Thông tin tuyển sinh

Trực tuyến: Tư vấn tuyển sinh sáng 23/3

Chào mừng quý vị và các bạn đến với chương trình tư vấn tuyển sinh đại học trực tuyến sáng 23/3/2013 của Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN).

Chương trình sẽ được bắt đầu vào 9h sáng 23/3/2013 với những nội dung tư vấn sau:

  • Hướng nghiệp và chọn ngành
  • Ôn thi và làm bài thi đại học
  • Sức khoẻ mùa thi

Chương trình tư vấn hôm nay có sự tham gia của các Thầy, Cô:

– PGS.TS Đinh Văn Thanh – Giảng viên khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên
– GVC Trần Hinh – Giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV
– PGS.TS Vũ Quang Hiển – Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV
– TS Trần Viết Nghĩa – Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV
– TS Phạm Mạnh Hà – Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV
– Th.S Đinh Việt Hải – Phòng Đào tạo, Trường Đại học KHXH&NV
– Thầy Nguyễn Văn Hồng – Phòng Đào tạo, Trường Đại học KHXH&NV

Chương trình hôm nay tập trung vào các nội dung sức khỏe mùa thi, tâm lý mùa thi, học và ôn thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, là một điểm mới trong công tác tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học KHXH&NV so với các năm trước.

Chương trình hôm nay cũng là chương trình tư vấn trực tuyến cuối cùng của tháng 03/2013. Từ tháng 04 đến tháng 07 năm 2013, sau mỗi tuần, Hội đồng tư vấn tuyển sinh của Trường sẽ trả lời các câu hỏi thí sinh đặt ra trong tuần trước đó.

Chào mừng các em thí sinh đến với chương trình tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn!

Chúc các em sức khỏe và có lựa chọn đúng ngành, trường cho sự nghiệp của mình!

tuyensinh-30

Hỏi: Cho em hỏi trường Đại Học KHXH & NV có thi khối D k ạ, và khối D thì Trường mình có những ngành gì ạ? (Trần văn Trường (truongc52@***.com)

ThS Đinh Việt Hải:

Trường Đại học KHXH&NV tuyển sinh 19 ngành và cả 19 ngành đều tuyển khối D. Em xem chi tiết các ngành tuyển sinh khối D của Trường tại địa chỉ sau http://tuyensinh.ussh.edu.vn/chi-tieu-tuyen-sinh-dai-hoc-chinh-quy-2013/156

Ngoài nguyện vọng chọn ngành của bản thân, mỗi thí sinh đều nên tham khảo mức điểm chuẩn của từng ngành theo từng khối ở các năm trước để đối chiếu với sức học của mình và có quyết định cho phù hợp. Mời em tham khảo điểm chuẩn của các năm 2010, 2011, 2012 ở đây nhé http://tuyensinh.ussh.edu.vn/diem-chuan-thi-dh-giai-doan-2010-2012/320

Chúc em có lựa chọn phù hợp nhé!

Hỏi: “Em muốn biết thêm một số thông tin về ngành văn học và việc học văn bằng kép. em được giải khuyến khích quốc gia môn ngữ văn liệu có được ưu tiên gì không khi thi vào khoa văn học năm 2013. em xin cảm ơn!” (Nguyễn Lan Anh)

Thầy Nguyễn Văn Hồng:

Văn học là ngành học cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng về lí luận văn học, kiến thức phổ biến về văn hóa và ngôn ngữ, kiến thức sâu rộng về văn học Việt Nam và các nền văn học chính trên thế giới. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được rèn luyện các kĩ năng tư duy lí luận, phương pháp luận nghiên cứu văn học, phương pháp giảng dạy văn học, nâng cao khả năng cảm thụ văn học, nắm vững nghiệp vụ báo chí và sáng tác, đáp ứng nhiều ngành nghề và địa bàn công tác khác nhau.

Từ năm 2005, Nhà trường đã triển khai Dự án Điện ảnh với sự tài trợ của Ford Foundation và nay đang xây dựng chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh – Truyền hình trong chương trình đào tạo ngành Văn học. Đây là hướng chuyên ngành được nhiều sinh viên đang học quan tâm và có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp.

Với ưu thế về điểm chuẩn đầu vào hàng năm thường khoảng 20 điểm, Văn học được coi là một trong những lựa chọn khá vừa sức để phần đông các bạn học sinh có thể thực hiện ước mơ giảng đường của mình.

Năm 2013, Trường ĐH KHXH&NV dự kiến sẽ mở rộng các chương trình đào tạo bằng kép nhằm mang lại cơ hội học tập đa dạng cho sinh viên trong và ngoài trường. Sau năm học thứ nhất, sinh viên chỉ cần có kết quả học tập đạt loại khá trở lên là có cơ hội để đăng ký học bằng kép.

Năm 2012, các học sinh đạt giải khuyến khích quốc gia được ưu tiên xét tuyển vào Trường khi các em nộp hồ sơ ƯTXT kèm với hồ sơ ĐKDT và có kết quả thi đạt từ điểm sàn đại học do Bộ GD-ĐT quy định trở lên, không có môn thi nào bị điểm 0 là sẽ trúng tuyển vào ngành đã đăng ký ƯTXT.

Còn năm 2013 này, hiện tại, ĐHQGHN chưa chính thức ban hành văn bản Hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2013 nên xin hẹn em câu trả lời chính thức trong tuần tới.

Hỏi: “Em muốn hỏi là năm nay khoa báo chí có khả năng tăng điểm nữa không ạ..Và nếu như lấy 22đ như năm ngoái mà em thi chỉ đc 20 21đ thì em có thể khả năng xuống được khoa khác không?” (Trương Hoài Thương)

Thầy Nguyễn Văn Hồng:

Điểm chuẩn của ngành học được xác định dựa trên kết quả thi của các thí sinh đăng ký dự thi vào ngành học đó, chính vì vậy không ai có thể đoán trước được điểm chuẩn năm 2013 từ bây giờ cả em ạ.

Do trường lấy điểm chuẩn theo ngành học nên nếu trong trường hợp em không đỗ vào ngành Báo chí thì cũng sẽ không được chuyển xuống các ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn dù điểm thi của em có cao hơn điểm chuẩn của các ngành học đấy đi nữa. Khi đó, em chỉ còn cơ hội là chờ đến đợt xét tuyển bổ sung để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường còn thiếu chỉ tiêu mà thôi.

Chính vì vậy, em cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ và lựa chọn ngành học sao cho phù hợp với năng lực và sở thích của mình.

Chúc em thành công.

Thầy Nguyễn Văn Hồng - Phòng Đào tạo.

Thầy Nguyễn Văn Hồng – Phòng Đào tạo.

Hỏi: Em theo khối D và thích học kiến thức về xã hội, nhưng lại sợ sau này ra trường khó kiếm việc làm. Thầy cô tư vấn giúp em vậy giữa ngành mình thích và ngành có khả năng xin việc thì nên chọn cái nào ạ? (Phạm Thị Ngọc)

TS Phạm Mạnh Hà:

TS Phạm Mạnh Hà (Khoa Tâm lí học)

TS Phạm Mạnh Hà (Khoa Tâm lí học)

Ngọc thân mến, thầy rất chia sẻ với những lo lắng không chỉ riêng em mà còn ở nhiều bạn học sinh đứng trước sự lựa chọn vào đời. Chọn nghề mình thích hay chọn nghề dễ xin việc.

Khi chọn nghề, dễ xin việc chỉ là một tiêu chí nên đặt ra và không nên coi nó là duy nhất bởi lẽ xin được việc rồi nhưng em có khả năng đáp ứng được công việc đó hay không, có thành công với công việc hay không lại đòi hỏi em phải có phẩm chất và kỹ năng phù hợp.

Việc chọn nghề chỉ vì nó dễ xin việc nhưng em không có khả năng phù hợp thì cũng không đảm bảo cho em có được việc làm sau này. Do đó, để đảm bảo sự thành công trong sự nghiệp sau này, em nên bắt đầu bằng sự đam mê của mình.

Em học khối D điều đấy có nghĩa em có năng lực về ngoại ngữ. Nếu em tiếp tục phát triển khả năng ngoại ngữ của mình và những kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực khoa học xã hội, khi ra trường em hoàn toàn có quyền lựa chọn cho mình một công việc phù hợp với mức lương mong muốn.

Chúc em thành công.

Hỏi: Em thấy rất khó nhớ được các mốc thời gian Lịch sử, liệu khi làm bài thi em có phải nhớ rõ ngày tháng của sự kiện không? Trong đề thi lịch sử, nếu câu hỏi có nội dung so sánh 2 sự kiện thì em cần phải trình bày thế nào thì được điểm cao ạ? (Nguyen Thi Ha Thu)

TS Trần Viết Nghĩa

Vấn đề nhớ mốc sự kiện, nhân vật, địa danh và tổ chức luôn là nỗi ám ảnh với nhiều bạn học sinh. Vì vậy, em nên lựa chọn những sự kiện chính và ghi nhớ những nội dung cơ bản của sự kiện đó. Trong khi làm bài thi, việc nhớ rõ và chính xác những sự kiện lịch sử là tốt nhất. Tuy nhiên, một sự kiện có đầy đủ như ngày, tháng, năm, nếu em không nhớ ngày thì em có thể nhớ đến tháng, không nhớ tháng thì em nhớ đến năm.

Nếu câu hỏi yêu cầu so sánh hai sự kiện lịch sử thì em cần phải bám sát vào nội dung câu hỏi. Thực tế trong mỗi câu hỏi so sánh đều yêu cầu thí sinh phải so sánh những nội dung gì giữa hai sự kiện lịch sử đó. Câu hỏi so sánh thường đề cập đến sự giống và khác nhau về thời gian, địa điểm, quy mô, nội dung, ý nghĩa,…

TS Trần Viết Nghĩa (phải, Khoa Lịch sử)

TS Trần Viết Nghĩa (phải, Khoa Lịch sử)

Hỏi: Năm nay em thi đại học khối C, nhưng môn Sử của em lại học không được tốt lắm. Em muốn hỏi có thể làm cách nào để học thuộc môn này được không ạ? Ngoài sách giáo khoa, em có cần phải mua thêm các loại sách tham khảo khác không? (Nguyen Thu Thuy)

TS Trần Viết Nghĩa: Trong ba môn thi khối C thì học sinh cảm thấy học khó nhất là Lịch sử. Rất khó để em học thuộc lòng tất cả các nội dung thi môn này. Vì vậy, em nên chia phần ôn thi môn lịch sử thành từng giai đoạn, từng vấn đề cụ thể. Ví dụ về chia giai đoạn, em có thể chia thành các giai đoạn như 1911-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975-2000; về chia thành từng vấn đề cụ thể, em có thể chia thành các vấn đề như quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao… Sau đó lập dàn ý với sự kiện chính, nội dung chính cho từng vấn đề cụ thể.

Sách giáo khoa là sách cơ bản nhất đối với học sinh thi môn Lịch sử. Nội dung thi không nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Em có thể tham khảo thêm các loại sách lịch sử khác có liên quan trực tiếp đến những nội dung ôn thi môn lịch sử.

Hỏi: Em xin được tư vấn về môn Ngữ văn ạ:
– Học môn Ngữ văn thì có nên học thuộc lòng không hay chỉ cần học ý chính thôi ạ?
– Phần nghị luận để đạt điểm cao thì khi làm bài em cần chú ý những gì?
– Khi làm bài thi có bắt buộc phải nêu trích dẫn nội dung y như trong tác phẩm không ạ? Nhất là các tác phẩm văn xuôi, em sợ sẽ không thể nhớ hết được. (Vũ Mai Phương)

Thầy Trần Hinh:

– Theo thầy, học và ôn thi môn Ngữ Văn không nên và không thể học thuộc lòng được. Mình chỉ nên học các ý chính như em đã nói. Phương pháp học là cứ mỗi bài em nên gạch đầu dòng những ý chính, nhớ các ý đó, những gì chưa hiểu thì xem lại bài học. Điều đặc biệt quan trọng là em phải hiểu được các ý chính thì khi làm bài cụ thể mình mới có thể viết tốt được.

– Phần nghị luận xã hội muốn đạt điểm cao thì mình phải biết vận dụng thật tốt những kiến thức xã hội, kiến thức thực tế, và khi viết thì phải mạch lạc, rõ ràng, thậm chí có thể rất cần một bản lĩnh khi viết nữa. Chẳng hạn, với các đề nghị luận xã hội, mặc dù cũng có một đáp án chấm thi, nhưng đáp án cho phép người chấm có thể căn cứ vào thực tế bài viết, người viết có thể thậm chí phản biện lại câu hỏi, nói ngược lại những điều câu hỏi đặt ra, miễn là nó phải thuyết phục. Tóm lại, với bài nghị luận xã hội, kiến thức thực tế và cách lập luận là hết sức quan trọng.

– Trong bài thi, trong trường hợp cần trích dẫn lại các ý trong bài văn, thì nếu chính xác em cho vào dấu ngoặc kép, nếu không nhớ chính xác, chỉ nhớ ý thì không cho trong ngoặc kép, viết theo cách hiểu của mình. Không sao cả, và không cần phải chép chính xác dẫn chứng.

Thầy Trần Hinh (Khoa Văn học)

Thầy Trần Hinh (Khoa Văn học)

Hỏi: Thầy cô có thể chỉ giúp em một số phương pháp để đạt điểm cao khi làm các loại đề về phân tích hoặc bình giảng tác phẩm văn học được không ạ?

Thầy Trần Hinh:

Với mỗi bài em phải nắm được các tình huống ra đề, bởi lẽ cả hai dạng bình giảng hay phân tích, sẽ lại còn có nhiều dạng cụ thể nữa. Chảng hạn, người ta có thể yêu cầu phân tích một vấn đề chung của văn học qua một số bài cụ thể, như Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua truyện Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, chiếc thuyền ngoài xa; hoặc phân tích tâm trạng nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cho A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ; hoặc nữa đề yêu cầu bình giảng một đoạn thơ…

Phương pháp để làm tốt các dạng đề phân tích hay bình giảng là mình phải nắm được yêu cầu cụ thể của câu hỏi, tiếp sau đó, mình nên vạch ra một đề cương thật ngắn gọn cho các câu hỏi trên, cuối cùng là bắt tay viết.
Trong quá trình viết, mình hoàn toàn có thể bổ sung (thêm hoặc bớt những gì mình thấy đúng hoặc chưa đúng), có dẫn chứng tác phẩm, có mở rộng liên hệ và so sánh, làm sao để bài làm đáp ứng được đầy đủ những ý chính, câu văn diễn đạt chuẩn xác, không sai lỗi chính tả. Một bài viết như thế sẽ đạt điểm cao.

Hỏi: Lam bai thi mon Ngu van thi phan bo thoi gian nhu the nao thi hop ly a? Co can phai lam du 3 phan cho cau 2d không a? Em xin cam on. (Nguyen Thi Mai Hoa)

Thầy Trần Hinh:

Tất nhiên nên phân bố thời gian chính xác cho 3 câu hỏi, vì mỗi câu hỏi đều đã có thang điểm, mình chia theo dung lượng điểm cho hợp lí về mặt thời gian. Nói như vậy cũng không có nghĩa là mình quá máy móc, bởi lẽ có câu mình hiểu bài thì sẽ làm nhanh hơn, không có nghĩa là phải cố định một thời gian theo sắp đạt. Với câu 2 diểm, em hoàn toàn có thể làm ngắn gọn, không nhất thiết phải có 3 phần, nhưng theo thầy nếu có 3 phần thì sẽ hay hơn, nhưng đây là điều không quá quan trọng.

Hỏi: Trong đề thi Địa lý, thường gặp những dạng biểu đồ chính nào ạ? (Nguyễn Thị Thu Huyền)

PGS.TS Đinh Văn Thanh:

Có 6 dạng biểu đồ dưới đây

a. Dạng 1:
– Vẽ biểu đồ hình tròn, phải tính quy mô, bán kính và cơ cấu. Cách nhận biết dạng biểu đồ này là khi đầu bài hỏi là “Em hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện quy mô, cơ cấu của một yếu tố nào đó”, đồng thời các số liệu trong đầu bài phải là những số tự nhiên và có số năm nhỏ hơn hoặc bằng 3 năm. Khi vẽ biểu đồ thì vẽ mỗi năm 1 vòng tròn có bán kính như đã tính được và phải xử lý số liệu tính cơ cấu quy ra phần trăm.
– Vẽ biểu đồ hình tròn nhưng không phải tính quy mô và bán kính. Cách nhận biết dạng này : Khi đầu bài hỏi “Em hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất cơ cấu của một yếu tố nào đó, đồng thời các số liệu trong đầu bài phải là những số tương đối (bằng phần trăm) và số năm cũng nhỏ hơn hoặc bằng 3 năm. Trong trường hợp này tuy không phải xử lý số liệu để tính quy mô, bán kính và tính cơ cấu, nhưng khi vẽ thì phải vẽ mỗi năm 1 vòng tròn có bán kính to dần lên để thể hiện tình hình phát triển sát với thực tiễn của nền kinh tế.

b. Dạng 2 : Vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng của 1 ngành sản xuất nào đó:
Khi gặp dạng biểu đồ này thì phải đọc kĩ đề bài. Nếu đầu bài hỏi “Hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự tăng trưởng của 1 ngành sản xuất nào đó thì dứt khoát phải xử lý số liệu quy tất cả ra phần trăm bằng cách đặt các số liệu của năm đầu tiên bằng 100. Sau đó lần lượt lấy các số liệu của năm sau chia cho năm đầu tiên nhân với 100%. Khi vẽ thì cần phải vẽ trục tung và trục hoành. Trục tung điền đơn vị phần trăm, trục hoành điền số năm và dựa vào các số liệu đã xử lý vẽ biểu đồ đường cùng xuất phát từ vị trí 100%.

c. Dạng 3: Vẽ biểu đồ thể hiện tình hình phát triển của một số ngành kinh tế
với dạng đầu bài cho các số liệu là số tự nhiên, số năm nhiều hơn hoặc bằng 4 năm và các số liệu trong đầu bài phải có 2 đơn vị khác nhau. Gặp dạng này thì chắc chắn phải vẽ biểu đồ kết hợp giữa biểu đồ hình cột và biểu đồ đường với 2 trục tung (hình cột có thể là cột đơn nếu như trong đầu bài chỉ có một chỉ tiêu. Có thể là cột ghép nếu như trong đầu bài có 2 chỉ tiêu cùng đơn vị, hoặc có thể là cột chồng nếu như trong đầu bài có 2 chỉ tiêu cùng đơn vị, nhưng 1 chỉ tiêu này nằm trong chỉ tiêu khác). Còn 1 chỉ tiêu có đơn vị khác (thứ hai) thì thể hiện bằng biểu đồ đường.

d. Dạng 4: Vẽ biểu đồ thể hiện sự phát triển của 1 ngành sản xuất nào đấy.
Khi gặp dạng biểu đồ này thì phải đọc kĩ đầu bài : nếu như đầu bài cho các số liệu cho các số liệu là số tự nhiên, với số năm nhỏ hơn hoặc bằng 3 năm, với các số liệu trong đầu bài có thể là 1 đơn vị hoặc 2 đơn vị khác nhau và yêu cầu vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự phát triển của một ngành kinh tế hoặc của 1 giá trị nào đó thì chắc chắn phải vẽ biểu đồ hình cột (hoặc cột ghép hoặc cột chồng tùy theo cấu trúc của các số liệu trong đầu bài).

e. Dạng 5: Vẽ biểu đồ miền:
Khi gặp dạng biều đồ này thì đầu bài cho trước có thể là các số liệu tự nhiên hoặc số liệu đã xử lý ra phần trăm, với số năm phải lớn hơn hoặc bằng 4 năm và yêu cầu vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi (chuyển dịch, hoặc chuyển biến…) của ngành kinh tế nào đó thì chắc chắn phải vẽ biểu đồ miền.
Khi vẽ biểu đồ này, nếu số liệu là số tự nhiên thì dứt khoát phải xử lý số liệu để quy ra phần trăm bằng cách cộng lấy tổng số theo từng năm và tính phần trăm của từng năm. Sau đó vẽ biểu đồ miền bằng cách kẻ trục tung trục hoành, trên trục tung lấy tròn 100%, trên trục hoành theo số năm trong đầu bài với khoảng cách khác nhau tương ứng với số năm trong từng giai đoạn. Sau đó lần lượt vẽ trong miền xác định những chỉ tiêu theo các số liệu đã xử lý qua các năm.

f. Dạng 6: Vẽ biểu đồ bát úp:
Khi gặp dạng biểu đồ này thì phải đọc kĩ đầu bài. Nếu như trong đầu bài có số liệu là những số tự nhiên và có số năm trong đầu bài hoặc là 2 năm hoặc là 4 năm và cấu trúc của số liệu trong đầu bài của một năm phải là 2 thành phần khác nhau. Khi đầu bài hỏi “Hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất quy mô, cơ cấu của các thành phần” thì ở dạng bài này cũng phải vẽ biểu đồ hình tròn giống như dạng 1 nhưng có khác là mỗi năm phải vẽ 2 vòng tròn có bán kính khác nhau và 2 năm phải vẽ 4 vòng tròn. Trong trường hợp này thì không nên vẽ 4 vòng tròn mà nên gộp lại thành 2 cặp vòng tròn và khi vẽ thì cắt đi mỗi vòng tròn 1 nửa và 2 nửa úp vào nhau thành dạng biểu đồ bát úp (lưu ý mỗi nửa vòng tròn còn lại phải tương ứng với 100%) và làm chú giải thích hợp.

Để có nhiều thông tin hơn về việc ôn thi môn Địa lý, em vào xem bài ở link sau nhé
http://tuyensinh.ussh.edu.vn/mon-dia-ki-nang-lam-bai-thuc-hanh/451

PGS.TS Đinh Văn Thanh - Khoa Địa lý - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

PGS.TS Đinh Văn Thanh (phải, Khoa Địa lý – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên).

Hỏi: Thầy cô có thể thống kê những dạng câu hỏi thường gặp của đề thi môn Lịch sử được không ạ? Em thấy phần lịch sử thế giới được ít điểm quá mà lại phải học nhiều, vậy trọng tâm của phần này là những vấn đề gì ạ? (Trinh Thi Nhu Quynh)

TS Trần Viết Nghĩa:

Đề thi thường rất đa dạng nên rất khó để thống kê thành những dạng câu hỏi thường gặp được.

Theo quan sát của thầy từ những năm trở lại đây thì mỗi đề thi gồm từ 3-4 câu hỏi.

Về lịch sử Việt Nam: giai đoạn từ 1911-1945 (lịch sử cận đại) thường có từ 1-2 câu hỏi, 1945-2000 (lịch sử hiện đại) thường có từ 1-2 câu hỏi.

Về lịch sử thế giới thường có 1-2 câu hỏi (thường thi 1 câu, còn 1 câu tự chọn).

Phần thi lịch sử thế giới có điểm số từ 2-3 điểm. Tuy nhiên, phần nội dung thi lịch sử thế giới không nhiều như lịch sử Việt Nam. Thầy không thể nói phần nào là trọng tâm được. Không nên học tủ em ạ.

Hỏi: Neu nhu em muon thi vao khoa lich su cua truong ma em thay co hai chuyen nganh la lich su Dang va lich su viet nam em xin hoi cac thay co hoc nganh nao se co co hoi phat trien hon.Em xin chan thanh cam on. (dao duong)

TS Trần Viết Nghĩa:

Cảm ơn em đã lựa chọn khoa Lịch sử, nơi thầy đang công tác. Ở khoa thầy đến cuối năm thứ 3, sinh viên mới đăng ký học chuyên ngành cho năm thứ 4. Vì vậy, nếu em thi đỗ vào khoa Lịch sử, em có tới 3 năm để đi đến lựa chọn chuyên ngành (Lịch sử Việt Nam hay Lịch sử Đảng). Học ngành nào cũng đều có cơ hội phát triển như nhau. Trong quá trình học em có thể học thêm những chứng chỉ (sư phạm, báo chí, du lịch…) để đa dạng hóa cơ hội việc làm của mình.

Hỏi: Em thích các ngành xã hội, nhưng vẫn đang băn khoăn chưa biết nên thi vào ngành nào trong trường, em có cách nào để biết được mình thích hợp với ngành học nào hơn không ạ? Ngành nào ở trường Nhân văn thì sau này ra trường sẽ dễ kiếm việc làm hơn? (Nguyen Thi Van)

TS Phạm Mạnh Hà:

Vân thân mến, để thành công với nghề nghiệp đòi hỏi bản thân phải có năng lực phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đó về cả năng lực, tính cách, năng lực. Nếu em là người năng động, nhiệt tình, thích công việc nhiều áp lực và sáng tạo, thích được giao tiếp với nhiều kiểu người khác nhau em nên chọn ngành du lịch, báo chí… Nhưng em là người thích ổn định, công việc ít thách thức, ổn định, thích tìm tòi, khám khá… em nên chọn lĩnh vực nghiên cứu như lịch sử, lưu trữ quản trị văn phòng, khoa học quản lý.

Mọi ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn đều có cơ hội xin việc làm cao nếu em đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Hỏi: Em chào thầy cô, em năm nay thi lại đại học và rất hoang mang vì không biết tự ôn như thế nào nhất là môn văn, khi học môn này em lại sốt ruột về môn kia. Thầy cô có thể chỉ bảo cho em cách ôn hiệu quả được k ạ? (Nguyen Ngoc Ly Ly)

TS Phạm Mạnh Hà:

Trí tuệ của con người hoạt động không giống như một cỗ máy, cùng một lúc chúng ta không thể suy nghĩ về nhiều vấn đề được. Do đó khi ôn thi em nên đặt kế hoạch ôn tập cho từng môn học với những khoảng thời gian cụ thể. Trong một buổi học em có thể phối hợp 2 – 3 môn học để tránh nhàm chán, thời gian ôn tập mỗi môn không quá 1 giờ đồng hồ. Sau khi kết thúc thời gian ôn tập môn học này em nên dành ra 5 – 10 phút nghỉ ngơi , thư giãn trước khi chuyển sang ôn tập môn học khác. Chúc em ôn tập thành công.

Thầy Trần Hinh:

Em nên nhớ, việc thi đại học nhiều năm nay đã trở nên hết sức bình thường, không có gì khó quá nên em không nhất thiết phải hoang mang như thế. Theo thầy, em cứ học theo cách mà em vẫn học bình thường, cũng giống như em học thi tốt nghiệp vậy. Việc chọn cách học từng môn, thì em hoàn toàn có thể học dứt điểm từng môn và cũng có thể học xen kẽ, có sao đâu. Với môn Văn, thầy gợi ý một chút để em có thể ôn thi được tốt hơn. Thứ nhất em nên xem lại nội dung hạn chế chương trình thi đại học môn Văn, xem cấu trúc một đề thi hiện nay như thế nào, nếu có thể em tham khảo đề thi đại học những năm trước đó để biết tình huống một đề thi cụ thể. Với môn Văn em học từng bài, nhớ ý chính và tình huống đề thi có thể ra cho mỗi bài đó, rồi dựa vào đó để học lại bài sao cho thật kĩ, mình phải hiểu được bài đó. Trong quá trình học bài em nên chọn ra một số đề chính mà em cho là quan trọng, tập dượt viết như một bài văn bình thường mà em vẫn làm ở lớp phổ thông. Em cũng có thể vận dụng hương pháp dó để học các môn còn lại. Chúc em bình tĩnh trong thời điểm quan trọng trước kì thi đại học.

tuyensinh-36

Hỏi: Mẹ em làm nghề công tác xã hội, bản thân em khi được tiếp xúc với trẻ em mồ côi, bình đẳng giới, người nghèo (theo mẹ), em rất thích nghề công tác xã hội, vì vậy em đã chọn thi chuyên ngành CTXH. Tuy nhiên, với sức học của em, mọi người cho là thi vào ngành này lãng phí, em rất băn khoăn. Em xin lời khuyên từ các thày, cô. (Nguyễn Hải Hồng)

TS Phạm Mạnh Hà:

Rất vui vì em là một trong số ít những bạn trẻ đã xác định được cho mình một nghề nghiệp mà bản thân thấy phù hợp. Việc chọn nghề không đơn giản chỉ là chọn một việc làm để kiếm sống, để thể hiện bản thân mà là chọn cách mình sống sao cho có ý nghĩa. Em cũng nên biết rằng có nghề nghiệp thích hợp với người này nhưng lại không thích hợp với người kia. Vì thế, nếu em chọn nghề chỉ vì làm vui lòng người khác hay để chỉnh tỏ bản thân mình giỏi thì rất dễ dẫn đến việc lựa chọn thiếu căn cứ và không chính xác mà hậu quả của sai lầm này chỉ mình em phải gánh chịu. Chúc em có sự lựa chọn hợp lý với nghề nghiệp mà em yêu thích.

Hỏi: + “Trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ” có ghi: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhận hồ sơ và tổ chức thi khối A, A1, B; Trường ĐH KHXH&NV nhận hồ sơ và tổ chức thi khối C. Vậy nếu em thi khối D thì thi ở đâu ạ?” (Chi)
+ “Trường Đh khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội chỉ tổ chức thi khối C. vậy em muốn thi vào trường khối D1 thì phải đăng kí thi nhờ các trường có tổ chức thi khối D1 phải không ạ!” (Nguyễn Thị Nhàn)

Thầy Nguyễn Văn Hồng:

Việc ghi như trên chỉ là sự phân công tổ chức thi trong nội bộ ĐHQGHN và là thông tin để cho các đơn vị thu hồ sơ chủ động phân loại hồ sơ ĐKDT trước khi gửi về trường mà thôi. Với các em thí sinh ĐKDT vào Trường ĐH KHXH&NV thì dù thi khối thi nào cũng có cách ghi hồ sơ giống nhau và nộp bình thường tại các điểm thu hồ sơ do Bộ GD-ĐT quy định.

“em chào các thầy cô, các thầy cô cho em hỏi là trường sẽ tổ chức đề thi riêng khối C và kết quả đó e có thể lấy để xét tuyển vào ngành sư phạm văn của trường đại học giáo dục – đhqg hay không ạ? nếu có thì em sẽ phải điền thông tin như thế nào vào phiếu ĐKDT ạ? e vẫn chưa rõ về việc này lắm. và em có thể tải đề thi đại học khối C những năm trước của trường ra đề ở trang web nào trên mạng ạ? ( tại em tìm mãi không tìm được) Em xin cám ơn ạ.” (Phan Thúy Phượng)

Thầy Nguyễn Văn Hồng:

Năm 2013, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn tuyển sinh theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu em muốn đăng ký dự thi vào Trường ĐH Giáo dục thì em ghi thông tin về trường dự thi, ngành dự thi của Trường ĐH Giáo dục chứ không phải của Trường ĐH KHXH&NV. Em có thể xem các thông tin về mã trường, mã ngành, chỉ tiêu của Trường ĐH Giáo dục trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013”.

Trên website tuyển sinh của Nhà trường có mục đề thi và đáp án khối C của năm 2012, em có thể tham khảo tại địa chỉ: http://tuyensinh.ussh.edu.vn/de-thi-va-dap-an-tuyen-sinh-dai-hoc-2012/321.

Hỏi: Cả 3 năm liên tục, từ lớp 10 đến lớp 12, E học ở trường PTTH thuộc khu vực được ưu tiên. Tuy nhiên, hộ khẩu của E vẫn ở cùng với gia đình thuộc khu vực không được ưu tiên. Vậy khi thi tuyển sinh vào ĐHKHXHNV, E có được ưu tiên cộng điểm khu vực không? Rất mong các thầy (cô) giúp em”

Thầy Nguyễn Văn Hồng:

Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành thì ưu tiên về khu vực được xác định theo trường THPT của thí sinh, trừ trường hợp thí sinh học tại các trường dân tộc nội trú. Chính vì vậy, trường THPT mà em đang học thuộc khu vực nào thì em sẽ được hưởng ưu tiên khu vực đó.

“Nội dung ôn thi môn Lịch sử quá dài mà lại rất khó nhớ, thầy có thể tư vấn giúp em các nội dung trọng tâm cần học trong từng thời kỳ được không ạ? Em cảm ơn” (Lê Thị Minh Thu)

PGS.TS Vũ Quang Hiển:

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nội dung các đề thi nằm trong chương trình THPT, mà chủ yếu là lớp 12. Tuy nhiên, trọng số điểm rơi vào chương trình lớp 12 thường chiếm khoảng 70% trở lên.

Nội dung cơ bản cần ôn tập đã được cụ thể hóa thành những mục tiêu cần đạt và những câu hỏi ôn tập cụ thể (cho từng chương, từng bài khác nhau) mà các em có thể đọc trực tiếp trên website này.

Điều đáng lưu ý là không nên học tủ chỉ tập trung vào một số chương hoặc một số bài, cũng không nên học thuộc vẹt quá chi tiết mà chỉ cần thuộc những nội dung cơ bản đã được hướng dẫn.

Các em sẽ nhận được những đề thi và đáp án để ôn luyện sẽ đăng trên website tuyển sinh của Nhà trường trong tuần tới. Khi sử dụng các em cần tự trả lời các câu hỏi, sau đó mới đối chiếu với đáp án và thang điểm, nếu chưa đạt yêu cầu mong muốn, phải làm lại những câu còn sót ý (tuyệt đối không đọc đáp án trước khi làm bài).

PGS.TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử)

PGS.TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử)

Hỏi: Thầy cô cho em hỏi đối với môn Địa Lí thì kiến thức cơ bản gồm những nội dung nào? Đối với những đề thi môn địa lý thì chỉ có kiến thức địa lí Việt nam hay cả các nước cũng như nền kinh tế thế giới? Em nghe các bạn khác nói là đối với ôn thi tốt nghiệp thì chỉ cần ôn kiến thức của lớp 11 có đúng không ạ? (Mùa A Già)

PGS.TS Đinh Văn Thanh:

a. Đối với môn Địa lí thì kiến thức cơ bản cần thiết cho thi tốt nghiệp phổ thông và vào các trường cao đẳng và đại học thì gồm các nội dung chính, chủ yếu là Địa lý Việt Nam:

– Địa lý tự nhiên Việt Nam.
– Địa lý dân cư Việt Nam.
– Địa lý các ngành kinh tế Việt Nam (nông nghiệp, công nghiệp, các ngành dịch vụ như giao thông, thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch…).
– Địa lý các vùng kinh tế (7 vùng : Trung du miền núi Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long).
– Địa lý 3 vùng kinh tế trọng điểm.
– Địa lý biển đảo và ý nghĩa của biển đảo Việt Nam với phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng.
– Ngoài phần lý thuyết trên thì thí sinh cần phải nắm chắc kiến thức vẽ các biểu đồ địa lý (đọc bài Kĩ năng vẽ các dạng biểu đồ Địa lí).

b. Đối với những đề thi Địa lí vào đại học và cao đẳng thì chủ yếu là kiến thức địa lí Việt Nam, sách giáo khoa lớp 12 phổ thông trung học (xuất bản từ năm 2005 đến nay).

c. Khi ôn thi tốt nghiệp lớp 12 thì em cần phải ôn thi kiến thức của lớp 10, 11 và lớp 12 trong đó chủ yếu là lớp 12.

Hỏi: Trong nội dung học của của môn Địa lí có nhiều vùng kinh tế khác nhau, các thầy cô có thể tư vấn cho em trong mỗi vùng kinh tế đó thì cần phải chú ý những vấn đề gì không ạ? (Nguyen Hoai Phuong)

PGS.TS Đinh Văn Thanh:

Để trả lời câu hỏi này của em, Thầy mời em đọc kĩ bài viết “Môn Địa lý: Một số trọng tâm ôn thi (lí thuyết)” tại địa chỉ: http://tuyensinh.ussh.edu.vn/mon-dia-mot-so-trong-tam-on-thi-li-thuyet/445

Hỏi: Thay co cho em hoi khi on thi thi hoc nhom hay tu on thi se hieu qua hơn? Khi hoc nhom thi cang dong cang tot hay chi nen co khoang 2-3 ban thoi a? (Nguyen Van Toan)

TS Phạm Mạnh Hà:

Việc học nhóm các môn khoa học xã hội là rất cần thiết, nó giúp các em hiểu rõ và ghi nhớ sâu hơn kiến thức. Tuy nhiên học nhóm chỉ hiệu quả khi các thành viên cùng chung một mục đích và không có quá đông người. Một nhóm học hiệu quả nên có từ 3 – 5 thành viên là đủ. Chúc các em ôn tập thành công. Bên cạnh đó, việc tự học cũng rất quan trọng không kém. Khi học tự học sẽ giúp em đào sâu tư duy, cách giải quyết vấn đề. Trong việc tự học, em nên lập thời gian biểu hợp lý cho từng môn học, nội dung học.

Hỏi: Sức khỏe của em không được tốt mà thời gian học ở trên lớp lại quá nhiều nên về nhà là mệt mỏi không tập trung để học được. Thầy cô cho em hỏi em cần làm gì để có thể học tập tốt mà vẫn đảm bảo sức khỏe ạ? (Vũ Huyền My)

TS Phạm Mạnh Hà:

Vũ Huyền My thân mến, việc giữ sức khỏe cũng quan trọng không kém việc ôn tập. Nhiều bạn học sinh đã học tập quá sức dẫn tới suy kiệt sức khỏe và đến khi vào phòng thi đã phải đi cấp cứu, bỏ lỡ dở cả kỳ thi. Để ôn tập tốt mà vẫn đảm bảo sức khỏe, em nên lên một kế hoạch học tập kết hợp nghỉ ngơi hợp lý. Không phải cứ đi học thêm nhiều là có kiến thức, vì thế em nên dứt khoát cắt bớt lịch học thêm mà thay vào đó là dành nhiều thời gian tự học. Trong thời gian tự học cũng không nên kéo dài 2- 3 tiếng. Cứ sau mỗi tiếng học nên dành 15 phút để thư giãn, nghỉ ngơi.

Em cũng không nên quên việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh kiêng kem hoặc ăn nhiều chất bố.

Hỏi: Thay co cho em hoi khi on thi thi hoc nhom hay tu on thi se hieu qua hơn? Khi hoc nhom thi cang dong cang tot hay chi nen co khoang 2-3 ban thoi a? (nguyen van toan)

PGS.TS Vũ Quang Hiển:

Mỗi hình thức học tập đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, cách học tốt nhất là kết hợp nhiều hình thức, tùy theo những điều kiện cụ thể.

Tự học khi đọc SGK và các tài liệu tham khảo, làm bài tập. Không nên đọc bài triền miên, mà cần ghi chép tóm tắt (không phải là nhìn chép) theo từng nội dung đã đọc.

Học nhóm có lợi thế trong việc trao đổi thông tin, bổ sung kiến thức cho nhau, kiểm tra, đánh giá lẫn nhau (“học thầy không tày học bạn” là như vậy).

Mỗi nhóm khoảng từ 3 đến 5 bạn là phù hợp. Nội dung học nhóm nên tập trung trả lời các câu hỏi và bài tập trong SGK và các sách tham khảo. Trước mỗi câu hỏi, cần thay nhau trả lời trước, và bạn nào cũng cần trả lời ít nhất một lần, tránh chỉ ngồi nghe một cách thụ động. Những vấn đề không thống nhất được trong nhóm, cần ghi chép lại để hỏi ý kiến thầy, cô giáo.

Hỏi: Câu văn nghị luận thường về những chủ đề gì? Khi làm bài văn nghị luận thì cần phải chú ý trình bày như thế nào và phải viết mấy trang? (Phạm Thị Thanh)

Thầy Trần Hinh:

Với văn nghị luận, đề thi hết sức rộng mở, người ta có thể hỏi về rất nhiều vấn đề, nhưng theo thầy, đó luôn là những vấn đề nóng hổi đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là trong cuộc sống của giới trẻ. Thầy ví dụ: vấn đề trung thực trong thi cử, vấn đề vai trò của sách trong cuộc sống, vấn đề niềm tin, lí tưởng sồng, thái độ đối với cuộc sống hàng ngày, vấn đề hâm mộ và ngưỡng mộ thần tượng…Tóm lại đề tài rất rộng, nhưng vẫn tập trung vào vấn đề thiết yếu trong cuộc sống. Nếu em chú ý một chút thì đây không phải là vấn đề quá khó, với mình.

– Cách làm bài văn nghị luận thì phải chú ý bao giờ cũng có hai thao tác, thứ nhất phải giải thích ngắn gọn câu hỏi đề thì, thứ hai bàn luận câu hỏi và cuối cùng là bàn luận mở rộng, liên hệ so sánh với bản thân…Về vấn đề này em có thể tham khảo thêm nhóm các bài viết của thầy trên Web tư vấn tuyển sinh của trường .

– Trong câu hỏi nghị luận xã hội người ra đề đã có lưu ý về độ dài ngắn của bài, cụ thể thường người ta chỉ yêu cầu mình viết trong khoảng 600 từ. Và tất nhiên mình viết dài hay ngắn hơn một chút cũng không sao. Nhưng phải nhớ, không được dài hay ngắn hơn nhiều quá theo quy định câu hỏi đề thi đã quy định.

Hỏi: Thi đại học môn địa em có được sử dụng Atlas hay không? Môn này có rất nhiều số liệu mà em không thể nhớ hết được, khi làm bài em có phải ghi chính xác hay không hay chỉ nói ước chừng là đủ? (Hoàng Việt Anh)

PGS.TS Đinh Văn Thanh:

Khi làm bài thi môn Địa lí vào đại học và cao đẳng thì tuyệt đối không được sử đụng Atlas.

Môn địa lý rất nhiều số liệu cần phải nhớ, nhưng khi làm bài thi vào đại học và cao đẳng thì cũng không cần nhiều số liệu. Những số liệu cần thiết cho bài thi thì buộc phải nhớ chính xác như trong sách giáo khoa mới nhất kèm theo những số liệu cập nhật trong các tài liệu thống kê. Nếu bài thi mà có các số liệu đúng như trên thì sẽ được điểm tối đa. Còn các số liệu ước chừng không chính xác thì sẽ bị điểm thấp hoặc không có điểm.

Hỏi: Cho em hỏi là giả dụ như em đỗ cả khoa tâm lý học và báo chí thì liệu em có thể học đồng thời 2 khoa được không? Em xin chân thành cảm ơn. (Thanh – duyduy181193@gmail.com)

Thầy Nguyễn Văn Hồng:

Do 02 ngành học trong trường học song song cùng nhau nên em sẽ không thể cùng lúc “phân thân” để học 2 ngành được. Tuy nhiên, trong trường hợp em thi 02 khối thi ở 02 đợt thi khác nhau và đỗ cả 02 ngành Tâm lý học và Báo chí thì em sẽ có quyền chọn học một trong 2 ngành đó. Nhà trường sẽ gửi giấy triệu tập trúng tuyển cả 2 ngành cho em và em sẽ lựa chọn 1 trong 2 ngành để đăng ký nhập học.

Chúc em thành công.

Hỏi: Em đang học khối C, thầy cô cho em hỏi với các môn học thuộc lòng thì nên học vào thời gian nào trong ngày là tốt nhất và mình học các môn cùng nhau hay mỗi tuần 1 môn thì hơn? (Đỗ Hải Yến)

TS Phạm Mạnh Hà:

Đỗ Hải Yến thân mến, việc học các môn thuộc khối C không có nghĩa là học thuộc lòng tất cả những gì trong sách vở. Vì thế, để học tốt các môn học thuộc khối C cũng cần có phương pháp học tập khoa học. Việc học vào thời điểm nào tùy thuộc vào thói quen của em nhưng nên lựa chọn thời điểm yên tĩnh, ít bị chi phối bởi những công việc khác. Tuy nhiên em cũng không nên thức quá khuy trong một thời gian dài. Trong một buổi ôn tập em nên phối hợp ôn tập cả 3 môn Văn, Sử, Địa để tránh nhàm chán. Kết thúc mỗi môn học em nên dành 5 – 10 phút để thư giãn trước khi chuyên sang môn học khác.

Hỏi: con chào các cô chú. Con là người hướng ngoại và con cảm thấy tâm lí học là ngành nghề rất phù hợp với con. Mặc dù con biết ngành tâm lí hiện nay đang có những bước phát triển rõ rệt. Con thích giúp đỡ mọi người và làm việc trong bệnh viện. Vậy nếu con học tâm lí thì khả năng con xin được làm trong BV có cao không ạ?
Con cảm ơn cô chú nhiều !!! (Nguyễn Hồng Hạnh – cool_sweet_its_girl9)

TS Phạm Mạnh Hà:

Hạnh thân mến, đúng như em nhận xét ngành Tâm lý học hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực tâm lý học lâm sàng đang xã hội quan tâm. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học trường Đại học KHXH&NV đang làm việc tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt – Pháp, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương và nhiều bệnh viên khác. Hàng năm, các bệnh viên, các trung tâm trị liệu tâm lý luôn có nhiều vị trí việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học Nếu em thực sự yêu thích ngành Tâm lý học và nỗ lực học tập, rèn luyện kiến thức, kỹ năng chuyên môn của nghề, em hoàn toàn có cơ hội được làm việc tại các cơ sở y tế này. Chúc em thành công.

Xem các buổi tư vấn khác:


1
Bạn cần hỗ trợ tuyển sinh?