Thông tin tuyển sinh
Tư vấn về ôn thi, phương pháp làm bài thi khối C, tâm lí mùa thi
Ban Tư vấn tuyển sinh đại học chính quy năm 2014 chào mừng các bạn thí sinh tham dự chương trình tư vấn trực tuyến phương pháp làm bài thi khối C và sức khoẻ mùa thi hôm nay.
Kể từ ngày thông báo mở chương trình tư vấn trực tuyến cho thí sinh dự thi đại học năm 2014 của Trường Đại học KHXH&NV đến hôm nay, Ban Tư vấn đã nhận được 314 câu hỏi của các bạn thí sinh. Ban Tư vấn tuyển sinh Nhà trường chân thành cảm ơn sự quan tâm của các bạn thí sinh đến c các chương trình tư vấn của Trường.
Chương trình hôm nay là buổi cuối cùng của các chương trình trực tuyến trong tháng 03/2014. Sau chương trình này, Ban Tư vấn sẽ tiếp tục trả lời câu hỏi của các bạn thí sinh gửi đến với hình thức là đăng các bài hỏi – đáp về tuyển sinh đại học chính quy 2014 trong tuần trên website này. Đừng ngần ngại nếu các bạn có điều muốn hỏi, hãy gửi cho chúng tôi để cùng chia sẻ mối quan tâm của bạn.
Các thành viên Ban tư vấn của chương trình hôm nay gồm:
1. PGS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV
2. PGS.TS Đinh Văn Thanh – Giảng viên cao cấp khoa Địa lí, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
3. Thầy Trần Văn Hinh – Giảng viên chính khoa Văn học, Trường Đại học KHXHH&NV
4. TS Trần Viết Nghĩa – Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV
5. PGS.TS Trần Thu Hương – Giảng viên khoa Tâm lí học, Trường Đại học KHXH&NV
6. Th.S Đinh Việt Hải – Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học KHXH&NV
7. Thầy Nguyễn Văn Hồng – Chuyên viên tuyển sinh phòng Đào tạo
Mời quý vị và các bạn đặt câu hỏi tại đây.
Hỏi: Trong đề thi môn Ngữ văn, câu 1 thường hỏi về tác giả, tác phẩm hay nói rộng ra là kiến thức văn học Việt Nam hoặc văn học nước ngoài. Có ý kiến cho rằng câu hỏi này đặt trọng tâm vào đánh giá kiến thức của thí sinh tuy nhiên khi trả lời nếu cho thấy kiến thức là tốt, lầ đầy đủ thì cũng chưa được điểm tuyệt đối của câu này bởi đáp án, giáo viên chấm thi vẫn quan tâm đến khả năng cảm thụ văn học của thí sinh ở những câu trả lời. Nhận định này có đúng hay không ạ? Nếu đúng thì thi sinh cần lưu ý gì khi làm bài thi ạ. (Trần Thị Nghĩa)
Thầy Trần Văn Hinh:
Nói một cách chính xác, trong cấu trúc đề thi đại học môn Văn, ngoài câu nghị luận xã hội (3 điểm), còn lại hai câu, có thể tạm hiểu, liên quan đến những bài học trong sách giảng văn: câu 1 (2 điểm) thuộc dạng câu tái hiện kiến thức về tác giả, tác phẩm, giai đoạn văn học; câu 3 thuộc dạng nghị luận văn học, nghĩa là yêu cầu học sinh phải làm thành một bài văn cụ thể.
Với câu 1, tôi xin lưu ý, chỉ trong kì thi tốt nghiệp, người ta mới hỏi những kiến thức liên quan đến văn học nước ngoài. Còn kì thi đại học chỉ là kiến thức văn học Việt Nam. Theo tôi đây là phần dễ ăn điểm nhất, chứ không hề khó, vì người chấm thường không quá khắt khe, họ không quan tâm quá nhiều đến vấn đề cảm thụ văn học, mà đúng ra đây là câu hỏi kiểm tra kiến thức đọc hiểu, chỉ cần học sinh viết được những ý chính, thậm chí kể cả gạch đầu dòng vẫn có thể đạt điểm tuyệt đối (2 điểm).
Tất nhiên, cái này còn tuỳ thuộc vào mỗi người chấm. Kình nghiệm chấm thi nhiều năm qua cho tôi biết, cũng có những thầy thường hay cho điểm tuyệt đối câu hỏi này, nếu học sinh có được những ý cơ bản. Vì họ nghĩ đây là câu gỡ điểm. Vì vậy, các em cần tận dụng tối đa lợi thế này. Chú ý đừng quá mất thời gian vào câu 1, những cũng đừng nên tắc trách quá. Còn trong trường hợp khác, có thầy chỉ cho điểm câu hỏi này từ 0,5 đến 1,75, tuỳ thuộc vào ý tứ của câu trả lời học sinh đạt được. Những thầy cô này không bao giờ cho điểm tuyệt đối, vì họ nghĩ rằng chả có bài viết nào của học sinh lại có thể đật được sự tuyệt đối. Đơn giản chỉ vậy thôi. Họ có lí của họ.
Thầy Trần Văn Hinh – Khoa Văn học.
Hỏi: Xin Thầy trả lời giúp câu hỏi này cho con gái tôi vì cháu không tham gia được vào giờ này do phải đi học. Câu hỏi như sau: Nghị luận xã hội có đối tượng rộng hơn rất nhiều so với nghị luận văn học (có đối tượng là tác phẩm văn học, là nhà văn) nhưng điểm tối đa những năm qua thường chỉ được 3 điểm và yêu cầu lại viết không quá dài (khoảng 600 từ). Xin Thầy cho biết bố cục chung của bài nghị luận xã hội, mức điểm tối đa cho mỗi phần, dung lượng tối đa của mỗi phần ra sao? (Quách Thị Hoa)
Thầy Trần Văn Hinh:
Chào Chị,
Với một bài nghị luận xã hội (NLXH), cho dù phạm vi câu hỏi có thể rộng hơn rất nhiều, nhưng để đạt được yêu cầu cơ bản, nó lại không khó. Khoảng 4 năm trở lại đây, câu hỏi NLXH mới được thực thi trong các kì thi, và tôi thấy, dù chưa phải là thật giỏi, học sinh viết câu hỏi này tương đối khá. Họ ít khi bị điểm kém. Vậy để viết một bài NLXH chỉ với 600 từ (khoảng 2 đến 2 trang rười tờ giấy thi), cần phải làm như thế nào thì tốt nhất. Tôi xin bật mí cho các em một vài mẹo sau đây:
Trước hết Chị nhắc cháu nên chú ý, bài làm NLXH vẫn nên được viết như một bài làm văn bình thường, có mở đầu, thân bài và kết luận. Mở bài là phần nêu lại câu hỏi đề thi, giải thích từ khoá trong câu hỏi. Chẳng hạn đề thi cách đây vài năm người ta hỏi: Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hoá, mê muội thần tượng là một thảm hoạ. hãy viết một đoạn văn ngắn (600 từ) về vấn đề trên. Như vậy, những từ khoá của câu hỏi trên được xác định là ngưỡng mộ, mê muội, thảm hoạ, thần tượng. Trong phần mở bài, người viết phải nêu lại được yêu cầu của câu hỏi đề thi, sau đó đi vào giải thích các từ khoá. Ý này được 0,5 điểm.
Phần thân bài phải trình bày suy nghĩ cá nhân về nhận xét trên, người viết phải có trách nhiệm bàn luận vấn đề được đặt ra, trong đó, có cả phần bàn cụ thể vào câu hỏi, và có phần bàn luận mở rộng để câu trả lời được sâu hơn. Ý này được tính 2 điểm (ngưỡng mộ 1, và mê muội 1).
Phần 3 kết luận là những bài học được rút ra từ sự bàn luận trên. Có thể bài học đó được xác định rõ là bài học nhận thức và hành động. Toàn bộ ý này cũng chỉ được tính 0,5 điểm.
Chúc Chị và gia đình luôn mạnh khoẻ! Cháu học giỏi, thi thành công!
Hỏi: Em chào các thầy cô giáo.em tên là Phạm Thị Thu Nga.Em đang là học sinh trường THPT Ba Bể – Bắc Kan. Em muốn hỏi là trường mình sẽ lấy điểm thi như thế nào cho ngành báo chí, đông phương học và tâm lí học??? < vì năm nay không có điểm sàn.em muốn biết được bao nhiều điểm thì sẽ được tuyển vào trường ạ > (Phạm Thị Thu Nga)
Th.S Đinh Việt Hải:
Chào em,
Trước hết, Thầy muốn khẳng định với các em là chủ trương không sử dụng một tiêu chí đảm bảo chất lượng tối thiểu trong tuyển sinh đại học như những năm vừa qua mà thường gọi là ĐIỂM SÀN để thay thế bằng tiêu chí khác vẫn đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, chưa có công bố cuối cùng. Tuy nhiên, nếu để ý em sẽ thấy nhiều năm qua, điểm trúng tuyển tối thiểu vào các ngành của Trường luôn ở mức 17 – 18 điểm trở lên đối với khối C, khối D và cao hơn với cả khối A, khối B. Vì thế, em không phải băn khoăn với điều này nhiều nhé.
Các ngành Báo chí, ngành Đông phương học, ngành Tâm lí học luôn là những ngành vừa có nhiều thí sinh dự thi vừa có điểm trúng tuyển cao. Em có thể tham khảo điều trúng tuyển những ngành này các năm qua tại đây để hiểu thêm về mức trúng tuyển các ngành này ở từng khối: http://tuyensin
Chúc em thành công!
ThS Đinh Việt Hải – Phòng Đào tạo.
Hỏi: Năm nay trường có tuyển khối A-ngành Báo chí không ạ.nếu có thì chỉ tiêu năm nay của trường đối với ngành này là bao nhiêu ạ. Em cảm ơn! (Lê Dung)
Th.S Đinh Việt Hải:
Từ năm 2012, ngành Báo chí có tuyển sinh khối A. Năm 2014, ngành này tiếp tục tuyển sinh khối A em nhé. Thầy hiểu câu hỏi của em là chỉ tiêu khối A cho ngành Báo chí đúng không? Bởi nếu chỉ tiêu cho toàn ngành thì em biết rồi.
Thực tế thì chỉ có chỉ tiêu cho toàn ngành chứ không định chỉ tiêu cho từng khối. Chỉ đến khi có kết quả thi thì Hội đồng tuyển sinh căn cứ vào mức điểm đạt được của từng khối thi, số lượng sinh viên đạt được ở từng mức điểm để định ra điểm trúng tuyển sao cho đảm bảo các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào của Trường nhưng cũng có sự hài hoà giữa tỉ lệ thí sinh dự thi với thí sinh trúng tuyển và mức điểm giữa các khối thi nữa. Vì vậy, lúc này, không một ai có thể trả lời câu hỏi khối A năm nay tuyển bao nhiêu chỉ tiêu cho ngành A, ngành B cả em ạ.
Mời em vào link về điểm chuẩn các năm 2011 – 2013 ở câu trả lời trên của Thầy cho các bạn khác để tham khảo mức điểm chuẩn khối A của ngành Báo chí em nhé.
Chúc em thành công!
Hỏi: Thưa Thầy Trần Văn Hinh, cảm ơn Thầy đã trả lời câu hỏi của cháu về bài nghị luận xã hội vừa rồi. Mong Thầy trả lời thêm cho tôi một câu hỏi nữa. Đó là, khi chấm bài nghị luận xã hội , Thầy thường mong nhìn thấy năng lực gì của thí sinh và tương tự như thế với bài nghị luận văn học? (Quách Thị Hoa)
Thầy Trần Văn Hinh:
Với bài nghị luận xã hội, năng lực dễ nhận thấy ở học sinh là họ thường viết không sai, chứng tỏ học sinh bây giờ đã hiểu biết hơn rất nhiều. Các cháu đọc sách báo, xem ti vi, nghe thầy cô giáo dạy, và cả những kiến thức học được trong cuộc sống nữa. Nhưng tôi vẫn tiếc một điều, là tuy các cháu viết không sai, nhưng bài làm của họ thường quá lệ thuộc vào sách vở, hô khẩu hiệu, nói giống nhau, chứ ít có những đột phá.
Quan điểm của tôi, đột phá có nghĩa là học sinh phải thể hiện được những suy nghĩ sắc sảo của mình, phải có những suy nghĩ táo bạo, thậm chí “phản biện”. Tất nhiên tôi hiểu, học sinh do được học trong sách vở, do phần giảng của các thầy cô phổ thông bao giờ cũng rất mực thước, họ cũng thích sự “an toàn”, nên vượt qua ranh giới này với họ là không hề dễ dàng. Trong khi đó tôi biết đáp án chấm câu hỏi này, bao giờ cũng có ghi chú, học sinh có thể viết không giống đáp án, có thể viết theo suy nghĩ riêng của mình, không giống người khác, thậm chí có thể phản biện lại, nếu thuyết phục vẫn đạt điểm tối đa.
Tôi thích một bài viết đột phá hơn là một bài theo khuôn mẫu sẵn. Với câu hỏi nghị luận văn học cũng thế. Học sinh bây giờ họ cứ học theo khuôn mẫu quá. Ít cháu dám vượt qua những “ranh giới”. Trong hướng dẫn chấm môn thi Ngữ văn của bài thi tuyển sinh đại học ở câu này của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có lưu ý rằng có thể chấm điểm với những bài làm có ý trả lời khác với đáp án nếu mà thuyết phục.
Cảm ơn Chị đã đặt câu hỏi rất hay này!
Hỏi: Em cứ ngồi vào phòng thi là hay bị mất bình tĩnh và quên kiến thức, thầy cô có thể tư vấn giúp em làm cách nào để khắc phục điều này không ạ? Cảm ơn sự tư vấn của thầy cô. (Phương Loan)
PGS.TS Trần Thu Hương:
Cảm ơn em đã chia sẻ điều này. Theo cô hiểu, khi vào phòng thi, tự nhiên em cảm thấy hồi hộp, lo lắng không biết liệu mình có làm được bài không. Tim có vẻ đập nhanh hơn, tay chân có vẻ run, cảm giác không yên. Vì thế em mất bình tĩnh và dẫn đến quên hết những kiến thức đã học.
Những hiện tượng này xuất hiện khi em quá căng thẳng (stress). Để khắc phục hiện tượng quá căng thẳng này, có nhiều cách khác nhau, tuỳ thuộc vào tính cách của mỗi người. Nhưng tựu chung, những cách thức này đều nhằm làm giảm thiểu sự căng thẳng (stress) của cá nhân đó. Có người thì không làm gì, không học gì vào tối trước khi đi thi. Có người thì nghe các bản nhạc mà mình thích. Có người hít thở để thư giãn … Thông thường, em thích làm gì vào thời gian rảnh? Những lúc ấy, em cảm thấy thế nào? Hãy dùng những cách thức ấy để làm mình được thư giãn và hãy lắng nghe thật chính xác các cảm xúc của em.
Khi vào phòng thi, cũng như em, các bạn khác cũng sẽ choáng ngợp, lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên, sự lo lắng, hồi hộp ấy rồi cũng qua đi khi có sự tập trung cao độ vào việc làm bài. Điều mà cô thấy nhiều bạn làm là đọc kĩ đề thi, từng từ một, để đảm bảo là mình thực sự hiểu đề thi. Các bạn lựa chọn bài dễ làm trước, bài khó làm sau. Mọi lời giải đều được làm ra nháp trước khi viết chính thức vào tờ giấy thi. Thực ra, thời gian viết lời giải ra nháp chính là thời gian để em bình tĩnh, cân bằng trở lại, nhớ kiến thức, tập trung vào bài thi và giảm thiểu sự lo lắng.
Cô tin rằng em hoàn toàn hiểu bản thân mình và hoàn toàn có năng lực tự giúp mình vượt qua những lo lắng đó. Hi vọng cô đã giúp cho em phần nào hiểu cảm xúc của chính mình, có thể giữ bình tĩnh, tự tin khi bước vào phòng thi và nhớ được nhiều kiến thức có thể.
Chúc em sẽ hoàn thành tốt những bài thi của mình trong kì thi đại học sắp tới.
PGS.TS Trần Thu Hương – Khoa Tâm lí học.
Hỏi: Môn Địa lí có rất nhiều số liệu cần phải nhớ nên em học rất hay bị nhầm lẫn hoặc không nhớ được chính xác. Thầy/cô cho em hỏi là khi làm bài thi mình có bắt buộc phải nhớ chính xác số liệu không? Và có cách học nào giúp nhớ nhanh và lâu các số liệu đó không ạ? (Lan Hương)
PGS. TS Đinh Văn Thanh:
Trong khi làm bài, thí sinh cần nhớ chính xác các số liệu liên quan đến nội dung trình bày nếu không thì không có điểm hoặc bị trừ điểm.
Cách nhớ nhanh và lâu nhất các số liệu là phải chăm học, học đi học lại nhiều lần và tìm các ví dụ minh hoạ trong thực tế xã hội gắn với số liệu đó.
PGS.TS Đinh Văn Thanh (trái) và thầy Nguyễn Văn Hồng.
Hỏi: Thưa thầy cô, trong đề thi môn Địa lí thường có mấy câu ạ và câu nào sẽ được nhiều điểm hơn? Em cảm ơn. (Lê Phương Anh)
PGS. TS Đinh Văn Thanh:
Trong bài thi Địa lí, thường chia làm 02 phần: Phần lí thuyết thường gồm 02 hoặc 03 câu hỏi, trong mỗi câu này lại có các ý nhỏ hơn. Phần còn lại là phần thực hành, trong đó phần vẽ biểu đồ được 1,5-2,0đ còn phần nhận xét, giải thích được 1,0-1,5đ. Như vậy, câu thực hành sẽ được nhiều điểm nhất, còn phần lí thuyết nhiều điểm nhưng được chia thành nhiều câu nhỏ.
Hỏi: Trong bài viết của Thầy về bài văn nghị luận xã hội trên website tuyển sinh của Trường, Thầy có hướng dẫn là bài nghị luận xã hội không dựa vào bài học có sẵn, cũng không phải khi nào Thầy, Cô đã từng hướng dẫn ở những chủ đề mà đề thi ra nên thí sinh cần chủ động, mạnh dạn trong khi viết bài để nêu được chính kiến của mình, miễn là nó thuyết phục người đọc bằng những lí lẽ xác đáng. (Phạm Thị Hương)
Thầy Trần Văn Hinh:
Chào em,
Cảm ơn em đã đọc rất kĩ bài viết của Thầy. Một phần câu hỏi này Thầy đã trả lời qua hai câu trả lời cho bác Quách Thị Hoa. Bây giờ Thầy giải thích thêm đôi chút.
Vì các bài học liên quan đến câu NLXH không có sẵn trong sách giáo khoa. Người ta vẫn gọi câu hỏi này là dạng đề mở mà. Nó có thể lấy từ rất nhiều nguồn, từ một câu nói, bài thơ, khúc nhạc, hiện tượng đời sống xã hội…nghĩa là nó rất phong phú, đa dạng. Nếu không có sự chủ động thì học sinh sẽ dễ thấy hoang mang trước câu hỏi này. Chứ nếu có được sự chủ động thì tôi nghĩ học sinh sẽ giải quyết câu hỏi này “ngon ơ”. Tôi nói chủ động có nghĩa là vậy.
Thầy Trần Văn Hinh – Khoa Văn học.
Hỏi: Em là thí sinh tự do thi khối C. Ngành Hàn Nôm. Em rất lo môn Sử.em ôn rồi nhưng vẫn thấy tâm lí không ổn. Mong thầy cô cho em lời khuyên và phương pháp ạ. Em cảm ơn thầy cô nhiều. (Lương Thị Duyên)
Thân chào bạn Lương Thị Duyên. Trong lúc ôn thi đại học thì chuyện em và một số các bạn khác gặp khó khăn về tâm lí với môn này, môn kia, trong đó có môn lịch sử là điều hết sức bình thường. Riêng đối với môn lịch sử, thầy từng hỏi khá nhiều bạn học sinh về những khó khăn mà các em vấp phải, chủ yếu các bạn đó cho rằng khó khăn nhất là phương pháp học, học như thế nào để có thể nhớ tốt nhất, làm bài tốt nhất. Thầy có mấy gợi ý về phương pháp cho em như sau:
Một là khi học em nên chia thành các giai đoạn cụ thể cho dễ học, ví dụ như lịch sử Việt Nam các em nên chia thành các giai đoạn như: 1911- 1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975-2000. Sau khi phân chia xong, em nên chia thành các bài theo vấn đề cho dễ học, dễ nhớ. Ví dụ, như trong giai đoạn 1911-1930, em nên chia thành các vấn đề nhỏ như: Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1911-1930), phong trào yêu nước theo khuynh hướng cách mạng tư sản ở Việt Nam 1919-1930,… Về giai đoạn 1945-1954, em có thể chia thành các phần: xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng (tháng 9-1945 đến tháng 12-1946), các chiến dịch quân sự (Việt Bắc thu đông 1947, Biên giới 1950, Điện Biên Phủ 1954), hậu phương trong kháng chiến chống Pháp.
Hai là, từ các bài cụ thể, em nên tìm ra các ý chính của bài. Ví dụ, một bài lịch sử thường có các phần như hoàn cảnh, diễn biến, kết quả, và ý nghĩa lịch sử. Vậy thì em xem trong hoàn cảnh có mấy ý chính, rồi các ý nhỏ trong ý chính đó để. Sau khi ghi nhớ được ý chính, ý nhỏ, em cố gắng tự diễn đạt theo văn phong của mình, như vậy em sẽ tránh được tình trạng nhớ vẹt.
TS Trần Viết Nghĩa – Khoa Lịch sử.
Hỏi: Trong câu vẽ biểu đồ ở đề thi môn Địa lí thường kèm theo yêu cầu nhận xét và giải thích, vậy khi nhận xét và giải thích ta phải chú ý điều gì để tránh bị mất điểm? Thường thì mỗi thí sinh sẽ dành bao nhiêu thời gian cho câu vẽ biểu đồ và nhận xét, giải thích là hợp lí ạ? Em xin cảm ơn. (Vũ Thuỳ Linh)
PGS.TS Đinh Văn Thanh:
Khi vẽ xong biểu đồ, thí sinh cần viết nhận xét và giải thích nhưng chú ý là vẽ biểu đồ đúng thì nhận xét, giải thích mới được điểm còn vẽ sai thì nhận xét, giải thích không được điểm. Phần nhận xét đúng sẽ được từ 0,5-0,75đ.
Khi nhận xét, thí sinh phải nêu được 3 ý lớn sau đây:
– Nhận xét khái quát chung về biểu đồ (Vd: xu hướng tăng hay giảm, phân bố đều hay không đều)
– Nhận xét về cấu trúc bên trong của biểu đồ có đặc điểm gì tương ứng với chỉ tiêu trong đề bài đã đặt ra.
– Nhận xét quá trình, diễn biến từ năm đầu đến năm cuối
– Phần giải thích thì thí sinh phải giải thích được nguyên nhân tại sao lại có những nhận xét như trên.
– Với câu thực hành, thí sinh nên dành từ 40-45 phút để làm bài.
PGS.TS Đinh Văn Thanh – Khoa Địa lí (Trường ĐHKHTN).
Hỏi: Thưa Thầy Trần Văn Hinh, em Quách Thị Hoa xin được hỏi thêm Thầy một câu nữa. Câu hỏi nếu dài quá thì Thầy thông cảm cho em nhé.
Trong bài viết của Thầy về bài nghị luận văn học, có lưu ý thí sinh rằng những năm gần đây, câu hỏi nghị luận văn học của đề thi không nêu trực diện dạng đề thi (phân tích, bình giảng, chứng minh, giải thích) mà lại hỏi CẢM NHẬN của anh/chị như thế nào và lời khuyên của Thầy là “thí sinh khi đặt bút làm bài phải suy xét cẩn thận… Cảm nhận thuộc thể văn nào, giải thích, chứng minh, bình luận hay phân tích? Đây là câu hỏi không dễ trả lời một cách rạch ròi. .. Có người cho rằng, vì đề chỉ yêu cầu học sinh nêu cảm nhận nên họ có quyền làm bài một cách tự do, không cần phải theo một thể thức, khuôn khổ nào. Lập luận hoàn toàn có lí. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, dù thế nào, để đạt yêu cầu của một bài văn, thí sinh vẫn cứ phải đáp ứng được những nguyên tắc tối thiểu. Nghĩa là vẫn cứ phải làm rõ được các yêu cầu chính của đề thi. Với dạng câu hỏi đó, thực chất bài làm của học sinh là sự tổng hợp của tất cả các phương pháp, chỗ nào cần giải thích thì giải thích, chỗ nào cần phân tích, chứng minh thì phân tích chứng minh. Cũng không nên quá băn khoăn về câu chữ của đề”. Vậy Thầy có thể phân tích một ví dụ giúp chúng em hiểu rõ hơn quan điểm của Thầy được không? (Quách Thị Hoa)
Thầy Trần Văn Hinh:
Đúng là câu hỏi dài thật nhưng làm cho tôi nghĩ đang được đối thoại với một bạn đồng nghiệp của mình rồi. Nếu quả đúng như vậy thì thêm lần nữa tôi xin được cảm ơn Chị.
Quan sát một số năm gần đây, tôi thấy câu hỏi đề thi 5 điểm nghị luận văn học, người ta hay quen dung một từ lặp đi lặp lại là cảm nhận. Ví dụ: Nêu cảm nhận về hai đoạn thơ sau…; hay cảm nhận của anh/chị về đoạn kết hai tác phẩm…; hoặc nữa Cảm nhận về hình ảnh thiên nhiên tạo vật trong bài thơ…
Thực ra, tôi không đồng ý lắm với cách dùng từ trong câu hỏi thuộc dạng này, vì nó có phần mơ hồ, không rõ ràng. Trong khi với học sinh phổ thông, mình phải rõ ràng. Một bài văn cần phải có xác định rõ nó thuộc dạng nào, phân tích, chứng minh, bình giảng, giải thích hay bình luận. Đấy là những kiến thức Tập làm văn học sinh thường được học ở các cấp phổ thông. Khi ra đề thi, người soạn đề phải vận dụng những kiến thức đó, chứ không nên chỉ hỏi chung chung cảm nhận.
Tất nhiên, những người ra đề có quyền và có lí của họ. Vì vậy học sinh phải biết tự lo cho mình thôi. Chính vì thế mà tôi mới bày cho học sinh là họ cứ dựa vào câu hỏi, dựa vào kiến thức đã được học, rồi viết ra được đầy đủ những ý mà mình hiểu. Suy cho cùng, có ai dùng kính “hiển vi” để soi vào bài văn của mình xem là bài văn được thao tác dưới dạng phân tích, chứng minh hay bình giảng đâu. Một bài văn hay là bài làm đủ ý, trong sáng, không sai lỗi câu và lỗi chính tả. Ý tôi muốn khẳng định là như vậy.
Hi vọng là câu trả lời đủ dài như câu hỏi vậy!
Hỏi: Em thấy rất nhiều bạn thi đại học môn Lịch sử có điểm rất thấp, thường thì nguyên nhân vì sao lại như vậy được không? Nếu có thể, thầy cô liệt kê các nguyên nhân chính để em đỡ mắc phải trong đợt thi sắp tới ạ. (Nguyễn Duy Nam)
TS Trần Viết Nghĩa:
Thân chào Nguyễn Duy Nam.
Đúng là có nhiều bạn đi thi môn Lịch sử điểm rất thấp, thầy cũng rất thấy buồn mỗi khi chấm bài mà có những bài thi có điểm thấp, quá thấp. Nhưng sự thật cũng có rất nhiều bài thi đạt điểm rất cao như 8.5, 9.0 và 9.5. Những bạn thi điểm rất cao môn Lịch sử thì hai môn còn lại cũng đạt điểm rất cao. Thầy nói như thế để em đỡ bi quan về điểm môn Lịch sử nhé.
Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều bạn thi môn Lịch sử đạt điểm kém thì có nhiều như là cách dạy và học ở bậc phổ thông, môn Lịch sử tuy luôn được xã hội nói là quan trọng nhưng ở bậc phổ thông nó có thực sự được nhà trường, các thầy cô và học trò coi trọng không, là môn chính hay phụ thì các em là người hiểu rõ nhất, vì vậy nó cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lí, thái độ học tập của các em đối với môn Lịch sử, từ đó có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến kết quả thi môn Lịch sử. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính yếu nhất là lòng say mê môn Lịch sử chưa đủ lớn, phương pháp học và thi môn Lịch sử chưa phù hợp.
Cảm ơn em đã chia sẻ!
TS Trần Viết Nghĩa và ThS Đinh Việt Hải.
Hỏi: Thầy cô tư vấn giúp em làm thế nào để có thể học thuộc và nhớ lâu môn Lịch sử ạ? Liệu các mốc thời gian em có phải nhớ chính xác không? (Mai Anh)
TS Trần Viết Nghĩa:
Học lịch sử mà chỉ đọc thuộc lòng thôi thì thật khó học và khó nhớ em ạ. Cách học vẹt, nhớ vẹt dường như vẫn là một căn bệnh cố hữu trong việc học các môn khoa học xã hội, trong đó có môn lịch sử.
Một trong những cách tốt nhất để nhớ lâu như các cụ nhà ta đã dạy là “văn ôn võ luyện”, học nhiều thì nhớ lâu. Không chỉ học thuộc sự kiện mà em nên tìm hiểu về sự kiện lịch sử. Khi em hiểu sự kiện lịch sử thì em sẽ nhớ lâu hơn. Muốn hiểu sự kiện lịch sử em nên đặt sự kiện đó trong các sự kiện lịch sử tương tác với nó. Học như vậy em không chỉ nhớ được một mà một vài, thậm chí là nhiều sự kiện lịch sử.
Các mốc thời gian của sự kiện lịch sử nào đó nhớ được chính xác là tốt nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ được tuyệt đối đâu em. Nếu không nhớ được ngày, thì nhớ đến tháng, không nhớ được tháng thì cố gắng nhớ đến năm, hoặc có thể diễn đạt ở mức tương đối nhất có thể. Tuy nhiên, tránh việc thổi phồng sự kiện lịch sử quá đà. Ví dụ 1, sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 6-1-1930 (sách phổ thông lớp 12), các em có thể viết tháng 1-1930, năm 1930, hoặc mùa xuân năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ví dụ 2, trong một trận đánh quân và dân ta tiêu diệt được 192 tên địch. Em không nhớ chính xác được con số này, em có thể viết ở mức là gần 200 tên địch (hoặc khá nhiều tên địch).
Hỏi: Thưa thầy Đinh Văn Thanh, để làm tốt câu thực hành trong bài thi Địa lí thì ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh cần phải chuẩn bị các kiến thức gì khác ạ? (Lã Minh Phượng)
PGS.TS Đinh Văn Thanh:
Để làm tốt câu thực hành thí sinh cần phải chuẩn bị những kiến thức sau đây:
1. Phải có kiến thức về kĩ năng tính toán nhanh, chính xác, nhất là tính cơ cấu quy ra phần trăm, tính quy mô, tính bán kính vòng tròn,…
2. Nắm bắt được mối quan hệ logic giữa các thành phần theo yêu cầu của đề bài như tổng số dân thì sẽ gồm dân thành thị cộng với dân nông thôn, diện tích lúa cả năm sẽ bằng diện tích lúa mùa cộng với diện tích lúa đông xuân và diện tích lúa hè thu,…
3. Cần nhớ kĩ “cách nhận biết” khi vẽ từng dạng biểu đồ dựa vào cách hỏi và các số liệu đã cho của đề bài. Ví dụ: Đề bài hỏi vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện quy mô, cơ cấu thì chắc chắn là biểu đồ hình tròn; nhưng đề bài lại hỏi vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi cơ cấu thì chắc chắn đó là biểu đồ miền,…
4. Khi viết nhận xét, giải thích biểu đồ để được điểm cao tuyệt đối thì ngoài các kiến thức phân tích biểu đồ, dựa vào số liệu của đề bài thì cần có thêm kiến thức hiểu biết khác về thực tiễn xã hội có liên quan.
Hỏi: Thầy cô có thể tư vấn giúp em để đạt điểm cao môn Địa lí thì khi làm bài mình cần phải chú ý những gì không? Và khi chấm thi, cách trình bày nào của thí sinh sẽ được các thầy cô đánh giá cao ạ? Em cảm ơn và rất mong nhận được sự tư vấn của thầy cô. (Lê Thị Mai)
PGS.TS Đinh Văn Thanh:
Khi làm bài Địa lí muốn đạt điểm cao, thí sinh cần phải chú ý những điểm sau đây:
– Phải nhớ và hiểu kĩ phần lí thuyết, biết cách nhận biết vấn đề cùng với kĩ năng làm phần thực hành chính xác.
– Trình bày bài làm phải đủ câu, đủ ý. Mỗi ý cần ngắn gọn và xúc tích, có dẫn chứng số liệu kèm theo.
– Các thí sinh nên trình bày mỗi ý theo cách gạch đầu dòng để tránh bị sót ý và các thầy cô khi chấm bài cũng dễ đánh giá hơn.
– Thí sinh phải vẽ biểu đồ phải rõ ràng, chính xác vì nếu vẽ biểu đồ sai thì phần nhận xét, giải thích cũng sẽ sai theo.
– Thông thường, mỗi bài thi trong các kì thi đại học sẽ dài khoảng từ 8 đến 10 trang là hợp lí.
Hỏi: Chao cac thay co .cho em hoi neu hoc.nganh lich su sau nay ra truong em co duoc giang day o cac truong Thcs hay thpt ko ạ. (huynh thi mai huong)
TS Trần Viết Nghĩa:
Thân chào Hương. Nếu em học ngành lịch sử hệ sư phạm thì sau khi ra trường em sẽ dạy lịch sử không chỉ ở bậc phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, thậm chí cao đẳng và đại học nữa nếu có năng lực. Nếu em theo học ngành Lịch sử của Đại học Quốc gia thì hiện nay Trường Đại học Giáo dục của Đại học Quốc gia có hệ sư phạm, theo học ngành Lịch sử của Trường Đại học KHXH&NVHN em vẫn có thể đi dạy học môn Lịch sử nếu em học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Ngoài việc đi dạy, học ngành Lịch sử em còn có thể xin việc ở nhiều cơ quan, sở, ban, ngành từ cấp Trung ương đến địa phương. Nói chung, học ngành Lịch sử thì diện xin việc khá rộng rãi. Tuy nhiên, cũng như bất cứ các ngành học khác, xin việc còn phụ thuộc lớn vào năng lực của bản thân em.
Hỏi: Khi làm bài thi thì có bắt buộc phải lập dàn ý trước rồi mới viết không thưa thầy. (Hương Giang)
Thầy Trần Văn Hinh:
Theo thầy, trước khi làm một bài văn, nên dành thời gian lập một dàn ý. Tại sao lại thế? Vì làm như thế mình sẽ không lạc hướng trong quá trình làm bài. Thứ nữa, như em biết, các thầy cô chấm thi, đều dựa trên một đáp án, trong đó đều có các luận điểm cụ thể. Lập một đề cương hay dàn ý trước khi làm bài, đó cũng là cách mình xác định rõ các ý trong quá trình viết. Vậy nên, em nhớ trước khi đặt bút viết chính thức thì nên dàn trước những ý cơ bản, chi tiết hay sơ lược là do khả năng chủ động của mình.
Ý thứ hai em hỏi những điểm cần chú ý khi phân tích một tác phẩm, thì theo thầy, cần phải căn cứ cụ thể vào câu hỏi đề thi. Bởi lẽ có thể câu hỏi đề thi người ta chỉ yêu cầu phân tích một đoạn thơ, hay một đặc điểm gì đó của nhân vật, hoặc nữa, một chủ đề khái quát gì đó của tác phẩm, mình phải căn cứ vào câu hỏi cụ thể đó thì mới biết nên viết thế nào.
Trong trường hợp em muốn trả lời cho câu hỏi chung và khái quát như trên, thì theo thầy, với văn xuôi, mình phải chú ý nhiều hơn đến chủ đề tác phẩm, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, tính cách nhân vật trong tác phẩm…Trong khi đó, nếu phân tích thơ, thì cần chú ý nhiều hơn đến cấu tứ, hình ảnh, thể thơ, vần điệu…
Tóm lại, phân tích một tác phẩm văn học, nghĩa là phải làm rõ được ý đồ của tác giả, nội dung và hình thức của tác phẩm, cái hay, cái đẹp của tác phẩm…
Hỏi: Em nghe nhiều bạn nói việc chấm văn còn tùy thuộc vào người chấm (có người cho điểm cao, có người cho điểm thấp) mặc dù đã có đáp án – thang điểm chi tiết, nên em cũng khá lo lắng. Vậy bài làm của em có phải chỉ đúng đáp án mới được điểm không và những ý sáng tạo ngoài đáp án thì liệu có được công điểm không ạ? (Nguyễn Thị Yến)
Thầy Trần Văn Hinh:
Câu hỏi của em hoàn toàn có lí, nhưng theo thầy em đừng quá lo lắng như vậy. Vì trên nguyên tắc, một bài thi ít nhất có tới hai người chấm. Hai người chấm hoàn toàn độc lập.
Trong lịch sử chấm thi, thầy cũng từng được chứng kiến có hiện tượng hai thầy chấm đầu lệch nhau khá nhiều điểm. Trong trường hợp đó, thầy nghĩ, chắc chắn một trong hai người chấm đó phải sai, hoặc nữa cả hai đều sai, một theo hướng tăng cao, một theo hướng hạ thấp. Thế nhưng, theo quy chế, khi đó hội đồng chấm thi sẽ có người thứ ba cùng tham gia chấm. Trong trường hợp hai người chấm đầu không đồng ý với điểm của người chấm thứ ba, thì sẽ có ông trưởng môn đứng ra đọc lại bài và quyết định cuối cùng. Nhĩa là dù thế nào, việc chấm thi vẫn đảm bảo được sự khách quan em ạ, đừng lo.
Kể cả sau khi có kết quả nếu thấy điểm thi vô lý các em vẫn có thể làm đơn phúc tra lại. Thế nhưng trường hợp này là hết sức hãn hữu. Chỉ thỉnh thoảng thôi, bởi lẽ cho dù là văn chương có “mênh mông” đến thế nào, nhưng nó vẫn có một cái chuẩn nào đó. Cụ thể, có hẳn cả một ba rem (đáp án) của Bộ Đại học ban hành rồi. Người chấm thi phải căn cứ vào đó. Nếu sai họ sẽ chịu kỷ luật. Vì vậy, em nên nhớ bài làm của mình phải có luận điểm, mỗi luận điểm thì nên xuống dòng. Như thế sẽ giúp người chấm dễ nhận ra. Như thế thì tốt hơn.
Còn phần sáng tạo ngoài đáp án nếu sáng tạo ý thì khó xảy ra bởi đáp án đã làm đầy đủ và người chấm phải chấm theo đáp án còn sáng tạo trong cách trả lời thì sẽ tạo thiện cảm cho người chấm nhiều hơn mà thôi.
Hỏi: Theo thầy cô thi mỗi ngày dành bao nhiêu thời gian ôn thi là hợp lý ạ? Và học vào thời điểm nào sẽ giúp mình nhớ lâu hơn? (Bùi Thu Thủy)
PGS.TS Trần Thu Hương:
Cô chào Thủy,
Việc dành bao nhiêu thời gian để ôn thi mỗi ngày tùy thuộc vào mỗi người. Tuy nhiên, để em có thể xác định được thời lượng học và thời điểm học tốt nhất trong ngày, chúng ta làm một phép toán nhỏ như thế này trước nhé.
Thông thường, chúng ta sẽ dành khoảng 7, 8 tiếng/ngày để ngủ, bao gồm cả giấc ngủ trưa. Thời gian ngủ này sẽ giúp em phục hồi sức khỏe, dãn mềm cơ bắp, tiếp thêm sức mạnh cho các nơ ron thần kinh tiếp nhận tri thức, cho phép não bộ thực hiện và củng cố những dây thần kinh làm nhiệm vụ kết nối tri thức. Thiếu ngủ hoặc mất ngủ sẽ khiến em mất tập trung, giảm khả năng tư duy và sáng tạo. Thời gian dành cho ăn uống và nghỉ ngơi vào khoảng 2-3 tiếng/ngày. Sau khi ăn xong, em không nên học ngay. Tốt nhất nên học sau khi ăn khoảng 40 phút. Ngoài ra, em cũng phải tính đến thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
Thời gian học nên được chia nhỏ một cách hợp lý. Thông thường, em có thể ngồi học liền một lúc khoảng 1-2 giờ. Sau đó, em cần nghỉ ngơi một chút bằng việc cho não “ăn” chút gì đó như uống cốc sữa, chiếc bánh nhỏ, hoặc ra ngoài hít thở không khí trong lành. Theo cô, 11 giờ đêm ngủ, lúc sau quay lại học sẽ minh mẫn. Em nên chủ động với kế hoạch của mình. Buổi sáng là thời gian tốt nhất cho việc học và giúp em nhớ kiến thức lâu.
Thực tế, chính cơ thể và não bộ của em sẽ quyết định em có thể học ôn thi bao nhiêu thời gian mỗi ngày và học vào lúc nào để nhớ được tốt. Điều này đồng nghĩa với việc em phải có kế hoạch thực sự hợp lý cho sức khỏe, đảm bảo cơ thể ở trong tình trạng tốt nhất đối với việc lưu giữ các thông tin, các kiến thức hữu ích cho việc thi đại học. Chúc em thành công trong kỳ thi tới nhé.
Hỏi: Cho em hỏi bí quyết làm bài thi môn sử và cách trình bày bài thi ạ? (Chu Thị Thơm)
TS Trần Viết Nghĩa:
Thân chào em Chu Thị Thơm
Thực ra không có cái gì gọi là bí quyết để làm bài thi môn Lịch sử em ạ. Thầy chỉ chia sẻ mấy lưu ý thế này:
Thứ nhất, Thầy nghĩ để làm tốt bài thi môn Lịch sử, như nhiều các thí sinh khác trước hết em phải chăm chỉ học tập, nắm thật vững kiến thức, và đừng học theo kiểu cầu may.
Thứ hai, khi trình bày bài chữ viết cần viết rõ ràng (nhiều bạn chữ rất xấu, thậm chí là sai lỗi chính tả rất nhiều), bài viết sạch đẹp. Thầy nghĩ hình thức tuy không quyết định nội dung, nhưng cũng là rất cần với những môn khoa học xã hội.
Thứ ba, khi làm bài, trước khi viết phần trả lời cho từng câu hỏi, em nên viết ra giấy nháp những ý chính, ý nhỏ cho từng câu hỏi để đảm bảo đủ ý.
Thứ tư, em nên lựa chọn những câu hỏi dễ làm trước, khó làm sau; câu hỏi có nội dung cụ thể trước, tổng hợp sau.
Thứ năm, với những câu hỏi tổng hợp em cần lựa chọn những nội dung tiêu biểu, sự kiện tiêu biểu và có tính khái quát cao, tránh sa đà vào mô tả chi tiết.
Thứ sáu, với những câu lựa chọn những sự kiện tiêu biểu em nên lựa chọn những sự kiện lớn có ảnh hưởng đến chung cuộc không nên lựa chọn những sự kiện nhỏ không mang tính tiêu biểu.
Hỏi: Thưa thầy Đinh Việt Hải , em là thí sinh tự do có nguyện vọng dự tuyển vào trường ĐHKHXH&NV HN năm nay. Mong thầy cho em biết, em là thí sinh ở xa vậy em có được gửi hồ sơ ĐKDT qua đường chuyển phát nhanh của bưu điện được không? Nếu được thì sau này khi lấy giấy báo dự thi (giấy chứng nhận kết quả thi) trường sẽ gửi về tận địa chỉ em ghi trong hồ sơ hay em phải lên sở giáo dục và đào tạo tỉnh để lấy? em xin cảm ơn thấy (Ngọc Linh)
Th.S Đinh Việt Hải:
Chào em,
Trước hết, việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi phải theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, quy định nộp hồ sơ hoặc tại các trường THPT hoặc tại phòng giáo dục quận/huyện hoặc nơi sở giáo dục và đào tạo các địa phương quy định hoặc trực tiếp tại trường đại học nơi em đăng ký dự thi. Việc nộp trực tiếp là yêu cầu bởi khi thu hồ sơ, cán bộ thu hồ sơ phải ký nhận vào phiếu số hai cho thí sinh rồi trả lại cho thí sinh để làm xác nhận việc thí sinh đã nộp hồ sơ.
Nếu em nộp hồ sơ tại trường dự thi thì giấy báo dự thi cũng như chứng nhận kết quả thi sau này sẽ được gửi về địa chỉ nhận thư em khai trong hồ sơ. Nếu em nộp ở địa phương thì nộp ở đâu sẽ nhận ở đấy.
Hỏi: cho em hỏi là khoa ngôn ngữ học chương trình học có nặng không ạ?. phải học nhiều loại ngôn ngữ gì?. ra trường làm ở đâu ạ? (võ hương giang)
Th.S Đinh Việt Hải:
Khoa Ngôn ngữ học hiện tại có 2 chương trình đào tạo cử nhân ngành Ngôn ngữ học. Thứ nhất là chương trình đào tạo chuẩn mà các thí sinh sẽ dự thi vào tháng 07/2014 tới đây. Thứ hai là chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế mà các sinh viên trúng tuyển vào ĐHQGHN có thể đăng ký dự thi vào tháng 09/2014 sau khi nhập học.
Chương trình đào tạo chuẩn có thời lượng 135 tín chỉ còn chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế có thời lượng 150 tín chỉ. Khác biệt lớn nhất giữa hai loại chương trình đào tạo này là sinh viên học chương trình đạt chuẩn quốc tế sẽ tập trung 1 năm đầu cho việc học tiếng Anh để từ các năm sau học một số môn chuyên môn bằng Tiếng Anh.
Với chương trình đào tạo chuẩn, ngôn ngữ được sử dụng trong dạy và học là Tiếng Việt và ngoại ngữ sinh viên học trong chương trình đào tạo này là Tiếng Anh.
Với chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, ngôn ngữ được sử dụng trong dạy và học là Tiếng Anh và một số môn dạt và học bằng Tiếng Việt còn ngoại ngữ sinh viên học trong chương trình đào tạo này chỉ là Tiếng Anh.
Về cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học thì mời em xem ở đây nhé.
Hỏi: Em chào thầy cô ạ! Thầy cô cho e hỏi rõ thông tin về ngành CTXH của trường với ạ.điểm thi và chỉ tiêu tuyển sinh của trường ạ và năm nay bỏ điểm sàn rồi thì phương án tuyển sinh của nhà trường như thế nào ạ. Và thầy cô có thể tư vấn cho e cách ôn thi và phương pháp ôn thi khối C và làm bài thi khối C thật tốt và đạt được điểm tốt k ạ.e cảm ơn thầy cô ạ. (Trần Thị Thanh Thủy)
Th.S Đinh Việt Hải:
Mời em tham khảo các thông tin sau:
- Giới thiệu ngành Công tác xã hội
- Điểm thi của ngành này từ 2011 đến 2013
- Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này năm 2014
Em nên rút kinh nghiệm về việc tìm kiếm thông tin nhé. Rất nhiều điều em muốn biết đã sẵn có ở website này rồi. Tương tự như thế, ý hỏi của em về điểm sàn thì em xem câu trả lời của Thầy cho bạn Phạm Thị Thu Nga ở đầu chương trình này nhé.
Còn về cách làm bài thi thì nếu không có câu hỏi cụ thể thì cả chương trình này đã trả lời cho em.
Hỏi: Năm nay em thi khối C nhưng tuần này bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi rồi mà em vẫn chưa biết lựa chọn ngành học nào phù hợp vì em thấy mình không có sở thích gì đặc biệt cả. Thầy cô có thể tư vấn giúp em được không ạ? Làm thế nào để mình biết được ngành học đó có phù hợp với mình hay không? (Đình Tùng)
TS Trần Viết Nghĩa:
Chào Đình Tùng,
Thực ra, băn khoăn này của em cũng giống với rất nhiều bạn khác khi phải ra quyết định lựa chọn ngành học ở bậc đại học. Để biết ngành học có phù hợp với mình hay không, điều trước tiên có thể làm ngay là em phải có đầy đủ thông tin về ngành học đó. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn mà cô muốn em tự đặt ra cho mình, đó là: em có thể làm tốt nhất ở lĩnh vực nào? Khi em trả lời được câu hỏi này, em sẽ tìm được ngành học phù hợp với mình.
Thêm một câu hỏi nữa giúp em lựa chọn ngành học phù hợp, đó là mục đích của em sau khi học xong. Đây là một câu hỏi thực sự quan trọng và cần thiết giúp em có định hướng tốt hơn, có hứng thú nhiều hơn với ngành học được lựa chọn.
Chúc em sẽ có những lựa chọn đúng và phù hợp với bản thân.
Hỏi: Em thì thích thi ngành Tâm lý học của Trường nhưng bố mẹ em lại chỉ muốn em học sư phạm thôi, vì bảo ngành Tâm lý học khó xin việc làm. Giờ em phải làm gì để thuyết phục được bố mẹ em ạ? (Nguyễn Mai Hương)
PGS.TS Trần Thu Hương:
Cô chào Mai Hương,
Thật khó để thuyết phục bố mẹ đồng ý với sự lựa chọn của mình, đúng không? Cô hoàn toàn chia sẻ với những băn khoăn này của em.
Thường thì bố mẹ luôn nghĩ đến những điều tốt nhất cho con cái. Trong trường hợp của em, bố mẹ em thấy rằng việc học Sư phạm là tốt nhất và phù hợp với con gái. Có thể là, bố mẹ em đã tìm thấy một công việc nào đó cho em sau khi ra trường? Tuy nhiên, nếu như cô hiểu đúng, thì em lại không cảm thấy sư phạm là lựa chọn tốt nhất? Vậy, em có thể nói với bố mẹ em về những điều em suy nghĩ, về những cảm nhận mà em có đối với sự lựa chọn của bố mẹ và của chính bản thân em.
Tâm lý học là một ngành học hết sức thú vị, có thể giúp em chạm tới những ngóc ngách sâu xa nhất, những nơi chốn bí ẩn nhất trong tâm hồn của một cá nhân, mà nhiều khi chính bản thân cá nhân đó không biết. Nếu em muốn tìm hiểu những điều ấy thì việc lựa chọn ngành tâm lý học là tương đối phù hợp. Học xong ngành này, em có thể tìm việc ở rất nhiều nơi: trường học (có thể làm giảng viên hoặc tư vấn học đường), bệnh viện, doanh nghiệp, các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần,… Em có thể dùng các thông tin trong cẩm nang tuyển sinh đại học năm 2014 của trường ĐHKHXH&NV để thuyết phục bố mẹ nhé. Cô hy vọng bố mẹ em sẽ đồng ý với lựa chọn của em.
Chúc em thành công!
Hỏi: Thưa thầy cô khi làm bài thì câu tái hiện kiến thức trong đề có phải làm dài không ạ? Với câu hỏi này em có phải viết thành 3 phần mở bài, thân bài, kết luận không hay là gạch đầu dòng. (Mai Hương)
Thầy Trần Văn Hinh:
Câu hỏi tái hiện kiến thức tác giả, tác phẩm, trào lưu văn học, trong thang điểm là 2. Với câu hỏi này, đề thi không hạn chế số chữ giống như câu hỏi nghị luận xã hội, nhưng em nên nhớ vì điểm tuyệt đối cho câu hỏi này chỉ là 2 điểm, nên mình không nên viết quá dài, theo thầy chỉ cần khoảng nửa đến 1 trang là đủ.
Về cách làm bài, dù là một bài văn ngắn như thế, theo thầy mình có thể có hai cách:
Một là, mình có thể bố cục bài trong 3 phần, mở, thân bài và kết luận, nhưng phải hết sức ngắn gọn, không được phép dài dòng. Thầy đã từng chứng kiến có những học sinh làm câu hỏi này dài tới 3, 4 trang. Như thế vô nghĩa, vì không ai người ta cộng thêm điểm cho mình vượt quá điểm tuyệt đối trong thang điểm là 2. Trong khi mình lại rất cần thời gian cho các câu hỏi nhiều điểm.
Hai là, mình cũng có thể viết ngắn gọn hơn nữa,thậm chí có thể gạch đầu dòng cho từng ý cũng được. Nhưng các ý phải hết sức rõ ràng. Ví dụ, người ta hỏi, hình ảnh cố nhân mà Nguyễn Tuân ví von, so sánh với hình tượng sông Đà có đặc tính gì. Thậm chí mình có thể trả lời trong hai gạch đầu dòng (hung bạo và trữ tình); sau nữa, với câu hỏi sự ví von ấy có nghĩa gì gì? Mình cũng có thể trả lời ngắn gọn qua mấy cái gạch đầu dòng thôi. Một bài làm như vậy, thậm chí mình chỉ cần nửa trang giấy (nghĩa là chỉ trong khoảng 1, 2 trăm từ thôi). Như vậy đấy em ạ.
____________________
Các em thí sinh thân mến,
Còn 11 câu hỏi nữa gửi trong ngày 22/03/2014 này chưa được trả lời (và cả những câu của ngày hôm trước nữa). Ban Tư vấn sẽ tiếp tục trả lời cho các em. Các em đừng sốt ruột nhé. Có những câu hỏi trùng lặp nhau nên việc trả lời sẽ không lặp lại, hãy đọc nội dung, đừng tìm tên hay câu hỏi của mình kẻo bỏ lỡ câu trả lời.
Bây giờ là 11h35 phút, đã quá thời gian quy định. Ban Tư vấn xin tạm biệt các bạn thí sinh với chương trình trực tuyến tháng 03/2014. Như đã nêu ở đầu chương trình, chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi qua các bài hỏi – đáp tuyển sinh trong tuần các em nhé.
Chúc các em học tốt, nghỉ ngơi phù hợp và có những thành tích cao nhất trong các kỳ thi sắp tới!
Hẹn gặp lại các em!
- Thông báo tuyển sinh
- Bồi dưỡng kiến thức
- Thông tin tuyển sinh
- Ngành đào tạo
- Đào tạo ngành 2 (bằng kép)
- Thông tin cần biết
- Thông tin tuyển sinh
- Chương trình đào tạo
- Bổ túc kiến thức
- Thông tin cần biết
- Tuyển sinh VLVH
- Thông tin cần biết
- Chọn ngành, chọn nghề
- Bí quyết học – thi
- Sức khoẻ mùa thi
- Tra cứu kết quả
- Tại sao chọn USSH
- Môi trường học tập
- Học phí - Học bổng
- Ký túc xá