Chọn ngành, chọn nghề
Tâm lí học lâm sàng Pháp ngữ – ngành học độc đáo
Được triển khai đào tạo từ năm 2001, Tâm lí học lâm sàng Pháp ngữ được xem là chương trình đào tạo mới đầu tiên có ở Việt Nam mang đến cho sinh viên những kiến thức và cơ hội việc làm vô cùng hấp dẫn. Đây cũng là ngành đào tạo độc đáo và riêng có tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Đào tạo có chọn lọc
Đó là những nhận xét của các bạn sinh viên đến từ khoa Tâm lí học. Khác với khung chương trình đào tạo của cả khoa, ngành Tâm lí học lâm sàng đào tạo bằng tiếng Pháp. Chương trình liên kết với Trường Đại học Toulouse II thuộc Cộng hoà Pháp dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Đại học Pháp Ngữ AUF.
Hiện nay, có rất nhiều trường đang đào tạo về ngành Tâm lí học như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Giáo dục, Công đoàn… với những chương trình giảng dạy và đào tạo gần giống nhau. Đáp ứng nhu cầu của xã hội và nâng cao cơ hội việc làm cho các sinh viên khi ra trường, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã mở một phân ngành mới trong khoa là Tâm lí học lâm sàng. Chương trình này hoàn toàn mới mẻ và nâng cao, chuyên sâu so với một mảng đào tạo lớn về ngành Tâm lí.
Để học chương trình này, chuẩn đầu vào của sinh viên được xét dựa trên việc đăng kí và lấy điểm thi đầu vào đại học từ cao xuống thấp. Việc chọn lọc những sinh viên có đầu vào tốt nhằm đào tạo ra một nguồn nhân lực thực sự có chất lượng.
Ngay từ những năm đầu tiên, các bạn sinh viên đã được trang bị tiếng Pháp bên cạnh những môn chung của trường. Đây là bước đệm để năm thứ 2, các em sẽ được tiếp cận nhiều hơn với chuyên ngành giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Pháp.
Bạn Vũ Hồng Hà Anh, sinh viên năm nhất của ngành Tâm lí học lâm sàng Pháp ngữ chia sẻ: “Em đăng kí học ở ngành Tâm lí Lâm sàng Pháp ngữ vì mình đã có vốn tiếng Anh giờ muốn học thêm một ngoại ngữ nữa. Bên cạnh đó, Tâm lí học lâm sàng vừa là ngành mới vừa là một ngành có triển vọng nghề nghiệp lớn sau khi ra trường”. Dù mới chỉ là năm nhất bắt đầu với việc học tiếng Pháp nhưng Hà Anh cảm thấy vô cùng thích thú với phương pháp đào tạo mới này.
Học đi đôi với “hành”
Với thời lượng 4 năm học, chương trình đào tạo chia cân đối thời gian học và thực hành. Sinh viên được đến đặn các cơ sở, trung tâm tư vấn để kiểm chứng những kiến thức mình được đào tạo.
Sinh viên được đào tạo để đáp ứng nhu cầu về can thiệp, đánh giá tâm lí, chẩn đoán giám sát tâm lí, đi kèm và dẫn dắt các bậc phụ huynh. Đặc biệt, ngay trong thời gian học, sinh viên học được làm việc với đội ngũ các nhà trị liệu và giáo dục.
Theo PGS.TS Trần Thu Hương (Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm lí học), đào tạo Tâm lí học lâm sàng ở Khoa có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là phần lớn các môn chuyên ngành do các giảng viên nước ngoài có kinh nghiệm và uy tín giảng dạy: “Ưu tiên của chương trình này là giúp xây dựng các chức năng lâm sàng và xã hội cho nhà tâm lí học thực hành; đào tạo chuyên sâu các nhà tâm lí thực hành làm việc với trẻ em, thanh thiếu niên, với các gia đình, cũng như làm việc với các nhà chuyên môn có liên quan tới những đối tượng trên”.
Cơ hội học liên thông
Có thể nói, việc liên kết đào tạo với các tổ chức quốc tế, trường đại học của Pháp là cơ hội lớn cho các bạn sinh viên ngành Tâm lí học lâm sàng tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ và văn hoá Pháp, được nhận nhiều hỗ trợ tốt trong học tập và việc làm sau khi ra trường. Sinh viên được hưởng nhiều chính sách của Cơ quan Đại học Pháp ngữ như: học bổng xã hội dành cho sinh viên xuất sắc, cơ hội học tập với các chuyên gia đến từ các trường đại học Pháp ngữ, học bổng thực tập nghề, thạc sĩ, tiến sĩ ở một trong các trường Đại học Pháp…
Cô Nguyễn Mai Anh hiện tại là giảng viên Khoa Tâm lí học và cũng là cựu sinh viên của Tâm lí học Lâm sàng Pháp ngữ chia sẻ với chúng tôi: học ngành Tâm lí học lâm sàng là một sự lựa chọn đúng đắn. Khác với các chương trình đào tạo hiện nay của nhiều trường tại Việt Nam, cô được học chuyên ngành bắt đầu ngay từ năm thứ 2 đại học chứ không phải năm 3. Không những vậy, việc học thêm một thứ tiếng nữa bên cạnh tiếng Anh khiến cơ hội việc làm nhiều hơn. Sau khi ra trường, sinh viên được nhận chứng chỉ Pháp ngữ do AUF cấp.
Theo PGS.TS Trần Thu Hương, sinh viên tốt nghiệp cử nhân Tâm lí học lâm sàng Pháp ngữ được công nhận tương đương với trình độ Thạc sĩ bậc 1 và có thể đăng kí trực tiếp vào các chương trình Thạc sĩ bậc 2 tại các trường đại học Pháp hoặc vào chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Pháp ngữ Tâm lí học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đây cũng là nguồn tuyển chọn chủ yếu cho các suất du học sau đại học bằng học bổng của nhà nước hoặc các chương trình hợp tác quốc tế của Trường. Phạm vi hoạt động của ngành này rất rộng liên quan đến nhiều lĩnh từ sức khoẻ, giáo dục, đào tạo cho đến định hướng nghề nghiệp, làm việc tại các trung tâm tư vấn, nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ đến các bệnh viện… Đây có thể coi là ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội duy nhất mà sinh viên có thể làm việc tại bệnh viện.
- Thông báo tuyển sinh
- Bồi dưỡng kiến thức
- Thông tin tuyển sinh
- Ngành đào tạo
- Đào tạo ngành 2 (bằng kép)
- Thông tin cần biết
- Thông tin tuyển sinh
- Chương trình đào tạo
- Bổ túc kiến thức
- Thông tin cần biết
- Tuyển sinh VLVH
- Thông tin cần biết
- Chọn ngành, chọn nghề
- Bí quyết học – thi
- Sức khoẻ mùa thi
- Tra cứu kết quả
- Tại sao chọn USSH
- Môi trường học tập
- Học phí - Học bổng
- Ký túc xá