Chọn ngành, chọn nghề

Các bạn trẻ mắc nhiều sai lầm trong chọn nghề

Cứ đến mùa tuyển sinh đại học, nhiều bạn trẻ lại lúng túng trước việc sẽ chọn ngành học và trường nào để thi. TS Phạm Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lí Trường ĐHKHXH&NV – chia sẻ một số thông tin về thực tế chọn nghề hiện nay, đồng thời phân tích tác động của việc chọn nghề không đúng ảnh hướng đến chất lượng đào tạo nói riêng và rộng hơn là chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của xã hội.

– TS đánh giá thế nào về việc chọn nghề của các bạn trẻ hiện nay?

Chọn nghề, hay nói đúng hơn là đi tìm sứ mệnh nghề nghiệp là một công việc lâu dài, khó khăn và không hề đơn giản. Nó đòi hỏi mỗi cá nhân phải dành nhiều thời gian, tâm sức để tìm hiểu và lựa chọn ra một lĩnh vực nghề nghiệp mà bản thân có nhiều cơ hội để theo đuổi, để phát triển và mang lại cho mình niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc chọn nghề của các bạn học sinh hiện nay mang nặng tính thực dụng như: nghề nghiệp này có dễ xin việc làm hay không, có thu nhập cao hay không, được làm việc ở thành phố hay không… chứ ít người chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng của bản thân.

Theo một kết quả nghiên cứu gần đây được chúng tôi thực hiện ở sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học, có đến 65,4% sinh viên chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn; 50,8% không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Chính vì thế, khi được hỏi về mức độ thoả mãn với nghề lựa chọn, có đến 75,6% sinh viên cho rằng biết họ ít thoả mãn với sự lựa chọn của mình, và một trong những nguyên nhân mà các em đưa ra là “vào học rồi em mới biết mình không hợp”; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau… Kết quả này cho thấy có một tỉ lệ khá lớn các bạn trẻ đã không chọn được đúng nghề như mong muốn của bản thân,

– Vậy những sai lầm phổ biến trong việc chọn nghề hiện nay của học sinh là gì, thưa TS?

Có thể thống kê một số sai lầm thường gặp trong việc lựa chọn nghề của các bạn học sinh hiện nay như sau:

Một và phổ biến là chọn nghề vì những lí do kinh tế, đặt nặng giá trị kinh tế. Nhiều bạn học sinh chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp mà mình yêu thích để lựa chọn một ngành học khác với suy nghĩ ngành học này ra trường dễ xin được việc hơn, thu nhập cao hơn.

Hai là nhiều bạn học sinh khi chọn nghề vẫn giữ quan niệm xưa cũ, lạc hậu như cho rằng nghề đào tạo ở bậc đại học thì dễ xin việc hơn nghề đào tạo ở bậc trung cấp. Nhiều bạn trẻ còn cảm thấy xấu hổ và thất bại khi phải học trung cấp hay ở những cơ sở đào tạo nghề. Ngày nay, thế giới việc làm đã mở rộng với nhiều ngành nghề khác nhau, ở mỗi ngành nghề lại đỏi hỏi trình độ chuyên môn đào tạo riêng. Có nghề đòi hỏi trình độ ở bậc đại học, sau đại học nhưng cũng có nghề chỉ cần ở trình độ trung cấp. Thực tế trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp qua đào tạo nghề ngày càng nhiều, do đó những bạn học trung cấp lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp đại học.

Chọn nghề theo sự thành công của người thân cũng là một trong những sai lầm thường gặp ở những học sinh đang sống trong gia đình mà có cha mẹ, người thân thành đạt trong xã hội. Cha mẹ và ngay cả bản thân các em cũng mong muốn được tiếp nối truyền thống gia đình, nhưng các bạn không biết rằng mỗi người có một năng lực, sở trường, tính cách riêng vì thế nghề này mang lại sự nghiệp cho người này nhưng chưa chắc sẽ giúp cho người khác thành công.

Chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu nước đến chân mới nhảy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này. Nhiều bạn học sinh ngay đến năm lớp 12 cũng chưa tìm hiểu và quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi. Các em cho rằng việc học tập mới là quan trọng, học càng tốt thì càng có nhiều cơ hội để thi vào các trường đại học mà không hiểu rằng khả năng học tập chỉ là điều kiện ban đầu, còn sau này khi ra trường có phát huy được những kiến thức đã học hay không lại cần có sự phù hợp giữa yêu cầu nghề nghiệp và năng lực, phẩm chất, sở thích của các em.

Học sinh Hà Nội tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2013. (Ảnh: Thành Long/USSH)

Học sinh Hà Nội tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2013. (Ảnh: Thành Long/USSH)

– Vậy khi chọn ngành học, thí sinh nên quan tâm đến những vấn đề gì?

Khi các bạn quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để xây dựng một sự nghiệp vững chắc cho bản thân và đóng góp cho xã hội, các bạn cần cẩn trọng tìm hiểu xem bản thân thực sự thích thú với loại công việc nào; năng lực sức khoẻ, thể chất của mình ra sao; mình thích làm việc trong môi trường như thế nào; mong muốn về tiền lương, cơ hội thăng tiến ra sao… Sau đó các bạn mới đi tìm kiếm loại công việc đáp ứng được nhiều nhất những mong muốn và khả năng của mình. Sau đó, các bạn phải tìm các cơ sở đào tạo có đào tạo lĩnh vực nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Cuối cùng căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực học tập để lựa chọn một cơ sở đào tạo phù hợp.

– Chọn ngành nghề không phù hợp sẽ gây hậu quả như thế nào đối với cá nhân người đó, và rộng hơn là đối với nhà trường và xã hội?

Việc chọn sai nghề của cá nhân không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới chính bản thân họ mà còn có những ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế – xã hội.

Đối với cá nhân, chọn sai nghề dẫn tới bản thân không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó sẽ gây tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực để làm việc. Cuộc sống tinh thần trở nên căng thẳng, mệt mỏi và lâu dần chuyển thành bệnh mãn tính, làm giảm sút chất lượng sống và hiệu quả công việc. Luôn cảm thấy không thoả mãn trong công việc dẫn tới trì hoãn thực hiện các việc được giao, tìm mọi cơ hội trốn việc, bỏ việc. Muốn bắt đầu đào tạo lại nghề khác thì cũng tốn kém thời gian, chi phí.

Đối với xã hội, việc có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ dẫn tới giảm sút chất lượng đào tạo, gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại. Nhiều người có khả năng, nhu cầu lại không được đào tạo trong khi người khác được đào tạo nhưng ra trường phải đào tạo lại hoặc phải chuyển sang lĩnh vực nghề nghiệp khác gây tốn chi cho xã hội.

Chất lượng nguồn nhân lựa sau đào tạo không đảm bảo dẫn tới năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức bởi các hiện tượng như bỏ nghề, chuyển nghề…. Các doanh nghiệp mất thêm chi phí đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ của mình.

– TS đánh giá thế nào về công tác hướng nghiệp cho học sinh hiện nay?

Bản chất của hướng nghiệp là hoạt động trợ giúp, định hướng cho cá nhân khám phá ra những đặc tính và phát triển các đặc tính của mình bằng cách lựa chọn ngành học và các hoạt động chuyên môn với mong muốn phục sự xã hôị và phát triển bản thân mình. Với ý nghĩa đó, hướng nghiệp có nhiệm vụ giúp đỡ các em học sinh tìm hiểu đầy đủ và sâu sắc về thế giới nghề nghiệp để rồi từ đó lựa ra cho mình một lĩnh vực lao động nghề nghiệp mà đáp ứng được nhiều nhất mong muốn, nguyện vọng cũng như những điều kiện và khả năng khác của bản thân.

Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp hiện nay chủ yếu được thực hiện dưới hai hình thức cơ bản. Một là hình thức thông tin tuyên truyền nghề nghiệp dưới dạng các ngày hội tư vấn hướng nghiệp mà thực chất là các hoạt động quảng bá của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nhằm thu hút học sinh theo học. Hai là các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông. Thực tế hiện nay các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở ít quan tâm và đầu tư đúng mức cho công tác hướng nghiệp cho học sinh. Hoạt động chủ yếu là tổ chức giảng dạy môn giáo dục hướng nghiệp và một số chương trình hướng nghiệp theo yêu cầu năm học hơn là xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, do đó chất lượng hướng nghiệp không cao, thâm chí gây rối thêm cho học sinh khi lựa chọn nghề nghiệp.

Do công tác hướng nghiệp hiện nay chúng ta làm chưa tốt dẫn tới nhiều học sinh khi chọn nghề thường bị hấp dẫn bởi những chiêu “khuyến mãi”, những hoạt động bề nổi của các cơ sở đạo tạo hơn là lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp đáp ứng được nguyện vọng và khả năng của các em.

ThS Đinh Việt Hải (thứ 3 từ trái sang, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHKHXH&NV) tư vấn hướng nghiệp cho các bạn học sinh. (Ảnh: Thành Long/USSH)

ThS Đinh Việt Hải (thứ 3 từ trái sang, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHKHXH&NV) tư vấn hướng nghiệp cho các bạn học sinh. (Ảnh: Thành Long/USSH)

– Vậy, các trường ĐH nên tham gia như thế nào vào công tác hướng nghiệp cho thí sinh và cả các sinh viên đang học?

Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở đào tạo nghề cần xây dựng hệ thống hoạ đồ nghề nghiệp, hoạ đồ lĩnh vực nghề nghiệp thuộc lĩnh vực đào tạo của nhà trường thay vì chỉ giới thiệu khung chương trình đào tạo, mục đích, mục tiêu đào tạo một cách khô cứng, thiếu thông tin.

Các trường ngoài công tác tư vấn tuyển sinh hàng năm cần tổ chức các ngày openday để học sinh phổ thông đến thăm quan, giao lưu, tìm hiểu sâu hơn về các lĩnh vực đào tạo của nhà trường.

Trường cũng cần tổ chức các buổi toạ đàm giữa các cựu sinh viên giờ đã thành đạt trong xã hội để chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong học tập và công tác của mình. Qua buổi toạ đàm này, các bạn học sinh, ngay cả sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của nghề mình lựa chọn, đồng thời nắm bắt được bản thân cần phải làm gì để hoàn thiện năng lực, kĩ năng, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp.

– Có sinh viên chia sẻ rằng họ chán nản khi đang theo học một ngành mà họ cảm thấy là không phù hợp với năng lực và sở thích của mình, là một chuyên gia tư vấn, TS sẽ khuyên sinh viên đó dừng lại để tìm kiếm một cơ hội học tập khác hay là tiếp tục học và có sự chuyển hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp?

Thực tế, việc đào tạo trong nhà trường đại học là đào tạo ngành hay lĩnh vực nghề nghiệp. Trong ngành, lĩnh vực nghề nghiệp lại được chia nhỏ thành nhiều chuyên môn với các loại công việc khác nhau, do đó bạn sinh viên nên tìm hiểu xem trong lĩnh vực mà bạn được đào tạo có lĩnh vực hoạt động chuyên môn nào có thể đáp ứng nhu cầu nguyện vọng, hứng thú lao động của mình hay không? Bạn cũng nên biết rằng trong quá trình lao động, con người mới dần nhận ra mình thực sực thích điều gì, điều gì làm mình thoả mãn và hạnh phúc. Vì thế, nếu bạn có tố chất và năng lực phù hợp với nghề, bạn nên tiếp tục làm việc với tất cả trách nhiệm của mình, theo thời gian loại công việc đó sẽ làm cho bạn thích thú.

Trong trường hợp cuối cùng, bạn đã hoàn toàn sai lầm khi chọn nghề thì hơn lúc nào hết, bạn hãy bắt tay tìm kiếm lại một loại công việc khác phù hợp hơn với năng lực, phẩm chất và những mong muốn khác của mình.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của TS.


1
Bạn cần hỗ trợ tuyển sinh?