được hỏi thầy cô ạ.
1. Em rất thích ngành Tâm lý học, vì nó có sự liên kết khác thông nhất với ngành học của em, nhưng theo em theo dõi 1 năm trước đến bây giờ, trường vẫn không có ngành Tâm lí học bằng kép? Đó là vì sao ạ?
2. Nếu như bây giờ em có nguyện vọng học bằng Báo chí, thì em sẽ phải học thêm bao nhiêu tín tất cả ? Những môn chung em đã học kì vừa qua, có được miễn hay không ạ ? Và tính điểm sẽ như thế nào với cả học ngành chính và bằng kép.
Em xin chân thành cảm ơn Thầy cô. Mong sự trả lời sớm của Thầy cô ạ.
(Lương Thị Thanh Hà, SV Công tác xã hội)

ThS Đinh Việt Hải: Ngành Tâm lý học đúng là chưa có CTĐT bằng kép theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, tới đây ĐHQGHN sẽ ban hành quy chế đào tạo đại học mới thì có thể các em sẽ có cơ hội theo học. Chúng ta cùng chờ quy chế mới chính thức ban hành trong tháng 09/2014 này xem sao nhé.

Nếu em học ngành thứ hai là ngành Báo chí thì em sẽ học thêm 84 tín chỉ. Hiển nhiên những môn giống nhau giữa ngành Công tác xã hội và ngành Báo chí thì em chỉ cần tích lũy tín chỉ một lần duy nhất. Kết quả của những môn này được sử dụng như nhau khi tính điểm cho từng ngành đào tạo.

Hỏi: Cách phân bổ thời khoá biểu và thời gian giữa hai ngành học? Cách xét lớp theo ngành? (Đỗ Thu Vân, SV Trường ĐHKHXH&NV)

ThS Đinh Việt Hải: Đây là câu hỏi rất… đáng hỏi em ạ. Nếu không rõ về điều này, việc chuẩn bị học hai ngành một lúc lại nghĩ là chẳng khó khăn gì thì không ổn tẹo nào.

Nguyên tắc chung là thời khóa biểu của ngành thứ hai em sẽ chủ yếu học cùng với sinh viên ngành thứ nhất. Ví dụ, em học ngành Báo chí và nay muốn học ngành thứ hai là Quốc tế học thì các lớp mở cho sinh viên ngành Quốc tế học cũng đồng thời là mở lớp cho em học giống như hiện tại em đang thấy trong thời khóa biểu toàn trường mỗi khi đăng ký học. Khi không thể có khả năng để các em đăng ký tích hợp với sinh viên học Quốc tế học (ngành thứ nhất) thì nhà trường mới xem xét mở lớp dành riêng cho sinh viên bằng kép.

Khi làm thời khóa biểu nếu có một số đông sinh viên cùng ngành cùng khóa học cùng học chung một ngành thứ hai thì phòng Đào tạo sẽ cố gắng để thời khóa biểu không trùng giờ, giúp cho sinh viên đăng ký được thuận lợi nhưng nếu số sinh viên đó không nhiều thì việc này là không thể.

Hỏi: Em muốn hỏi là trong chương trình đào tạo bằng kép ngành Báo Chí của trường mình thì để tốt nghiệp Ngành này cần tích lũy ít nhất bao nhiêu tín chỉ ạ? (Hoàng Thị Mai Phương, SV Trường ĐH Ngoại ngữ)

ThS Đinh Việt Hải: Không có ít nhất bao nhiêu tín chỉ mà chỉ có duy nhất thôi em nhé. Với sinh viên ngành Tiếng Ả rập của Trường Đại học Ngoại ngữ thì khi học ngành thứ hai là Báo chí ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì cần tích lũy 104 tín chỉ.

Hỏi: Em vừa thi xong và trúng tuyển kì thi đại học 2014 vừa rồi, Em trúng tuyển ngành Du lịch và Lữ hành,e muốn hỏi:
1, Nếu đăng kí chương trình đào tạo bằng kép thì em nên chọn ngành nào phù hợp với ngành thư nhất của em ạ ?.
2, Thời gian nhận đăng kí chương trình đào tạo bằng kép bắt đàu từ khi nào ạ ?
(Nguyễn Thành Thăng, SV Trường ĐHKHXH&NV)

ThS Đinh Việt Hải: Chúc mừng em đã trúng tuyển vào Trường Đại học KHXH&NV.

Sau 1 năm nữa, nếu em muốn học thêm một ngành thứ hai thì việc chọn ngành phù hợp với ngành thứ nhất (còn phù hợp với năng lực của em hay không là chuyện khác nhé) theo Thầy có thể là ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc hoặc ngành Khoa học quản lý.

Em cứ biết là phải học xong ít nhất 2 học kỳ chính ở Trường Đại học KHXH&NV rồi mới được đăng ký học ngành thứ hai nếu học lực của em đạt từ loại khá trở lên. Đó là điều kiện tối thiểu em nhé.

Hỏi: Sinh viên ĐH Ngoại ngữ đăng ký bằng kép của trường thì có được học tại trường Ngoại ngữ không hay bọn em sẽ học ở trường Nhân văn ạ? Em xin cảm ơn. (Trần Ngọc Quỳnh, SV Trường ĐH Ngoại ngữ)

ThS Đinh Việt Hải: Việc học một ngành học chắc không chỉ giới hạn trong 1 cái giảng đường mà còn là hệ thống học liệu cùng nhiều nguồn lực khác. Hơn nữa, sinh viên ngành thứ hai sẽ học chung thời khóa biểu với ngành thứ nhất và em biết rồi đấy, ngành thứ nhất rất nhiều lớp không được mở ở Trường Đại học Ngoại ngữ đúng không?

Hỏi: Em học ngành sư phạm lịch sử thì e có được học thêm một bằng cơ sở văn hóa ở khoa lịch sử không ạ, nếu em học như vậy thì e có phải học lại từ đầu không ạ. Em xin cảm ơn ạ. (Kiều Thị Viễn, SV Trường ĐH Giáo dục)

ThS Đinh Việt Hải: Chào em, em nên tìm hiểu kỹ, nhớ đúng và hỏi chính xác điều em muốn hỏi nha. Thầy hiểu là em đang nói đến chuyên ngành Lịch sử văn hóa của ngành Lịch sử. Nếu đúng như vậy thì khi em học ngành thứ hai là ngành Lịch sử, em chỉ còn làm tiếp 1 bước nữa là chọn chuyên ngành Lịch sử văn hóa để theo học mà thôi.

Hỏi: Thưa các thầy cô, công việc mà em muốn theo đuổi là tổ chức các sự kiện từ quy mô nhỏ như lễ ra mắt sản phẩm, quảng bá… đến quy mô lớn như chương trình ca nhạc, giải trí… Theo như em được biết thì cần phải học ngành quan hệ công chúng, nhưng tuyển sinh bằng kép lại không có ngành đó. Em đã xem qua khung chương trình đào tạo của ngành báo chí và quan hệ công chúng thấy có nhiều điểm tương đồng, quan hệ công chúng là một chuyên ngành của báo chí. Vậy em đăng ký học báo chí là được đúng không ạ? Cám ơn các thầy cô! (Đỗ Thùy Dung, SV Trường ĐH Ngoại ngữ)

ThS Đinh Việt Hải: Đăng ký ngành Báo chí hay ngành nào có đúng không phụ thuộc vào mục tiêu nghề nghiệp mà em theo đuổi cũng như năng lực của em. Qua lập luận của em thì Thầy thấy việc em chọn ngành Báo chí là ngành học thứ hai để có thể làm những công việc như em mô tả là phù hợp bởi chính chuẩn đầu ra của ngành Báo chí cũng như chương trình đào tạo ngành này cũng có chuyên ngành Quan hệ công chúng – Quảng cáo mà. Tất nhiên, học sâu một ngành Quan hệ công chúng cũng có khác biệt nhưng biết rộng cũng có nhiều điều hữu ích và tạo khả năng thích ứng tốt em ạ.

Hỏi: 1. Ngành tâm lý học có thể học bằng kép với ngành Báo chí không?
2. Khi học bằng kép với ngành báo chí có thể chọn chuyên ngành như các bạn học báo chí là ngành học thứ nhất không?
3. Với ngành thứ nhất là Tâm lý học, em nên học ngành kép là Báo Chí, Khoa học quản lí hay Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành?
(Tống Ngọc Trâm, SV Trường ĐHKHXH&NV)

ThS Đinh Việt Hải: Sinh viên Tâm lý học học ngành thứ hai là Báo chí thì cần tích lũy 84 tín chỉ. Việc chọn chuyên ngành cũng như sinh viên học Báo chí là ngành thứ nhất.

Em nên học ngành thứ hai là ngành nào tùy thuộc vào mục tiêu nghề nghiệp của em chứ. Ví dụ em muốn làm lãnh đạo quản lý, kinh doanh thì nên học Khoa học quản lý hoặc em muốn làm phóng viên thì chắc không phải chọn ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành rồi đúng không?

Hỏi: 1. Bằng tốt nghiệp của em sẽ ghi tên bằng thứ nhất và cả tên bằng kép hay em sẽ có 2 bằng tốt nghiệp ạ?
2. Thời khóa biểu cho lớp học bằng kép thường sẽ diễn ra vào buổi tối trong các kì học hay diễn ra cùng lớp học hè ạ?
Em cảm ơn ạ!
(Trần Mỹ Linh, SV Trường ĐHKHXH&NV)

ThS Đinh Việt Hải: Em tốt nghiệp ngành thứ nhất thì được xét tốt nghiệp ngành thứ hai. Nếu tốt nghiệp cả 2 ngành thì em sẽ có cả hai bằng tốt nghiệp đại học.

Về thời khóa biểu thì em tham khảo các câu trả lời đã có ở trên em nhé.

Hỏi: Tổng số tín chỉ ( môn học) và thời gian học trong vòng bao lâu. (Hoàng Thu Hằng, SV Trường ĐH Ngoại ngữ)

ThS Đinh Việt Hải: Sinh viên Ngôn ngữ Anh học ngành thứ hai là Báo chí sẽ phải tích lũy 104 tín chỉ. Thời gian học của sinh viên tối đa là bằng thời gian tối đa của ngành thứ nhất, tức là nếu em nhập học năm 2014 thì khi học ngành thứ hai, em được phép học tối đa là đến 2020 là phải tốt nghiệp. Còn nếu ngay sau năm thứ nhất em học ngành thứ hai thì thực tế cho thấy thường là sau 1 học kỳ tốt nghiệp ngành thứ nhất là sinh viên đã có thể tốt nghiệp ngành thứ hai.

Hỏi: Em muốn hỏi chi tiết về ngành Quốc tế học (Phan Hợp Tâm Anh, SV Trường ĐH Ngoại ngữ)

ThS Đinh Việt Hải: Câu này khó trả lời quá. Bước đầu là mời em đọc thông tin về ngành Quốc tế học. Bước thứ hai là em đặt câu hỏi tiếp em nhé.

Hỏi: Em là sinh viên của trường Đại học Giáo Dục, vậy em có được đăng kí học bằng kép báo chí không ạ? Em xin cảm ơn thầy! (Đỗ Thị Thuy, SV Trường ĐH Giáo dục)

ThS Đinh Việt Hải: Rất tiếc là đến giờ, Trường Đại học KHXH&NV và Trường Đại học Giáo dục mới chỉ có chương trình đào tạo bằng kép cho sinh viên ngành Văn học với Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử với Sư phạm Lịch sử thôi em ạ.

Hỏi: Ngành học của tôi có thể học kép được với những ngành nào trong các ngành trên?
Nếu học bằng kép tôi có thể được nhận học bổng ở bằng kép khi có kết quả học tập xuất sắc không?
Thời gian học các môn học ở bằng kép là bao nhiêu? Liệu có trùng với thời gian học ngành đầu của tôi không?
Các môn học ở bằng kép giống với các môn ở ngành đầu có phải học lại không?
Cơ hội khi học bằng kép khoa học quản lý?
(Bùi Phương Thảo, SV Trường ĐHKHXH&NV)

ThS Đinh Việt Hải:

Chào em, có lẽ em nên học cách đặt câu hỏi cho chỉn cu hơn nhé. Em là sinh viên ngành Quốc tế học và nên học ngành thứ hai là ngành nào thì em tham khảo câu trả lời đã có ở trên cho những câu hỏi tương tự của em. Hiện tại, sinh viên bằng kép chưa có chính sách học bổng. Các câu hỏi tiếp theo thì em cũng tham khảo những câu trả lời đã có. Câu hỏi cuối cùng thì em có thể nói rõ hơn là em muốn nói đến cơ hội gì không?

Hỏi: Em có một số băn khoăn về chương trình đào tạo bằng kép là:
1. Hình thức đăng ký môn học có giống như ngành đào tạo thứ nhất em đang theo học không ạ (Đăng ký qua portal)? Nếu như đăng ký học qua portal, khi em đã tốt nghiệp ngành học thứ nhất (không còn là sinh viên của trường ĐH Ngoại ngữ nữa) thì sẽ đăng ký học như thế nào?
2. Học bằng kép có áp đặt số tín chỉ tối thiểu/tối đa cho mỗi học kỳ không?
3. Hệ số học phí học lại/học cải thiện điểm là bao nhiêu?
4. Học bằng kép có bắt buộc phải học học kỳ hè không?
5. Vào kỳ thi cuối kỳ, nếu như lịch thi của 2 trường trùng nhau thì sẽ xử lý như thế nào?
6. Và nếu như vì lí do nào đó em thôi học bằng kép em có phải bồi thường kinh phí đào tạo không ạ?
(Trần Thị Hương, Trường ĐH Ngoại ngữ)

ThS Đinh Việt Hải: Em có những câu hỏi rất cần thiết, Thầy trả lời như sau:

1. Đăng ký qua portal sinh viên một cách bình thường. Khi cần thiết, phòng Đào tạo sẽ hỗ trợ cho sinh viên trong việc đăng ký qua việc sinh viên điền phiếu đăng ký. Khi em đã tốt nghiệp ngành thứ nhất thì tài khoản sinh viên ngành thứ nhất hết hiệu lực nhưng tài khoản của sinh viên ngành thứ hai thì vẫn hoạt động bình thường cho đến khi em … tốt nghiệp.
2. Trong một học kỳ, ngoài thời lượng của ngành thứ nhất, với ngành thứ hai, Nhà trường định hướng cho sinh viên học khoảng 12 -15 tín chỉ/học kỳ. Sẽ không có việc áp đặt (trừ những trường hợp đặc biệt như sức học yếu nhưng học quá nhiều, đã tư vấn mà không tiếp thu …) mà chỉ có sự tư vấn, hỗ trợ và đồng hành mà thôi.
3. Đối với ngành thứ hai hiện tại học lại, học cải thiện điểm cùng hệ số học phí với học lần đầu.
4. Học kỳ hè là một trong những khoảng thời gian chắc chắn được sử dụng cho ngành học thứ hai.
5. Khi làm lịch thi, phòng Đào tạo luôn căn cứ vào lịch thi ở ngành thứ nhất để sắp xếp và đồng thời, tuân thủ 1 nguyên tắc là sinh viên thi để sống chứ không phải sống để mà thi em nhé.
6. Hiện giờ chưa có nguồn kinh phí nào ngoài học phí do sinh viên nộp cho việc học bằng kép nên cũng chưa có quy định bồi hoàn nào cả.

Do thời gian có hạn nên chương trình xin được tạm dừng tại đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi còn lại trong thời gian sớm nhất!


1
Bạn cần hỗ trợ tuyển sinh?