Thông tin tuyển sinh
Trực tuyến: Tư vấn tuyển sinh sáng 14/3
Chào mừng quý vị và các bạn tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh đại học trực tuyến sáng 14/3.
Chương trình tư vấn hôm nay dành riêng cho các ngành Công tác xã hội, Xã hội học, Lưu trữ học, Tâm lí học, Thông tin học, Khoa học quản lí.
Ban tư vấn hôm nay có các Thầy, Cô:
1. TS Trịnh Văn Tùng – Ngành Công tác xã hội, ngành Xã hội học
2. ThS Nguyễn Văn Lượt – ngành Tâm lí học
3. ThS Lê Tuấn Hùng – ngành Lưu trữ học
4. TS Đào Thanh Trường – ngành Khoa học quản lí
5. PGS.TS Trần Thị Quý – ngành Thông tin học
6. PGS.TS Nguyễn Văn Chính – ngành Ngôn ngữ học
7. ThS Đinh Việt Hải – Phó Trưởng phòng Đào tạo
Hỏi: Thưa thầy cô, lực học của em vào dạng khá. Em rất yêu thích ngành tâm lí học. Nhưng theo em biết hiện tại ngành này không được phát triển lắm ở VN vậy nên bố mẹ em không đồng ý cho em được học về nó. Xin thầy cô có thể phân tích và nói rõ cho em về quá trình học cũng như cơ hội sau ra trường khi học về Tâm lí học, để em có thể thuyết phục được bố mẹ ạ. (Lê Thu Hà, Sjandelf4ever@***.com)
ThS Nguyễn Văn Lượt:
Chào bạn,
Tâm lí học không còn là một ngành khoa học còn non trẻ ở Việt Nam. Ở Trường Đại học KHXH&NV ngành Tâm lí học được đào tạo từ năm 1991. Ở Việt Nam hiện nay có gần 10 trường Đại học đào tạo về Tâm lí học với số lượng sinh viên tốt nghiệp khoảng gần 500 người/1 năm, đó là chưa kể bậc đào tạo sau đại học. Khoa Tâm lí học tại KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đi đầu ở Việt Nam trong đào tạo chuyên sâu về Tâm lí học. Khoa đã có kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học tâm lí hơn 20 năm.
Nếu bạn trở thành SV của Khoa Tâm lí học, bạn sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn nói chung và ngành Tâm lí học nói riêng (trong 3 năm đầu), đến năm thứ tư bạn được lựa chọn theo 1 trong bốn hướng chuyên sâu là Tâm lí học xã hội, Tâm lí học quản lí – kinh doanh, Tâm lí học lâm sàng hoặc Tâm lí học tham vấn. Ngoài việc sử dụng các nguồn lực chung của nhà trường, SV Khoa Tâm lí học còn được sử dụng phòng tư liệu của Khoa với số lượng tài liệu tham khảo đa dạng, phong phú. Đặc biệt SV có cơ hội thực hành các tri thức trên giảng đường tại phòng thực nghiệm Tâm lí học của Khoa với trang thiết bị hiện đại.
Về cơ hội việc làm, sau khi tốt nghiệp ngành Tâm lí học, bạn có thể làm những công việc sau: cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo (Trung cấp, Cao đẳng, Đại học); cán bộ nghiên cứu tại các Trung tâm, Viện nghiên cứu; chuyên viên tư vấn/tham vấn tâm lí tại các Trung tâm tư vấn/tham vấn tâm lí; chuyên viên tư vấn Tâm lí học đường tại các trường học v…v…
Sau khi tốt nghiệp, bạn cũng có nhiều cơ hội theo học các chương trình đào tạo Sau đại học tại Khoa của Việt Nam và Pháp.
Hỏi: Nếu học Khoa tâm lí học ra trường thì có thể làm những công việc gì và cơ hội kiếm việc làm có nhiều không? (Đinh Kim Ngọc, sweetdream_bgg@***.com.vn)
ThS Nguyễn Văn Lượt:
Chào bạn,
Dưới đây là các địa chỉ, vị trí công việc mà SV tốt nghiệp ngành Tâm lí học đang đảm nhận trên thị trường lao động:
– Trong các cơ sở đào tạo (làm giáo viên giảng dạy Tâm lí học tại các Trường Cao Đẳng, Đại học…);
– Trong các cơ sở nghiên cứu (làm cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Tâm lí học, các Tổ chức Phi chính phủ trong và ngoài nước…);
– Trong các công ti, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lí (Làm tư vấn viên, cán bộ trị liệu…);
– Trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (Nhân viên phòng Nhân sự; Phòng Marketting; Thiết kế quảng cáo, Nghiên cứu thị trường…);
– Trong các bệnh viện (làm cán bộ trị liệu tâm lí cho trẻ em và người lớn);
– Trong các tổ chức đoàn thể, chính quyền (cán bộ Đoàn, Đảng, cán bộ tuyên giáo…) ở các địa phương trong cả nước.
Về tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, kết quả khảo sát thực trạng tình hình việc làm của SV ra trường tiến hành năm 2011 (do phòng CT&CTSV Nhà trường tiến hành) cho thấy, 90.2% có việc làm; 89.7% SV có việc làm sau 6 tháng kể từ ngày tốt nghiệp. Mức thu nhập trung bình của SV mới ra trường từ 3-5 triệu/tuỳ vị trí công việc.
Hỏi: nganh khoa hoc quan li co dao tao chuyen sau ve mot linh vuc nao do ko a ! va ra truong cu nhan khoa hoc quan li co the lam viec o nhung dau a? em cam on cac thay co !
TS Đào Thanh Trường:
Chào em,
Chương trình đào tạo ngành Khoa học quản lí nhằm mục tiêu đào nguồn nhân lực quản lí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Sinh viên học ngành KHQL sẽ được được cung cấp một cách có hệ thống các kiến thức về lí luận và các phương pháp quản lí, lãnh đạo; kiến thức về khoa học quản lí và những khoa học liên ngành khác.
Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được cung cấp những nhóm kĩ năng về quản lí như ra quyết định; phân tích chính sách; kĩ năng trình bày, kĩ năng giao tiếp và cộng tác trong công việc…
Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ có được năng lực phân tích và đánh giá; có khả năng tổ chức, huy động và thuyết phục đối tượng quản lí thực hiện mục tiêu của tổ chức.
Khi tham gia học ngành KHQL các bạn sẽ có cơ hội lựa chọn một số hướng chuyên môn sâu sau:
– Quản lí nguồn nhân lực
– Quản lí Khoa học và Công nghệ
– Quản lí Sở hữu trí tuệ
– Quản lí hành chính
– Quản lí các vấn đề xã hội và chính sách xã hội
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành khoa học quản lí có thể tham gia công tác tại một số vị trí sau:
– Vị trí quản lí, tư vấn quản lí, tác nghiệp trong các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan nhà nước khác ở trung ương hoặc địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, các tổ chức phi chính phủ, Cụ thể:
+ Vị trí chuyên viên/quản lí tại các uỷ ban nhân dân xã, phường, quận, huyện, tỉnh
+ Vị trí chuyên viên/quản lí tại các sở, ban, ngành
+ Vị trí chuyên viên quản lí tại các phòng/ban nhân sự của các doanh nghiệp…
Hỏi: Thưa ban tư vấn, em muốn hỏi ngành Tâm lí học của trường bao gồm những chuyên ngành nào? Sau khi học xong Đại học liệu em có để học cao và chuyên sâu hơn về một chuyên ngành ví dụ như Tâm lí học ứng dụng, Tâm lí học quản lí, Tâm lí lượng,… không ạ? Em nên chuẩn bị điều gì để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của ngành học? (Nguyễn Thuỳ Trang)
ThS Nguyễn Văn Lượt:
Chào em,
Ngành Tâm lí học ở trường Đại học KHXH&NV hiện nay đang đào tạo theo hướng: 3 năm đầu SV học các kiến thức, kĩ năng chung về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn nói chung và tâm lí học nói riêng. Đến năm thứ 4 SV sẽ được lựa chọn theo 1 trong 4 hướng chuyên sâu gồm: Tâm lí học xã hội, Tâm lí học quản lí – kinh doanh, Tâm lí học lâm sàng hoặc Tâm lí học tham vấn.
Về cơ hội học tập sau tốt nghiệp, bạn có thể lựa chọn theo học 1 trong 3 chương trình đào tạo thạc sĩ gồm: thạc sĩ tâm lí học, thạc sĩ tâm lí học lâm sàng (do Việt Nam cấp bằng) hoặc chương trình thạc sĩ Tâm lí học lâm sàng trẻ em và thanh thiếu niên (do Pháp cấp bằng). Ngoài ra, SV còn có cơ hội nhận học bổng du học tại Pháp, Nga và một số nước khác. Sau tốt nghiệp thạc sĩ, bạn cũng có thể theo học chương trình đào tạo tiến sĩ tâm lí học tại Khoa.
Các phẩm chất cần có của nhà tâm lí học:
– Tôn trọng và yêu thương con người
– Tinh thần tự học, làm chủ bản thân
– Có tinh thần vì cộng đồng, thân thiện với môi trường
– Tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề tâm lí (giữ bí mật, vì lợi ích của khách hàng, trung thực, tôn trọng khách hàng)
Hỏi: + E là sinh viên trường đại học văn hoá hà nội từng theo học ngành phát hành xuất bản phẩm, nhưng hiện nay e muốn theo học khoá học chuyên ngành công tác xã hội hoặc ngành xã hội học thì có được ko? và trường có mở lớp chuyển đổi ngành ko a? (Lê Thị Hải)
+ E xin chào các thầy cô trong tổ tư vấn a: e là sinh viên đã ra trường được 2 năm rồi, và đã đi làm tại công ti cổ phần văn hoá phương nam, chuyên ngành của e là “phát hành xuất bản phẩm” nay e muốn đổi và học 2 ngành “công tác xã hội”hoặc ngành “xã hội học” thì có được không a? và nhà trường có mở lớp chuyển đổi ko? (Lê Thị Hằng)
TS Trịnh Văn Tùng:
Nếu em đã có bằng cử nhân ngành xuất bản phẩm, thì em có thể theo học chuyển đổi sang ngành Xã hội học hoặc Công tác xã hội. Số tín chỉ chuyển đổi là 27 tín chỉ đối với chuyên ngành gần. Đối với chuyên ngành của em, em có thể học chuyển đổi khoảng 40 tín chỉ để có bằng cử nhân Xã hội học hoặc Công tác xã hội. Tuy nhiên, Khoa Xã hôi học chỉ tổ chức lớp chuyển đổi khi có từ 10 sinh viên đăng kí trở lên.
Hỏi: Nganh xa doi hoc la lam nhung viec gi va se lam viec o dau a? (Li Tieu Dan)
TS Trịnh Văn Tùng:
Em có thể làm việc ở các cơ quan như:
- Bộ – Sở – Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội, các UỶ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, của tỉnh v.v…
- Các Trung tâm Bảo trợ Xã hội.
- Các Tổ chức Phi chính phủ Quốc tế nếu giỏi ngoại ngữ
- Các Trường Đại học và Cao đẳng
- Các Trung tâm, Viện nghiên cứu
Em có thể làm những việc sau:
- Tư vấn xã hội
- Tư vấn xây dựng chính sách xã hội
- Giảng viên Đại học, Cao đẳng
- Nghiên cứu viên
- Cố vấn quản lí nhân sự
- Nhà báo, phóng viên viết chuyên đề xã hội
Đây là ngành phân tích và tìm hiểu con người nên có thể ứng dụng được vào rất nhiều ngành khác nhau. Thầy cô khuyên em tìm hiểu về của chị Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải, cựu sinh viên) với bộ ảnh The Pink Choice, em sẽ thấy kiến thức và kĩ năng xã hội học ứng dụng rất rộng rãi.
Hỏi: Em đang băn khoăn giữa 2 ngành Nhân học và Xã hội học, thầy cô có thể cho em biết học 2 ngành này là học về cái gì ạ? Ngành Nhân học sau khi ra trường có dễ xin việc không? em xin cảm ơn (Nguyễn Thu Nguyệt)
TS Trịnh Văn Tùng:
Ở nước ngoài, hai ngành xã hội học và nhân học thường được tổ chức trong cùng một khoa. Điều đó chứng tỏ rằng câu hỏi của em rất hay và thông minh. Ở trường ĐHKHXH&NV, hai ngành này được tổ chức đào tạo trong cùng một khối ngành nên nhiều kiến thức và kĩ năng gần gũi và đan xen nhau. Vì vậy em có thể đăng kí thi vào Xã hội học hoặc Nhân học. Nếu em đậu được vào một trong hai ngành này, em có nhiều thuận lợi để học bằng kia trong thời gian học đại học như các bạn khác.
Hỏi: Thưa các thầy cô cho em hỏi cơ hội việc làm của ngành lưu trữ học và ngành đông phương học ngành nào cao hơn và ngành nào phổ biến hơn sau bốn năm nữa? em xin chân thành cám ơn quý thầy cô.
ThS Lê Tuấn Hùng:
Chào bạn.
Công tác lưu trữ hiện nay đã được luật hoá bằng Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13, năm 2011. Theo đó, tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân đều phải tổ chức công tác lưu trữ.
Trên cơ sở các quy định của Luật này, chắc chắn trong thời gian sắp tới, nhu cầu về nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực lưu trữ sẽ tăng cao. Vậy, chắc bạn cũng đã có cái nhìn ban đầu về cơ hội nghề nghiệp của mình sau khi ra trường.
Theo thống kê của chúng tôi trong nhiều năm trở lại đây, sinh viên tốt nghiệp ngành Lưu trữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ra trường có cơ hội việc làm tại hệ thống các cơ quan lưu trữ như: Cục Văn thư – Lưu trữ Nhà nước, các Trung tâm lưu trữ Quốc gia, các Chi cục Văn thư – Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bạn cũng có cơ hội việc làm tại Văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; các tập đoàn kinh tế, các tổng công ti. Nếu bạn có năng lực nghiên cứu và giảng dạy, bạn cũng sẽ có cơ hội việc làm tại các cơ sở có đào tạo về công tác lưu trữ.
Hỏi: Em rất muốn được vào học tại khoa tâm lí học của trường, nhưng bố mẹ em lại muốn em học ngành kế toán của ktqd. nếu đỗ cả 2 trường thì thật sự em ko biết lựa chọn học gì, bỏ ngành nào em cũng cảm thấy rất có lỗi. vậy xin hỏi em có thể học cả 2 trường đc ko ạ? (jade.hero.tvxq@***)
Thầy Nguyễn Văn Hồng – Phòng Đào tạo
Chào em,
Thầy rất vui vì em đã quan tâm đến ngành Tâm lí học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Theo Quy chế đào tạo hiện hành thì chưa có quy định nghiêm cấm việc em học cùng 1 lúc 02 trường, nhưng thầy nghĩ sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể học được vì những lí do sau đây:
+ Nếu em chỉ thi đại học theo 1 khối thi thì không thể cùng lúc thi vào 02 trường được (nhưng có thể nộp nhiều hồ sơ ĐKDT).
+ Khi nhập học, các trường đều yêu cầu sinh viên phải nộp bản gốc bằng tốt nghiệp và học bạ THPT để đối chiếu vì vậy em chỉ có thể chuẩn bị hồ sơ để nhập học 01 trường mà thôi.
+ Việc xung đột thời khoá biểu trong quá trình học đại học cũng sẽ khiến em không thể vừa học trường này vừa học trường khác được.
Chính vì vậy, thầy nghĩ em nên cân nhắc kĩ để chọn ngành học cho phù hợp. Việc tập trung vào học 1 ngành học cũng sẽ giúp em có kiến thức đầy đủ hơn về ngành học đó, giúp em có đầy đủ kĩ năng nghề nghiệp sau khi ra trường.
Chúc em thành công.
Hỏi: Cho e hoi hoc chuyen nganh xa hoi hoc can nhung yeu to nao va co hoi viec lam co cao khong a. (Phan_quynh272)
TS Trịnh Văn Tùng:
Để học chuyên ngành Xã hội học, em cần có những tố chất và điều kiện sau:
1. Cởi mở, thích hoạt động xã hội
2. Có khả năng và năng khiếu thâm nhập vào các nhóm dân cư khác nhau
3. Chấp nhận đi công tác ở nhiều địa phương
4. Có khả năng tổng hợp một vấn đề
5. Có năng lực giao tiếp xã hội tốt để tiếp cận nhiều đối tượng xã hội khác nhau, từ lãnh đạo đến người dân thường
6. Có ý thức giải quyết các bất công xã hội
…
Cơ hội việc làm:
Kiến thức và kĩ năng của ngành Xã hội học được ứng dụng rất rộng rãi ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá… Đối tượng phân tích và tìm hiểu của ngành này là hoạt động của con người, từ gia đình đến các tổ chức – doanh nghiệp. Do vậy, cơ hội làm việc của sinh viên ngành Xã hội học là rất cao.
Hỏi: Sinh viên Khoa Tâm lí học được hỗ trợ, chế độ gì trong quá trình đào tạo tại trường?
ThS Nguyễn Văn Lượt:
Chào bạn,
Khoa Tâm lí học có hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức để xây dựng mạng lưới các cơ sở thực hành, thực tập rộng khắp tại Hà Nội và các địa phương lân cận như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Trung tâm nghiên cứu tâm lí trẻ em N-T, Trường VIP School, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phòng khám Tuna, Ngôi nhà Bình Yên… Đây chính là sự đầu tư quan trọng nhất về điều kiện đào tạo của khoa, hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên trong phát triển nghề nghiệp.
Từ năm 2012, khoa được nhà trường đầu tư gần 1 tỉ đồng để xây dựng dự án phòng thực hành tâm lí học tại Trường (giai đoạn 1) để tăng cường nâng cao chất lượng các giờ thực hành trong đào tạo.
Khi trở thành sinh viên Khoa Tâm lí học, bạn có cơ hội được theo học chương trình đào tạo Tâm lí học Lâm sàng Pháp ngữ (Filière Universitaire Francophone de Psychologie Clinique, viết tắt là FUF Psycho.Clinique) đã được thành lập và bắt đầu được triển khai từ năm học 2001-2002. Đây là chương trình đào tạo giữa Khoa Tâm lí học (ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) và Đại học Toulouse II – Le Mirail (Cộng hoà Pháp) dưới sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á Thái Bình Dương (AUF), cùng với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Pháp, Thành phố Toulouse – Pháp, Hội vì sự Phát triển Giáo dục và Tâm lí học ở Đông Nam Á (ADEPASE)…Tổng số giờ Tiếng Pháp cơ sở dành cho sinh viên theo học chuyên ngành Đại học Pháp ngữ Tâm lí học lâm sàng sau 4 năm là 690 giờ, ngoài ra còn được làm khoá luận tốt nghiệp bằng tiếng Pháp (nếu đạt yêu cầu về tiếng và chuyên môn). Sinh viên học 7 môn học chuyên ngành bằng tiếng Pháp (tổng thời lượng 315 giờ). SV được hưởng các chế độ ưu tiên như với SV chất lượng cao. Sau khi tốt nghiệp được xem xét nhận học bổng do tổ chức AUF, Đại sứ quán Pháp để theo học các chương trình sau đại học tại Pháp. Tính đến năm 2011 đã có 120 SV tốt nghiệp chương trình này, có 10 SV nhận được học bổng của Đại sư quán Pháp và AUF để tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.
Một điều cần lưu ý là SV học chuyên ngành Tâm lí học lâm sàng Pháp ngữ đồng thời học chương trình Đào tạo Cử nhân Tâm lí học bằng Tiếng Việt.
Em đã tốt nghiệp ngành Lịch sử trường mình và bây giờ có nguyện vọng học văn bằng 2 ngành Xã hội học trường mình nhưng có mấy vấn đề chưa rõ nên rất mong nhận được sự tư vấn chi tiết từ Nhà trường. Em muốn hỏi rằng em đã ra trường rồi thì có được theo học văn bằng 2 tại trường không, nếu được thì em cần làm thủ tục như thế nào? Em rất mong nhận được câu trả lời qua thư điện tử cá nhân. Em xin cảm ơn và chúc thầy, cô vui khoẻ. (Đinh Thanh Tùng – dinhtung87his@***.com)
Thầy Nguyễn Văn Hồng – Phòng Đào tạo:
Hiện nay, Nhà trường mới đang triển khai đào tạo văn bằng 2 (cấp bằng cử nhân hệ vừa làm vừa học) cho 02 ngành Báo chí và Lưu trữ học. Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới trường chỉ tuyển sinh thêm 01 lớp văn bằng 2 ngành Báo chí tại Yên Bái, còn các lớp học tại Trường thì chưa có kế hoạch tuyển sinh.
Để tìm hiểu thêm về thủ tục thi văn bằng 2 và các thông tin tuyển sinh về loại hình đào tạo này, em liên hệ với bộ phận phụ trách không chính quy của Phòng Đào tạo theo số điện thoại: 04.3858 3957.
Hỏi: Các Thầy ơi, điểm chuẩn của ngành Ngôn ngữ học năm nay dự kiến là bao nhiêu ạ?
PGS.TS Nguyễn Văn Chính:
Năm nay, chỉ tiêu tuyển của khoa Ngôn ngữ học là 58 em. Hiện, khoa Ngôn ngữ học đang đào tạo hệ cử nhân Ngôn ngữ học đạt trình độ Quốc tế. Theo tiến trình học tập thì năm đầu tiên, các em sinh viên sẽ được tập trung học ngoại ngữ tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Những năm tiếp theo, các em sẽ trở lại học tập tại Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn. Các Thầy có thể khẳng định đây là một chương trình đào tạo hấp dẫn, mang đến cho các em một khối lượng kiến thức vừa phải theo đúng chuẩn Quốc tế, tạo thế mạnh cho các em trong tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Vì nhà trường mới bắt đầu tiến hành các bước nhận hồ sơ đăng kí dự thi của các em nên các thầy chưa thể đưa ra câu trả lời chính thức về dự kiến điểm chuẩn năm nay được. Khoa hiện đang tuyển sinh từ các khối A, D1,2,3,4,5,6 và C. Điểm chuẩn (nguyện vọng 1) năm ngoái là như sau: Khối A: 16, Khối D: 18,5 và khối C: 19. Các em tham khảo nhé. Chúc các em thành công trong kì thi tuyển năm nay.
Hỏi: Em sinh năm 1992, đã thi khoa Ngôn Ngữ Học trong kì thi tuyển sinh năm 2011 nhưng không đỗ. Năm nay em quyết tâm thi lại nhưng thi khoa Ngữ Văn. Kiên thức khối C của em đã rơi rụng khá nhiều, em xin hỏi thầy cô cách học như thế nào để có thể tự mình hệ thống được toàn bộ kiến thức 3 môn Văn Sử Địa? Em nên ôn môn nào trước? Và môn nào có thể ôn sau cùng? Em có nên luyện thi cấp tốc không? Em xin chân thành cảm ơn các quý thầy cô!
PGS.TS Nguyễn Văn Chính:
Em thân mến! Thầy là cựu sinh viên của khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây. Hiện khoa Ngữ Văn đã được tách thành hai khoa (từ 1996) là Khoa Văn học và khoa Ngôn ngữ học vì vậy em nên tìm hiểu để hoặc là thi vào Ngôn ngữ học hoặc là thi vào khoa Văn học. Chương trình học tập của hai khoa sẽ có khoảng hơn 50% các môn trùng nhau các môn còn lại được triển khai theo hướng chuyên sâu. Nếu em giỏi ngoại ngữ hoặc mong muốn giỏi ngoại ngữ (tiếng Anh) thì em nên thi vào khoa Ngôn ngữ học vì hiện sinh viên của khoa đang có nhiều ưu tiên hơn trong học tập và các cơ hội khác.
Hỏi: Cho em hỏi, học khoa NGÔN NGỮ HỌC thì mình sẽ được học về những gì?? Nghe tên khoa khá trìu tượng, vậy sau này có thể làm việc tại các cơ quan như thế nào ạ??? Khoa đòi hỏi trình độ tiếng anh ra sao??? Nêu sko đủ tiêu chuẩn của khoa liệu có bị “đuổi” ra khỏi khoa hay không
- Thông báo tuyển sinh
- Bồi dưỡng kiến thức
- Thông tin tuyển sinh
- Ngành đào tạo
- Đào tạo ngành 2 (bằng kép)
- Thông tin cần biết
- Thông tin tuyển sinh
- Chương trình đào tạo
- Bổ túc kiến thức
- Thông tin cần biết
- Tuyển sinh VLVH
- Thông tin cần biết
- Chọn ngành, chọn nghề
- Bí quyết học – thi
- Sức khoẻ mùa thi
- Tra cứu kết quả
- Tại sao chọn USSH
- Môi trường học tập
- Học phí - Học bổng
- Ký túc xá